spot_img
27 C
Hanoi
spot_img
Trang chủDoanh NghiệpBí ẩn Trustlink trong các sai phạm của kết luận thanh tra...

Bí ẩn Trustlink trong các sai phạm của kết luận thanh tra UBCKBNN tại Cienco 4 (C4G)

Thanh tra UBCKNN vừa công bố kết luận thanh tra tại Tập đoàn Cienco 4 (C4G), trong đó chỉ ra một số sai phạm của doanh nghiệp, đặc biệt là vấn đề sử dụng vốn.

Ngày 11/10/2024, Thanh tra UBCKNN đã công bố kết luận thanh tra tại CTCP Tập đoàn Cienco 4 (mã chứng khoán C4G), với nhiều nội dung đáng chú ý về các sai phạm và thiếu sót trong hoạt động của công ty, đặc biệt là trong các giao dịch liên quan đến bên liên quan.

Hai lần sai phạm từ sử dụng vốn sau phát hành đều liên quan đến Trustlink

Theo kết luận thanh tra tại Cienco 4, trong giai đoạn thanh tra, cơ bản công ty đã tuân thủ các quy định của pháp luật chứng khoán. Tuy nhiên, vẫn còn có một số vi phạm quan trọng, đặc biệt trong các giao dịch với CTCP Dịch vụ và Đầu tư Trustlink, một cổ đông lớn sở hữu hơn 2,3 triệu cổ phiếu C4G.

  1. Vấn đề vay và sử dụng vốn không đúng mục đích
    Theo kết luận thanh tra, từ ngày 1/4/2024, Cienco 4 đã thực hiện các giao dịch vay với Trustlink, bao gồm hai hợp đồng cho vay vào các ngày 1/4/2024 (350 tỷ đồng) và 1/7/2024 (374 tỷ đồng). Việc này đã vi phạm các quy định.
  2. Sử dụng vốn từ đợt phát hành cổ phiếu năm 2022 trái quy định
    Vào năm 2022, Cienco 4 đã phát hành 112,3 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu, thu được hơn 1.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty đã sử dụng phần lớn số tiền này vào việc cho vay Trustlink mà không được ĐHĐCĐ thông qua. Cụ thể, Cienco 4 đã chuyển 600 tỷ đồng cho Trustlink từ ngày 4/3 đến 7/3/2022, vượt quá 50% vốn thu được từ đợt chào bán mà không báo cáo UBCKNN. Điều này làm thay đổi phương án sử dụng vốn và vi phạm các quy định về công bố thông tin.
  3. Tiếp tục vi phạm vào năm 2023
    Trong năm 2023, Cienco 4 lại tiếp tục thực hiện hành vi tương tự trong đợt chào bán hơn 112 triệu cổ phiếu. Trong đó, một khoản vay 600 tỷ đồng đã được chuyển cho Trustlink từ 11/5 đến 18/5/2023. Số tiền này cũng đã vượt quá 50% theo quy định sử dụng vốn từ đợt phát hành. Điều này đã vi phạm các quy định về phương án sử dụng vốn từ đợt phát hành mà không được ĐHĐCĐ thông qua và không báo cáo UBCKNN.

Bí ẩn của Trustlink

CTCP Dịch vụ và Đầu tư Trustlink thành lập tháng 5/2009 do bà Nguyễn Thị Hiền làm Tổng giám đốc với vốn điều lệ 50 tỷ đồng, đặt trụ sở tại 26 Trần bình Trọng, Hà Nội. Công ty có 3 cổ đông sáng lập, trong đó CTCP Đầu tư Hải Phòng góp 48,5 tỷ đồng, chiếm 97%. Hai cổ đông sáng lập còn lại là bà Phạm Quỳnh Nga và Phạm Hồng Hoa đã chuyển nhượng hết cổ phần.

Tháng 2/2021 công ty cập nhật thay đổi địa chỉ trụ sở chính về tòa nhà Diamond Flower Lê Văn Lương. Tháng 6/2021 cập nhật thông tin tăng vốn điều lệ lên 105 tỷ đồng.

Tháng 5/2022 Tập đoàn đầu tư I.P.A (mã chứng khoán IPA) công bố Nghị quyết HĐQT thông qua việc nhận chuyển nhượng cổ phần Trustlink từ các cổ đông hiện hữu để sau khi nhận chuyển nhượng thì Tập đoàn đầu tư I.P.A trở thành công ty mẹ của Trustlink.

Đồng thời IPA cũng thông qua việc giao và ủy quyền cho ông Vũ Hiền – Chủ tịch, người đại diện theo pháp luật của công ty, quyết định cụ thể về số lượng cổ phần nhận chuyển nhượng để sở hữu đến 99% vốn điều lệ Trustlink, quyết định giá trị và thời gian thực hiện cùng tất cả các vấn đề liên quan Trustlink. Song đến nay, Trustlink vẫn chưa ghi nhận là công ty con của IPA.

Ông Vũ Hiền là doanh nhân nổi tiếng trên thị trường chứng khoán, là chồng bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT Chứng khoán VNDirect (VND). Ông Vũ Hiền hiện cũng là Phó Chủ tịch HĐQT thường trực của VNDirect.

Tại IPA, ông Vũ Hiền là Chủ tịch HĐQT, còn bà Phạm Minh Hương là thành viên HĐQT.

Bí ẩn Trustlink trong các sai phạm của kết luận thanh tra UBCKBNN tại Cienco 4 (C4G)
Ảnh ông Vũ Hiền và bà Phạm Minh Hương

>> Bí ẩn Trustlink – đích đến hàng nghìn tỷ đồng của hệ sinh thái đằng sau 2 sếp lớn VnDirect

Mối quan hệ giữa IPA và Trustlink đã có từ rất lâu trước khi IPA lên phương án mua lại làm công ty con.

Báo cáo tài chính năm 2017 bắt đầu ghi nhận IPA cho Trustlink vay tiền. Số dư tiền vay ngay năm đầu tiên đã là 334 tỷ đồng, được đưa vào mục “phải thu về cho vay ngắn hạn” với giải trình cho biết các hợp đồng vay này có thời hạn 12 tháng, lãi suất vay quy định trong mỗi hợp đồng, trả lãi cuối kỳ.

Số tiền IPA cho Trustlink vay liên tục tăng mạnh, đặc biệt năm 2021 tăng số dư từ 960 tỷ đồng đầu năm lên trên 3.728 tỷ đồng cuối năm. Đến cuối quý 2/2022 dư nợ cho vay còn 3.672 tỷ đồng. IPA giải trình khoản cho vay này để dùng vào mục đích đầu tư, kinh doanh của bên vay. Tài sản đảm bảo là các quyền tài sản hình thành từ khoản vay.

Cập nhật mới nhất, tính đến 30/9/2024 dư nợ khoản vay này còn 1.050 tỷ đồng.

>> Trích lập dự phòng 495 tỷ vì đầu tư cổ phiếu nhà Shark Hưng, IPA báo lãi 9 tháng giảm 53%

Kết luận thanh tra

Đối với các vi phạm của Cienco 4, đặc biệt là vi phạm về quy định công bố thông tin, thanh tra UBCKNN kiến nghị UBCKNN xem xét xử phạt theo quy định.

Thanh tra UBCKNN cũng đề nghị Cienco 4 khẩn trương có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, thiếu sót sau thanh tra. Cụ thể, về chào bán và phát hành chứng khoán, cần đảm bảo tuân thủ quy định chặt chẽ trong phát hành và sử dụng vốn. Công ty và HĐQT phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến việc sử dụng số tiền thu được từ đợt phát chào bán cổ phiếu năm 2022, 2023.

Về quản trị công ty: Công ty phải thu hồi các khoản cho Trustlink vay, sửa đổi bổ sung quy chế, khắc phục báo cáo tình hình quản trị công ty….

Các sai phạm trong giao dịch với Trustlink của Cienco 4 không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động tài chính của công ty mà còn gây tác động tiêu cực đến uy tín của công ty và các bên liên quan. Việc sử dụng vốn không đúng mục đích, không báo cáo UBCKNN, và việc thay đổi phương án sử dụng vốn mà không có sự thông qua của ĐHĐCĐ đã dẫn đến vi phạm các quy định nghiêm ngặt của pháp luật chứng khoán.

Kết luận thanh tra của UBCKNN tại Cienco 4 đã chỉ rõ các sai phạm nghiêm trọng trong các giao dịch tài chính với Trustlink. Các vấn đề này đang được điều tra và có thể dẫn đến những hình thức xử lý tiếp theo. Các doanh nghiệp, cổ đông và các bên liên quan cần chú ý và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về công khai thông tin và sử dụng vốn để tránh các sai phạm tương tự trong tương lai.

>> Áp lực nợ ngắn hạn 21.700 tỷ đồng: Ngân hàng nào là chủ nợ lớn nhất của VNDirect (VND)?

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật