Nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành nghề kinh doanh khác nhau dùng một khoản tiền nhàn rỗi để đầu tư chứng khoán, có thể chiếm một phần nhỏ hoặc phần lớn tài sản. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán lình xình từ đầu năm tới nay cũng khiến các doanh nghiệp phải tính toán tạm lỗ, tạm lãi với các khoản đầu tư.
Báo cáo tài chính quý III/2024 của Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (mã chứng khoán: NDN) cho thấy doanh nghiệp bất động sản này đã chi gần 491 tỷ đồng để đầu tư nhiều mã cổ phiếu khác nhau nhưng phải trích lập dự phòng (tạm lỗ) hơn 38 tỷ đồng, tương đương gần 8%.
Danh mục đầu tư của công ty gồm một số mã cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn, như HPG của Tập đoàn Hòa Phát, VHM của Vinhomes, TCB của Techcombank, STB của Sacombank… Phần trích lập dự phòng (tạm lỗ) thuộc về các mã như VHM, ACV (Tổng Công ty Hàng không Việt Nam)…
Công ty cổ phần Tập đoàn Thép Tiến Lên (mã chứng khoán: TLH) cũng đầu tư hơn 31 tỷ đồng vào các cổ phiếu khác nhau, đều đang lỗ và phải trích lập dự phòng gần 4 tỷ đồng. Trong đó, công ty đầu tư vào cổ phiếu DGC của Công ty cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang, VND của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect.
Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã chứng khoán: VHC) cũng tạm lỗ gần 37 tỷ đồng tại ngày 30/9. Doanh nghiệp dành hơn 161 tỷ đồng đầu tư vào cổ phiếu NLG của Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long, DXS của Công ty cổ phần Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (DXS), KBC của Tổng công ty phát triển Đô thị Kinh Bắc…
Một doanh nghiệp bất động sản khác là Công ty cổ phần Phát triển Đô thị Từ Liêm (mã chứng khoán: NTL) cũng dành hơn 150 tỷ đồng để đầu tư chứng khoán, tính tại ngày 30/9.
Công ty phải trích lập dự phòng giảm giá hơn 38% với khoản lỗ đầu tư cổ phiếu QCG của Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai. Tuy nhiên, khoản nắm giữ khá nhỏ, chỉ khoảng 300 triệu đồng nên dù thua lỗ cũng không ảnh hưởng quá nhiều tới giá trị danh mục.
Về tổng thể, Nhà Từ Liêm tạm lãi với nhiều cổ phiếu đầu tư như TCH của Tài chính Hoàng Huy, PAN của Tập đoàn PAN, VHM của Vinhomes, HDG của Tập đoàn Hà Đô…
Công ty cổ phần Tập đoàn HIPT (mã chứng khoán: HIG) hoạt động chính trong ngành công nghệ cũng dành hơn 223 tỷ đồng để đầu tư chứng khoán, tại ngày 30/9. Số tiền này bằng khoảng 22,5% tổng tài sản và đang phải trích lập dự phòng giảm giá hơn 44 tỷ đồng. Doanh nghiệp không thuyết minh cụ thể về khoản đầu tư này vào các cổ phiếu nào.
Ngược lại với các công ty đầu tư “tay ngang”, nhiều công ty chứng khoán với nghiệp vụ tự doanh lại có vẻ chọn đúng cổ phiếu để tạm lãi hàng tỷ đồng trong 9 tháng qua. Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcap (mã chứng khoán: VCI) lời lớn với nhiều mã cổ phiếu như KDH (Nhà Khang Điền), IDP (Sữa Quốc tế), FPT (Tập đoàn FPT), TDM (Nước Thủ Dầu Một).
Hay Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (mã chứng khoán: SSI) rót tiền đầu tư vào các mã VPB (VPBank), HPG (Hòa Phát), TCB (Techcombank), VHM (Vinhomes)… Tổng giá trị đầu tư cổ phiếu và chứng khoán niêm yết là 1.746 tỷ đồng, đang tạm lãi khoảng 63 tỷ đồng.