Tại phiên tòa xét xử Trương Mỹ Lan vào ngày 8/11, đại diện Công ty T&H Hạ Long và Công ty Âu Lạc Quảng Ninh – thuộc Tập đoàn Tuần Châu Quảng Ninh do ông Đào Hồng Tuyển làm Chủ tịch HĐQT (ông Tuyển được nhiều người gọi là “Chúa đảo Tuần Châu”) đồng ý nộp lại 6.095 tỷ đồng đã nhận từ bà Lan. Tuy nhiên, hai công ty đề nghị tòa phúc thẩm hủy các hợp đồng khung mà hai bên đã ký kết, và yêu cầu phía bà Lan phải hoàn trả lại tài sản.
Quá trình điều tra xác định, 70% vốn điều lệ của Công ty T&H Hạ Long chuyển cho bà Lan đã sang tên cho con gái là Chu Duyệt Phấn, nên khi họ hoàn thành nghĩa vụ trả tiền, phía bà Lan phải chuyển lại số cổ phần này cho họ. Đồng thời, Công ty T&H Hạ Long và Công ty Âu Lạc Quảng Ninh là hai pháp nhân độc lập, nên tòa phúc thẩm cần tách bạch nghĩa vụ cụ thể trong việc hoàn trả hơn 6.095 tỷ đồng, để quá trình thi hành án được thuận lợi.
Ảnh minh họa |
Trước đó, bản án sơ thẩm xác định ông Đào Anh Tuấn (con trai ông Đào Hồng Tuyển) và hai công ty trên đã nhận của bà Lan hơn 6.095 tỷ đồng. Cụ thể, bà Lan chỉ đạo cấp dưới chuyển cho ông Tuấn 3.179 tỷ đồng theo thỏa thuận khung ngày 20/12/2021. Trong đó, 1.411 tỷ đồng mua hơn 70% cổ phần của Công ty T&H Hạ Long, còn lại 1.768 tỷ đồng đối trừ vào các khoản bên bà Lan có nghĩa vụ thanh toán theo thỏa thuận khung.
Ngoài ra, Công ty Âu Lạc và T&H Hạ Long đã nhận 2.916 tỷ đồng từ 5 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát theo 5 thỏa thuận đặt cọc, chuyển nhượng một phần dự án khu biệt thự Morning Star (243 căn nhà liền kề) và khu biệt thự Hoàng Long với tổng giá trị 5.068 tỷ đồng. Tức, bà Lan còn phải thanh toán cho hai công ty này hơn 2.152 tỷ đồng mới được sở hữu số bất động sản trên.
Tòa sơ thẩm xác định, 6.095 tỷ đồng có nguồn gốc từ SCB nên buộc hai công ty phải trả lại để đảm bảo khắc phục hậu quả vụ án. Để đảm bảo nghĩa vụ của hai công ty, HĐXX tuyên tiếp tục kê biên hơn 18 triệu cổ phần – hơn 70% vốn điều lệ của Công ty T&H Hạ Long; 3 bất động sản thuộc sở hữu của công ty này và 8 bất động sản thuộc sở hữu của Công ty Âu Lạc.
Đối với các tài sản hai công ty dùng để bảo đảm cho khoản vay tại SCB, cơ quan cảnh sát điều tra đã ngăn chặn giao dịch chuyển nhượng, tòa tách ra để các pháp nhân này giải quyết với SCB và các bên liên quan trong một vụ án khác khi các bên có yêu cầu.
Trả lời HĐXX phúc thẩm về các tài sản bị kê biên, người đại diện Công ty T&H Hạ Long và Công ty Âu Lạc Quảng Ninh cho rằng, trong số các tài sản này có một số tài sản tòa sơ thẩm đã buộc họ trả lại tiền rồi mà vẫn giao cho SCB để xử lý nợ, thì vô hình chung họ “phải trả hai lần”. Do vậy, họ đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại.
Còn người đại diện cho ông Đào Anh Tuấn đề nghị tòa xem xét loại bỏ 8 tài sản đang bị kê biên ra khỏi vụ án hình sự để cho các bên khởi kiện bằng vụ án dân sự.
Liên quan đến yêu cầu của đại diện hai công ty trên, HĐXX giải thích, tòa sơ thẩm đã tuyên rõ là họ phải nộp lại hơn 6.095 tỷ đồng thì các tài sản sẽ được giải tỏa kê biên và hợp đồng khung lúc này cũng sẽ được hủy bỏ. Như vậy, hai công ty phải thực hiện nghĩa vụ thi hành án thì các yêu cầu về giải tỏa kê biên mới được thực hiện.
Hiện tại, đại diện SCB chưa xác định được có hay không việc trùng lặp giữa các tài sản bị kê biên giao cho ngân hàng xử lý với các tài sản phải hoàn trả khi thực hiện nghĩa vụ trả tiền nên sẽ rà soát và trả lời sau.