spot_img
27 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhÔng Trump đắc cử: 40 lãnh đạo châu Âu báo động, Ukraine...

Ông Trump đắc cử: 40 lãnh đạo châu Âu báo động, Ukraine chịu sức ép lớn và kịch bản "tối hậu thư" cho Nga

"Chiến thắng của Trump là một phương trình có nhiều ẩn số. Tuy nhiên, không khó để tìm ra rằng, ẩn số chính là ông Trump" – Tờ Euronews nhận định.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 là cuộc bầu cử Tổng thống lần thứ 60 trong lịch sử nước Mỹ, diễn ra vào ngày 5/11/2024. Cựu Tổng thống Donald Trump, ứng cử viên của đảng Cộng hoà đã giành được thắng lợi với số phiếu áp đảo 295 phiếu, đánh bại ứng cử viên của đảng Đân chủ Kamala Harris giành được 226 phiếu.

Kết quả cuộc bầu cử đã đưa ông Trump trở thành Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ và là Tổng thống thứ hai đắc cử 2 nhiệm kỳ không liên tiếp nhau kể từ thời cựu Tổng thống Grover Cleveland năm 1892.

Ông Trump đắc cử: 40 lãnh đạo châu Âu báo động, Ukraine chịu sức ép lớn và kịch bản "tối hậu thư" cho Nga- Ảnh 1.

Ông Donald Trump cùng gia đình xuất hiện tại Trung tâm Hội nghị ở West Palm Beach, bang Florida sau khi có kết quả bầu cử sơ bộ lúc rạng sáng 6/11 – Ảnh: Reuters

Châu Âu bàn tự chủ về kinh tế, quốc phòng và an ninh

Lãnh đạo các nước châu Âu đều nhanh chóng chức mừng chiến thắng của ông Trump và bày tỏ hy vọng chính quyền mới sẽ thắt chặt mối quan hệ chiến lược giữa hai bờ Đại Tây Dương. Tuy nhiện, đằng sau những lời lẽ xã giao này là tiềm ẩn mối lo ngại lớn về ảnh hưởng tiêu cực của việc ông Trump trở lại cầm quyền lần thứ hai.

Thủ tướng Italia Giorgia Meloni, lãnh đạo đảng Liên minh Matteo Salvini cho rằng, chiến thắng của ông Trump vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với Italia. 

Trong khi đó, Đức – nước hỗ trợ tài chính và quân sự lớn nhất cho Ukraine sau Mỹ và EU – cũng đang tìm cách tăng cường nỗ lực để đảm bảo châu Âu và NATO vẫn đoàn kết.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì cho biết, ông đã nói chuyện với Thủ tướng Đức Olaf Scholz để cùng nhau hướng tới một châu Âu thống nhất, mạnh mẽ hơn và có chủ quyền hơn trong bối cảnh chính trị mới này. 

“Chúng ta không thể dựa vào người Mỹ mãi được. Chúng ta cần tạo ra một châu Âu có chủ quyền hơn và có khả năng tự vệ hơn sau chiến thắng của [ông] Trump” – Ông Macron nói. 

Ông Trump đắc cử: 40 lãnh đạo châu Âu báo động, Ukraine chịu sức ép lớn và kịch bản "tối hậu thư" cho Nga- Ảnh 2.

Ông Macron cho rằng, EU cần tạo ra một châu Âu có chủ quyền hơn và có khả năng tự vệ hơn sau chiến thắng của [ông] Trump. Ảnh: Entrevue

Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump đã tuyên bố nước Mỹ lên trên hết, đề xuất ý tưởng áp thuế hải quan 10%, thậm chí 20% đối với hàng hóa nhập khẩu so với mức thuế trung bình 3,3%.

Các nước Liên minh châu Âu (EU) tỏ ra hết sức lo ngại. Báo chí Pháp đăng nhiều bài nói về khủng hoảng “chết người đối với châu Âu” sau khi ông Trump trở lại Nhà Trắng. Điều này có thể ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Pháp và xuất khẩu của Pháp sang Mỹ. Nhiều thiết bị hàng không, thuốc men và đồ uống như rượu vang và rượu cognac có thể bị ảnh hưởng lớn.

Báo The New York Times viết: “Trong nhiệm kỳ mới của Tổng thống Donald Trump, châu Âu sẽ phải xây dựng quan hệ với Mỹ với tư cách là đối thủ cạnh tranh. Chiến thắng của ông Trump rất đau đớn đối với châu Âu vì nó đặt ra cho họ câu hỏi làm thế nào để châu Âu có thể đối phó với một nước Mỹ coi châu Âu là đối thủ cạnh tranh”.

Ngày 7/11/2024, hơn 40 nhà lãnh đạo châu Âu tham dự Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị châu Âu (EPC) ở Budapest đã tỏ lo ngại việc ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ sẽ đặt ra một loạt thách thức lớn đối với châu Âu.

Điều này có thể sẽ mở ra một kỷ nguyên bất ổn lớn vào thời điểm châu lục này đang phải vật lộn để tìm kiếm sự thống nhất, hai cường quốc lớn nhất khu vực là Đức và Pháp đều đang gặp khó khăn về chính trị và các nước châu Âu phải tự bảo vệ mình, chịu trách nhiệm nhiều hơn về an ninh của mình và giảm phụ thuộc vào Mỹ.

Ukraine tìm cách thích nghi với chính quyền ông Trump

Sau chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, truyền thông Mỹ và Ukraine đang đánh giá mức độ ảnh hưởng của việc ông trở lại Nhà Trắng đối với cuộc chiến Nga – Ukraine.

Kiev tin rằng, dưới thời ông Trump, Ukraine có thể không có được sự trợ giúp quân sự của Mỹ, không được cam kết gia nhập NATO và mất vùng Donbass. Tại Washington, các cố vấn của Trump đã trình lên ông các kế hoạch nhằm đóng băng cuộc xung đột trên chiến tuyến hiện tại, tạo ra một khu phi quân sự giữa Nga và Ukraine, đồng thời gửi lực lượng gìn giữ hòa bình đến đó.

Ông Trump nhiều lần mô tả Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là một nhà kinh doanh xuất sắc đã mang về cả trăm tỷ USD viện trợ sau các chuyến công du Mỹ. Tuy nhiên, ông cũng thường nói sẽ ngừng hỗ trợ Ukraine sau khi vào Nhà Trắng, bởi sự hỗ trợ này chính là nguyên nhân đã kéo dài cuộc khủng hoảng cho đến bây giờ.

Các nhà lãnh đạo Ukraine và hầu hết các nhà lãnh đạo EU đang tỏ ra bối rối trước chiến thắng của ông Trump.

Ông Trump đắc cử: 40 lãnh đạo châu Âu báo động, Ukraine chịu sức ép lớn và kịch bản "tối hậu thư" cho Nga- Ảnh 3.

Ukraine đứng trước nguy cơ chính quyền ông Trump dừng viện trợ. Ảnh: Telegraph

Ukraine đang nằm dưới sức ép to lớn trước khả năng chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Trump ngừng viện trợ. EU cũng sẽ không thể tiếp tục hỗ trợ nếu không có sự tham gia của Mỹ. Cuộc chiến Nga – Ukraine đang đứng trước bước ngoặt sau chiến thắng của Trump trong bầu cử.

Nhà phân tích chính trị Ukraine Vladimir Fesenko cho rằng, hình thức hỗ trợ Ukraine dưới thời ông Trump sẽ thay đổi. Rất có khả năng viện trợ tài chính sẽ chấm dứt. Đây không chỉ là quan điểm của ông mà còn của phần lớn đảng viên Đảng Cộng hòa Mỹ.

Là một doanh nhân, ông Trump tính toán rất kỹ, quan điểm của ông là sẽ không có sự giúp đỡ miễn phí nào cả, mà chỉ có thể hỗ trợ dưới dạng cho vay hoặc cho thuê. Vấn đề này ông Trump sẽ không quyết định ngay, mà sẽ được đưa ra Quốc hội mới.

Song, nếu Quốc hội mới đều do đảng Cộng hoà kiểm soát cả hai viện thì có lẽ Kiev không thể hy vọng nhiều vào việc Washington tiếp tục giữ mức viện trợ cho Ukraine như hiện nay.

Theo tờ Financial Times, sự hỗ trợ của Washington là “vấn đề sinh tử” đối với Ukraine. Kiev đang lo ngại việc Mỹ ngừng hỗ trợ quân sự dưới thời ông Trump và Ukraine sẽ mất quyền kiểm soát ở nhiều khu vực phía Đông, đặc biệt là Donbass.

Người đứng đầu đảng “Đầy tớ của nhân dân” trong Quốc hội (Verkhovna Rada) Ukraine David Arkhamia, đồng thời là trưởng đoàn đàm phán với Nga ngay sau khi bùng nổ xung đột, cho rằng Ukraine sẽ đứng trước nhiều vấn đề phức tạp.

Người đứng đầu diễn đàn Ukraine tại tổ chức tư vấn Chatham House, Orysia Lutsevich thì lo ngại chiến thắng của ông Trump có thể trở thành “món quà cho Điện Kremlin” nếu ông Zelensky không thuyết phục được tân Tổng thống Mỹ đồng ý với tầm nhìn của mình về cuộc xung đột với Nga.

Trong khi đó, báo “Sự thật châu Âu – Европейская правда” của Ukraine đề cập tới khả năng Ukraine không được mời gia nhập NATO. Tuy nhiên, tờ này hy vọng, Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden trước khi rời Nhà Trắng có thể xóa bỏ “một số ranh giới đỏ nhất định” cho Ukraine, như cho phép Kiev dùng vũ khí tầm xa tấn công váo sâu trong lãnh thổ Nga.

Nga hy vọng giải quyết cuộc xung đột Ukraine

Nga phản ứng rất dè dặt đối với chiến thắng của ông Trump. Moscow cho rằng ông Trump nhiều lần tuyên bố sẽ giải quyết cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine trong vòng 24h nếu thắng cử, tuy nhiên đến nay, ông vẫn chưa công bố kế hoạch cụ thể nào.

Theo nguồn tin thân cận với ông Trump, một trong những kế hoạch của ông là buộc Kiev cam kết từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO trong ít nhất 20 năm tới để đổi lấy việc Mỹ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine nhằm ngăn chặn các đợt tấn công mới của Nga.

Kế hoạch này kêu gọi thành lập một khu phi quân sự dài khoảng 1.300 km dọc theo biên giới Nga – Ukraine. Khu vực này sẽ do lực lượng gìn giữ hòa bình kiểm soát, không có sự tham gia của quân đội Mỹ hoặc đội ngũ các tổ chức do Mỹ tài trợ, bao gồm cả Liên Hợp Quốc.

Ông Trump đắc cử: 40 lãnh đạo châu Âu báo động, Ukraine chịu sức ép lớn và kịch bản "tối hậu thư" cho Nga- Ảnh 4.

Ở một kế hoạch giả định của ông Trump, Mỹ sẽ phát đi cảnh báo rằng, nếu Nga từ chối đàm phán, Mỹ sẽ tăng cường hỗ trợ Ukraine. Ảnh: CBS News

Bên cạnh đó, còn có một kế hoạch khác do Keith Kellogg và Fred Fleitz – hai cố vấn của ông Trump trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên – đưa ra.

Kế hoạch giả định rằng, Mỹ sẽ ngừng viện trợ quân sự cho Kiev nếu Ukraine không bắt đầu đàm phán hòa bình với Nga. Đồng thời, Mỹ cũng cảnh báo Nga rằng, nếu Nga từ chối đàm phán thì Mỹ sẽ tăng cường hỗ trợ cho Ukraine. Theo kế hoạch, trong quá trình đàm phán hòa bình, các bên phải thoả thuận ngừng bắn dựa trên chiến tuyến hiện nay.

Theo các nhà phân tích chính trị, chưa rõ ông Trump sẽ chọn kế hoạch nào, toàn bộ hay một phần. Song, bất kỳ bước nào nhằm bắt đầu đàm phán hòa bình sẽ phải đối mặt với một số yếu tố mới.

Thực tế là Nga và Ukraine vẫn có các mục tiêu quân sự rất khác nhau và không muốn thay đổi. Đặc biệt, Moscow không tỏ ra hào hứng lắm về đề nghị đàm phán trong bối cảnh quân Nga đang giành ưu thế trên chiến trường và đang tiến sâu vào Donbass.

Ngoài ra, cũng cần phải tính đến sự phản kháng từ một số đồng minh của Mỹ trong NATO – những nước coi việc Nga đưa quân vào Ukraine là mối đe dọa trực tiếp đối với chính họ.

Cạnh tranh Mỹ – Trung căng thẳng

Kim ngạch thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc năm 2022 lên tới khoảng 690 tỷ USD, trong đó 536 tỷ USD là xuất khẩu của Trung Quốc so với 154 tỷ USD xuất khẩu của Mỹ.

Theo dữ liệu của Bộ Tài chính Mỹ, các khoản đầu tư của Trung Quốc tính đến tháng 1/2023 đã lên tới khoảng 859,4 tỷ USD, đứng ở vị trí thứ hai trong danh sách các nhà đầu tư lớn vào trái phiếu và tín phiếu kho bạc của Mỹ.

Cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh có thể sẽ trở nên khốc liệt hơn. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã nói rõ, tất cả các hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ phải chịu mức thuế cao nhất, có thể lên tới 60%.

Bên cạnh lời đe dọa áp thuế, ông Trump còn hứa sẽ ban hành lệnh cấm mới đối với nguồn đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ, cũng như của Mỹ vào Trung Quốc, giữ Bắc Kinh nằm ngoài các ngành công nghiệp cốt lõi của Mỹ, đồng thời đảm bảo rằng tiền của Mỹ không hỗ trợ sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Trong nhiệm kỳ trước của mình, ông Trump không chỉ phát động cuộc chiến thương mại mà còn chống lại những hành vi của Trung Quốc trong việc trộm cắp công nghệ của Mỹ và thao túng tiền tệ của Trung Quốc.

Trở lại Nhà Trắng, nhiều khả năng ông Trump sẽ siết chặt hơn các hạn chế áp đặt đối với các công ty công nghệ Trung Quốc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn và truyền thông, đồng thời có thể trừng phạt các nước hợp tác với Bắc Kinh trong các lĩnh vực này.

Ông Trump đắc cử: 40 lãnh đạo châu Âu báo động, Ukraine chịu sức ép lớn và kịch bản "tối hậu thư" cho Nga- Ảnh 5.

Cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh có thể sẽ trở nên khốc liệt hơn dưới thời chính quyền Trump. Ảnh: SCMP

Giải pháp xung đột Trung Đông mờ mịt

Ông Trump là một trong những Tổng thống Mỹ ủng hộ Israel mạnh mẽ nhất. Trở lại Nhà Trắng năm 2025, ông Trump được cho là sẽ tăng cường hỗ trợ quân sự, kinh tế và chính trị cho nhà nước Do Thái.

Trước khi bước vào cuộc bầu cử Tổng thống 1 tháng, khi bàn về cách giải quyết cuộc đối đầu với Iran và các nước ủy nhiệm trong khu vực Trung Đông, ông Trump đã nói với Thủ tướng Israel Netanyahu rằng: “Ông hãy làm những gì phải làm”.

Câu nói này của ông Trump có thể hiểu là sự khuyến khích Israel tự do tăng cường cuộc chiến chống lại Hamas và Hezbollah, thậm chí tiến hành các cuộc tấn công nhằm phá huỷ chương trình hạt nhân của Iran.

Mặt khác, ông Trump chủ trương quan hệ chặt chẽ với các quốc gia vùng Vịnh, thông qua sự hợp tác quân sự và kinh tế rất lớn. Trong nhiệm kỳ trước, ngay sau khi nhậm chức Tổng thống, chuyến công du nước ngoài đầu tiên ông đã chọn Ả Rập Saudi.

Dự kiến, ông sẽ tiếp tục các mối quan hệ này với mục đích chính là chống lại ảnh hưởng của Iran trong khu vực và củng cố nền kinh tế thông qua các thỏa thuận vũ khí và hợp tác trong lĩnh vực năng lượng.

Tờ Euronews số ra ngày 7/11/2024 viết: “Chiến thắng của Trump là một phương trình có nhiều ẩn số.” Tuy nhiên, không khó để tìm ra rằng, ẩn số chính là ông Trump và ông sẽ giảm bớt các cam kết đối với bên ngoài, tập trung giải quyết các vấn đề nội bộ của nước Mỹ, “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”.

Các nước trên thế giới vẫn hy vọng trong nhiệm kỳ Tổng thống mới của ông, nước Mỹ sẽ góp phần tích cực vào việc vãn hồi hoà bình, an ninh và ổn định trên thế giới.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật