Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) cho biết đã nhận được thông báo cổ phiếu vẫn bị giữ nguyên diện kiểm soát giao dịch do lợi nhuận sau thuế hai năm 2022 và 2023 là số âm. Trước đó, HoSE cũng gửi công văn nhắc nhở nếu báo cáo tài chính năm 2024 vẫn xuất hiện ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán, cổ phiếu DLG sẽ bị hủy niêm yết.
Ở báo cáo tài chính bán niên đã soát xét, DLG ghi nhận khoản lỗ hơn 2.600 tỷ đồng hợp nhất, lỗ gần 2.800 tỷ ở công ty mẹ. Các khoản nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn lần lượt gần 830 tỷ đồng (hợp nhất) và hơn 770 tỷ đồng (công ty mẹ). Do đó, kiểm toán viên nêu ý kiến về việc “có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục” của doanh nghiệp.
Trong văn bản gửi Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) mới đây, Đức Long Gia Lai cho biết để khắc phục tình trạng này, định hướng chiến lược của công ty là đánh giá lại toàn bộ tài sản đảm bảo khoản vay, phối hợp với các ngân hàng chuyển nhượng tài sản kém hiệu quả, không sinh lời. Công ty sẽ tăng cường thu hồi các khoản công nợ nhằm tất toán toàn bộ nợ gốc quá hạn tại ngân hàng và miễn toàn bộ lãi.
Ban lãnh đạo hướng tới cân đối danh mục tài sản, nguồn vốn, cơ cấu lại nợ quá hạn và tài sản ngắn hạn. Trong 9 tháng đầu năm, công ty đã trả gốc vay hơn 219,2 tỷ đồng và dự kiến đến cuối năm sẽ giảm nợ gốc gần 500 tỷ đồng.
Họ cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục pháp lý các dự án năng lượng điện mặt trời, điện gió. Doanh nghiệp này muốn tìm đối tác huy động nguồn vốn hoặc chuyển nhượng một phần dự án, thoái vốn tại các công ty con.
Hội đồng quản trị cũng đã đưa ra kế hoạch và mục tiêu giai đoạn 2024-2026 với mức lãi lần lượt trong ba năm là 120 tỷ, 170 tỷ và 250 tỷ đồng. Trước mắt trong 9 tháng qua, doanh nghiệp này đã vượt 4,6% kế hoạch lợi nhuận khi báo lãi 125,5 tỷ đồng.
“Công ty khẳng định tình hình sản xuất kinh doanh vẫn đang hoạt động ổn định và sẽ thực hiện thành công kế hoạch đề ra”, văn bản nêu rõ.
Tập đoàn Đức Long Gia Lai là một trong hai doanh nghiệp lớn của khu vực Tây Nguyên, hoạt động trong mảng sản xuất, chế biến gỗ, đá granite, kinh doanh bến xe và bãi đỗ, dịch vụ khách sạn, khai thác và chế biến khoáng sản. Doanh nghiệp này có thời kỳ hoàng kim vào giai đoạn 2016-2018 với doanh thu khoảng 3.000 tỷ đồng mỗi năm.
Nhưng hoạt động kinh doanh bắt đầu xuống dốc ngay từ năm 2020 khi những khoản nợ hàng nghìn tỷ đồng liên tiếp ăn mòn lợi nhuận. Điều này khiến công ty nhiều lần bị đơn vị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục và bị HoSE đưa cổ phiếu vào diện kiểm soát.
Hoạt động kinh doanh của Đức Long Gia Lai mới cải thiện gần đây. Tuy nhiên đến quý III năm nay, DLG vẫn còn khoản lỗ lũy kế gần 2.565 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả hơn 4.216 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay tài chính.
Tất Đạt