CTCP Him Lam là một trong những doanh nghiệp bất động sản nổi bật tại Việt Nam song lại có phong cách hoạt động khá kín tiếng.
Được thành lập năm 1994, Him Lam đã xây dựng tên tuổi và uy tín thông qua hàng chục dự án bất động sản trên khắp cả nước. Công ty đặt trụ sở chính tại TP. HCM, hoạt động đa ngành như đầu tư và phát triển bất động sản, tài chính ngân hàng, giáo dục, y tế.
Năm 2024, trong bảng xếp hạng VNR500 – Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam do Vietnam Report công bố, Him Lam xếp thứ 11 ở nhóm bất động sản, vượt qua nhiều tên tuổi khác như Nam Long, Khang Điền, Hà Đô, Geleximco, đồng thời xếp hạng 173 trong danh sách VNR500.
Nguồn: Vietnam Report |
Một trong những dự án nổi bật của Him Lam gồm Him Lam Riverside, Him Lam Kênh Tẻ và Him Lam Chợ Lớn, đều được đánh giá cao về chất lượng và tiện ích.
Thành công của Him Lam gắn liền với tên tuổi người sáng lập, ông Dương Công Minh. Sinh năm 1960, ông Minh là một doanh nhân có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực bất động sản và tài chính tại Việt Nam. Từ năm 2017, ông Minh đảm nhận vai trò Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), góp phần vào quá trình tái cơ cấu và phát triển của ngân hàng này. Cùng từ thời điểm đó, vị doanh nhân rời ghế Chủ tịch HĐQT tại Him Lam song… điều dễ nhận ra là “người Him Lam” vẫn hướng về ông.
Thời điểm làm Chủ tịch Him Lam, ông Dương Công Minh từng gây chú ý với nhiều phát ngôn được báo chí, truyền thông nhắc tới. Hai trong số những câu nói tiêu biểu có thể kể đến: “Him Lam không phải là công ty gia đình mà là độc trị. Chỉ mình Dương Công Minh là người quyết định thôi. Người đứng đầu của Him Lam sau này sẽ là con trai tôi”.
Hay như: “Him Lam là một tay tôi làm nên, từ tiền của tôi vay nặng lãi, từ cái đầu của tôi, từ tính cách của tôi. Mỗi sản phẩm Him Lam – từng căn nhà chung cư là do chính tay tôi xem bản vẽ, thi công”.
Dù ông Minh không trực tiếp sở hữu cổ phần tại Him Lam và Him Lam Land, một số vị trí lãnh đạo chủ chốt vẫn được nắm giữ bởi nhiều thành viên mang họ Dương. Điều này cho thấy ảnh hưởng gia đình trong quản trị của Him Lam. Ví dụ, em gái ông Minh hiện là thành viên HĐQT của Him Lam, trong khi Chủ tịch HĐQT Him Lam Land cũng là một cá nhân mang họ Dương khác.
Cuối năm 2017, tổng tài sản của Him Lam đạt 45.655 tỷ đồng (tương đương 2 tỷ USD), cao gấp 7 lần vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, sau khi triệt thoái toàn bộ cổ phần tại LienVietPostBank, lợi nhuận thuần của Him Lam trong năm chỉ đạt 37,6 tỷ đồng. Khi ông Dương Công Minh rời Him Lam vào năm 2018, doanh thu của công ty giảm nhẹ xuống 1.885 tỷ đồng nhưng đã phục hồi nhanh chóng và đạt đỉnh 4.488 tỷ đồng vào năm 2020.
Đến cuối năm 2021, tổng tài sản của Him Lam tăng gấp đôi lên 96.598 tỷ đồng (xấp xỉ 4 tỷ USD), vượt xa các đối thủ như Novaland và Sovico Group. Tuy nhiên, vốn chủ sở hữu vẫn ở mức dưới 6.600 tỷ đồng, cho thấy Him Lam sử dụng đòn bẩy tài chính cao, với phần lớn tài sản được hình thành từ nợ phải trả.
Trong giai đoạn 2018-2021, tổng doanh thu thuần của Him Lam đạt 10.555 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với giai đoạn trước đó, nhưng lợi nhuận thuần chỉ đạt 93,6 tỷ đồng. Điều này phản ánh chiến lược tăng trưởng của Him Lam dựa trên mở rộng quy mô tài sản và dự án, hơn là hiệu quả lợi nhuận cao, khi phần lớn lợi nhuận của công ty chủ yếu đến từ việc đầu tư vào tài sản cố định và nợ phải trả.