Đây là thông tin được công bố tại hội nghị triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất cho các dự án đầu tư thuộc các ngành công nghiệp trọng yếu, công nghiệp hỗ trợ và logistics trên địa bàn thành phố. Hội nghị, do Sở Công Thương TPHCM và Cty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC) tổ chức tuần qua, nhằm xem xét triển khai nhanh chính sách hỗ trợ lãi suất các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ưu tiên được hưởng hỗ trợ lãi suất, giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho các chủ đầu tư.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Tổng Giám đốc HFIC, cho biết, chương trình cho vay các dự án thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu, công nghiệp hỗ trợ và logistics kéo dài trong vòng 5 năm. Đối tượng cho vay là các doanh nghiệp 100% vốn trong nước thực hiện dự án trên địa bàn TPHCM và các đơn vị công lập.
Theo đó, HFIC sẽ cho vay với lãi suất 0% đối với số tiền 200 tỷ đồng/dự án, thời hạn vay 7 năm để doanh nghiệp đầu tư máy móc, thiết bị mới, nhà xưởng… Các lĩnh vực HFIC ưu tiên hỗ trợ gồm: lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi số; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; thương mại và phục vụ sản xuất nông nghiệp; y tế, giáo dục đào tạo; giáo dục nghề nghiệp, văn hóa, thể thao; hạ tầng kinh tế; kỹ thuật và môi trường.
Các ngành, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ được ưu tiên cho vay hỗ trợ lãi suất bao gồm cơ khí tự động hóa; cao su, nhựa, hóa dược; chế biến thực phẩm; điện tử và công nghệ thông tin; dệt may và da giày với mức hỗ trợ 50% hoặc 100%, cùng mức vốn vay tối đa lên đến 200 tỷ đồng/dự án.
Riêng lĩnh vực logistics được hỗ trợ lãi suất 50%, tức là bên vay chỉ trả lãi suất cho một nửa số tiền vay theo công thức: lãi suất tiết kiệm bình quân 12 tháng của 4 ngân hàng lớn (Vietcombank, Agribank, BIDV, VietinBank) cộng với 2 – 2,2%. Điều kiện giải ngân là doanh nghiệp phải được HFIC thẩm định dự án khả thi, có tài sản thế chấp, bảo đảm khả năng trả nợ…
Chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu và lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TPHCM thực hiện theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 và Nghị quyết số 09/2023/NQ-HĐND được triển khai áp dụng cho toàn bộ các doanh nghiệp 100% vốn trong nước. Các doanh nghiệp có trụ sở tại các địa phương khác cũng có thể đăng ký nộp hồ sơ tham gia vay vốn có hỗ trợ lãi suất nếu có chương trình, dự án được đầu tư trên địa bàn thành phố.
Thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai
Dù tiếp nhận thông tin tích cực nhưng nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực, bao gồm lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho biết, rào cản trước mắt và cũng là rào cản lớn nhất hiện nay chính là họ không còn tài sản thế chấp nên có thể không tiếp cận được vốn vay.
Giải đáp các băn khoăn của doanh nghiệp, lãnh đạo Cty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM cho biết, HFIC sẵn sàng chấp nhận thế chấp tài sản hình thành trong tương lai. Tuy nhiên, tài sản này sẽ được định giá khoảng 50% giá trị mà doanh nghiệp đã mua, từ đó quyết định số tiền cho vay.
“Riêng doanh nghiệp có ý tưởng đầu tư dự án có thể liên hệ với HFIC tư vấn tính khả thi dự án đó, để có cơ hội tiếp cận lãi suất 0%. Với các doanh nghiệp không thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất các dự án đầu tư thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu, công nghiệp hỗ trợ và logistics nhưng lại nằm trong nhóm ngành nghề mà HFIC đang hướng tới sẽ được vay vốn dài hạn với lãi suất hiện tại 6,7%/năm”, ông Thanh cho biết.
Đại diện HFIC cũng lưu ý các chủ đầu tư dự án tham gia chương trình phải “chưa ký hợp đồng” với nhà thầu và nhà cung cấp đối với các hạng mục xây lắp, thiết bị, công nghệ. Các doanh nghiệp có thể sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay để làm tài sản thế chấp khi ký hợp đồng vay vốn.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, ngành công nghiệp giữ vị trí, vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của thành phố. Các chính sách, giải pháp phát triển công nghiệp đang được điều chỉnh ngày càng thiết thực và phù hợp với thực tiễn phát triển của doanh nghiệp. Theo bà Ngọc, thành phố đang tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ cao; nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo; sản xuất thông minh và liên kết vùng. Cùng với đó là chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp theo hướng tự động hóa, quy trình sản xuất thông minh và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.