spot_img
27 C
Hanoi
spot_img
Trang chủThị TrườngQuốc gia này phải nỗ lực cạnh tranh với Việt Nam nếu...

Quốc gia này phải nỗ lực cạnh tranh với Việt Nam nếu không muốn mất mối sản xuất iPhone "trăm năm có một"

Quốc gia Nam Á sẽ cần cải cách sâu rộng nếu không muốn mối sản xuất iPhone đầy tiềm năng chuyển sang các quốc gia khác như Việt Nam.
Quốc gia này phải nỗ lực cạnh tranh với Việt Nam nếu không muốn mất mối sản xuất iPhone "trăm năm có một"- Ảnh 1.

Các nhà kinh tế ước tính nếu Tổng thống đắc cử Donald Trump thực hiện mức thuế quan mới đối với mọi sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc, chiếc iPhone tiếp theo mà bạn mua có thể đắt hơn khoảng 300 USD (hơn 7 triệu).

Điều này đang trở thành cơn đau đầu đối với Apple và Trung Quốc nhưng sẽ là cơ hội cho các quốc gia tiềm năng trong đó có Việt Nam.

Vì sao iPhone có nguy cơ tăng giá?

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, CEO Apple Tim Cook đã giúp thuyết phục Nhà Trắng bỏ qua thuế quan đối với hầu hết các sản phẩm mà công ty bán, bao gồm cả iPhone, phần lớn được sản xuất tại Trung Quốc.

Cook được cho là đã nói với các viên chức Nhà Trắng khi đó rằng thuế quan sẽ làm tăng giá điện thoại thông minh, máy tính và máy tính bảng và gây tổn hại cho Apple. Nhà Trắng dường như đồng ý. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden sau này cũng giữ nguyên quan điểm như vậy.

Quốc gia này phải nỗ lực cạnh tranh với Việt Nam nếu không muốn mất mối sản xuất iPhone "trăm năm có một"- Ảnh 2.

Trong khi mọi hàng hóa từ xe đạp đến máy giặt nhập khẩu từ Trung Quốc phải chịu mức thuế quan tăng thì iPhone, máy tính Mac và iPad lắp ráp tại các nhà máy ở Trung Quốc lại không phải chịu mức thuế này.

Nhưng đó là câu chuyện của nhiều năm trước. Công chúng giờ đây không biết chính quyền Trump 2.0 sẽ làm gì. Trước thời điểm tranh cử, ông Trump đã thảo luận về mức thuế 10 đến 20% đối với hàng hóa nhập khẩu từ bất kỳ đâu và mức thuế 60% trở lên đối với mọi thứ từ Trung Quốc.

Gần như mọi sản phẩm của Apple đều sản xuất ở Trung Quốc và đây là nguồn cơn đau đầu của gã khổng lồ công nghệ. Nếu mức thuế nói trên thành sự thật, iPhone sẽ tăng giá rất cao, ảnh hưởng trầm trọng đến kinh doanh.

Trong khi đối thủ Samsung lại chẳng hề hấn gì vì phần lớn được sản xuất tại các quốc gia khác ngoài Trung Quốc.

Ấn Độ phải cạnh tranh với Việt Nam

Trong thời gian tới, Apple khó có thể nhanh chóng di chuyển khỏi các nhà máy ở Trung Quốc để tránh mức thuế quan cao hơn, Scott Lincicome, nhà kinh tế tại viện nghiên cứu tự do Cato Institute, cho biết.

Trong những năm gần đây, Apple đã chuyển một phần nhỏ hoạt động sản xuất sang các quốc gia khác, bao gồm Việt Nam và Ấn Độ. Nhưng dù mức thuế quan của chính quyền Trump có áp hay không, Apple vẫn không thể một sớm một chiều rời bỏ “cuộc hôn nhân” với các nhà máy Trung Quốc, nơi có lực lượng lao động và máy móc đáp ứng được việc sản xuất ra hàng loạt thiết bị Apple.

“Không nơi nào khác có khả năng đáp ứng nhu cầu về tất cả những tiện ích này”, Lincicome cho biết.

Nhưng về tương lai lâu dài, đây là cơ hội lớn cho Việt Nam và Ấn Độ.

Ngay sau khi những lo ngại về mức thuế quan mới được áp đặt, nhiều ý kiến trong ngành nhận định Apple có thể tăng gấp đôi sản lượng iPhone tại Ấn Độ lên hơn 30 tỷ USD trong hai năm tới.

Quốc gia này phải nỗ lực cạnh tranh với Việt Nam nếu không muốn mất mối sản xuất iPhone "trăm năm có một"- Ảnh 3.

Các chuyên gia tin rằng nếu ông Trump thực hiện các mối đe dọa về thuế đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ, Apple có thể xem xét chuyển một lượng lớn sản xuất iPhone sang Ấn Độ. Công suất mới sẽ tạo ra 200.000 việc làm và nâng mức đóng góp của Ấn Độ trong hệ sinh thái sản xuất iPhone lên hơn 26% trong vài năm tới từ mức 12-14%.

“Với xu hướng cao cấp hóa ngày càng tăng và nhu cầu về iPhone đắt tiền trên toàn cầu, được hỗ trợ bởi dòng iPhone Pro hiện đang được sản xuất tại Ấn Độ, tổng giá trị sản xuất tại Ấn Độ có tiềm năng vượt xa 30 tỷ USD một năm trong vài năm tới”, Neil Shah, phó chủ tịch tại công ty nghiên cứu công nghệ Counterpoint Research cho biết.

Apple hiện đang sản xuất khoảng 15-16 tỷ USD giá trị iPhone tại Ấn Độ mỗi năm. “Trong khi Ấn Độ có thể thua ở một số lĩnh vực thì họ có thể hưởng lợi lớn ở các lĩnh vực như điện tử, đặc biệt là sản xuất iPhone”, một quan chức giấu tên cho biết.

Tuy nhiên, tờ Times of India cho rằng, kỳ vọng trên có thành sự thật hay không sẽ còn phụ thuộc vào việc chính phủ Ấn Độ có thể thực hiện các cải cách sâu rộng để giải quyết tình trạng thiếu hiệu quả về chi phí và sự không chắc chắn về chính sách ở mức nào, nếu không muốn mối sản xuất đầy tiềm năng này chuyển sang các quốc gia khác như Việt Nam.

Apple đã chọn Ấn Độ làm cơ sở sản xuất iPhone thứ hai trên toàn cầu. Hiện công ty đang ký hợp đồng với ba đối tác —Foxconn, Pegatron và Tata Electronics (trước đây là Wistron)—để sản xuất iPhone tại đây. Gần 70% sản lượng tại địa phương được xuất khẩu sang nhiều quốc gia khác nhau, bao gồm cả Mỹ.

Trong khi đó, theo Rest of World, làn sóng nhà máy sản xuất cho Apple từ Trung Quốc đang ào ạt chuyển về Việt Nam, với các đợt tuyển dụng công nhân rầm rộ của Luxshare và Foxconn trong vài tháng gần đây.

Quốc gia này phải nỗ lực cạnh tranh với Việt Nam nếu không muốn mất mối sản xuất iPhone "trăm năm có một"- Ảnh 4.

Nhu cầu tuyển dụng công nhân lớn đến mức các công ty phải ra sức tranh giành trước khi bước vào dịp mua sắm cuối năm. Chỉ riêng năm ngoái, sự suy thoái trong ngành sản xuất điện tử đã khiến hàng chục nghìn công nhân mất việc. Tuy nhiên, theo dữ liệu từ S&P Global, quý 2 năm 2024 đã chứng kiến mức tăng mạnh nhất về đơn đặt hàng cho các nhà sản xuất Việt Nam trong hơn một thập kỷ.

Việt Nam là địa điểm phổ biến nhất đối với các nhà sản xuất công nghệ muốn đa dạng hóa khỏi Trung Quốc để tránh áp lực từ Mỹ. Việt Nam ghi nhận đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài gia tăng vào các dự án mới và mở rộng trong các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng, sản xuất linh kiện và điện tử trong tám tháng đầu năm nay.

Các nhà cung ứng của Apple và các đối tác liên quan đã tăng đáng kể sự hiện diện tại Việt Nam, với Luxshare, Foxconn và Goertek đều mở các nhà máy mới. Năm 2015, Việt Nam chỉ có tám nhà cung cấp của Apple; đến năm 2023, con số này đã lên 35 nhà cung cấp lắp ráp AirPods, iPad và MacBook.

Một trong những lợi thế chính của Việt Nam đối với các nhà sản xuất công nghệ là lực lượng lao động tương đối rẻ và dồi dào. Chi phí nhân lực tại Việt Nam hiện tại vẫn thấp hơn một nửa so với Trung Quốc.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật