spot_img
27 C
Hanoi
spot_img
Trang chủDoanh NghiệpĐam mê nông nghiệp, cặp vợ chồng 70 tuổi lọt vào chung...

Đam mê nông nghiệp, cặp vợ chồng 70 tuổi lọt vào chung kết cuộc thi khởi nghiệp nhờ một loại cây cực quen thuộc

Khi bắt đầu khởi nghiệp, ông bà đã thua lỗ tới hơn 7 tỷ đồng.

Tại vòng chung kết cuộc thi Khởi nghiệp Xanh – Phát triển Bền vững 2024 diễn ra ngày 9-11 tại TP.HCM, cặp vợ chồng bà Nguyễn Thị Sang (hơn 70 tuổi) cùng dự án trồng tre lấy măng đầy cảm hứng đã góp mặt trong số 36 dự án xuất sắc tranh tài.

Gia đình bà Sang đã chuyển từ Gia Lai đến Đắk Som từ năm 1997, đối mặt với cảnh đất đai khô cằn và đời sống người dân bấp bênh, vợ chồng bà Sang quyết định khởi nghiệp với dự án trồng tre tại vùng đất Đắk Glong, một khu vực trước đây chủ yếu trồng cà phê, hồ tiêu và cao su. Bà Sang đã tìm mua giống tre 4 mùa từ nước ngoài, trồng thử nghiệm trên 1ha đất.

Những ngày đầu mang giống tre về, gia đình bà gặp không ít khó khăn, thậm chí vấp phải sự nghi ngại từ cộng đồng. Ban đầu, việc nhân giống thất bại dẫn đến thua lỗ tới hơn 7 tỷ đồng. Tuy nhiên, với sự kiên trì và nỗ lực tìm tòi, vợ chồng bà đã vượt qua những khó khăn ban đầu và dần đạt hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, khu vực trồng đã mở rộng lên 40ha với sản lượng 250 tấn măng tươi mỗi năm, mang lại cho gia đình bà thu nhập ổn định khoảng 2 tỷ đồng.

Đam mê nông nghiệp, cặp vợ chồng 70 tuổi lọt vào chung kết cuộc thi khởi nghiệp nhờ một loại cây cực quen thuộc
Bà Nguyễn Thị Sang tham gia cuộc thi cuộc thi Khởi nghiệp Xanh – Phát triển Bền vững 2024

>> CEO trẻ nhất Vingroup: 5 năm, 2 lần khởi nghiệp, 3 lần thăng chức và ‘tích lũy’ được 15 năm kinh nghiệm

Bà Sang chia sẻ thêm rằng nguồn cung măng từ rừng tự nhiên ngày càng khan hiếm do các quy định về bảo vệ rừng, khiến sản phẩm từ cây tre trở nên tiềm năng. Bên cạnh việc trồng măng tươi, bà còn chế biến măng thành các sản phẩm đa dạng như măng sấy khô, măng kim chi, măng chua ngọt… và các sản phẩm từ gỗ tre phục vụ thị trường mỹ nghệ, mở rộng đầu ra và giá trị của sản phẩm. Không chỉ làm giàu cho gia đình, bà còn tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương, và tích cực tham gia giới thiệu sản phẩm tại hội chợ, sân bay, thậm chí xuất khẩu sang các nước như Ấn Độ, Úc, và Nhật Bản.

Theo bà Sang, hiện mô hình trồng tre đã phát triển mạnh, không chỉ mang lại thu nhập cao mà còn giúp nhiều nông dân ở các tỉnh khác tiếp cận mô hình. Chỉ cần chăm sóc tốt, cây tre có thể cho thu hoạch măng từ 7-8 tháng sau khi trồng, và từ năm thứ 3 trở đi, năng suất măng tăng mạnh vì giống tre này có thể cho măng quanh năm. Với giá bán hiện tại, mỗi hecta trồng tre cho thu nhập từ 400-500 triệu đồng, đồng thời không đòi hỏi nhiều chi phí chăm sóc hay điều kiện đất đặc biệt.

Ngoài diện tích hơn 40ha do gia đình trực tiếp canh tác, bà Sang còn mở rộng hợp tác, cung cấp giống và bao tiêu đầu ra cho nông dân ở nhiều tỉnh thành với diện tích hàng trăm hecta.

Đam mê nông nghiệp, cặp vợ chồng 70 tuổi lọt vào chung kết cuộc thi khởi nghiệp nhờ một loại cây cực quen thuộc
Bà Sang thu hoạch măng tre

Ở tuổi ngoài 70, vợ chồng bà Sang vẫn nhiệt huyết và kiên trì với công việc nông nghiệp. Bà chia sẻ, dù sức khỏe không còn như trước, bà vẫn dành trọn tâm huyết cho dự án và mong muốn truyền cảm hứng khởi nghiệp nông nghiệp cho nhiều nông dân trẻ khác. “Đam mê với nông nghiệp và tâm huyết với dự án khiến chúng tôi không thể ngừng lại”, bà nói.

Cuộc thi Khởi nghiệp Xanh – Phát triển Bền vững 2024 do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp tổ chức đã thu hút 36 dự án từ 26 tỉnh thành trải dài Bắc – Trung – Nam. Tổng giá trị giải thưởng gần 1 tỷ đồng, với 222 triệu đồng tiền mặt dành cho các dự án đoạt giải. Đặc biệt, cuộc thi năm nay chứng kiến sự tham gia đông đảo của thanh niên nông thôn và phụ nữ dân tộc thiểu số như Dao, Mông, Mường, Nùng, Tày, Thái, Raglai, với các dự án khai thác tài nguyên bản địa.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật