Trò chuyện với Báo điện tử VTC News, anh Nguyễn Tuấn Quỳnh – Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Saigon Books không ngại chia sẻ những sai lầm khi khởi nghiệp. Từ việc luôn tự tin, nghĩ bản thân mình giỏi và đúng, cho đến những trả giá bằng rất nhiều tiền. Để rồi đến hôm nay, ông chủ Saigon Books cảm thấy hài lòng với những điều đã trải qua.
– Sau nhiều năm gắn bó với kinh doanh gas, rồi tới vàng bạc đá quý, tiếp đến là xăng dầu,… tất cả đều thành công và giữ chức vụ lãnh đạo chủ chốt. Chắc hẳn có lý do đặc biệt nào đó mới khiến anh quyết định khởi nghiệp với Saigon Books ở tuổi 44?
Đúng! Tôi có 11 năm làm việc cho công ty Nhà nước là Sài Gòn Petro, 11 năm tiếp theo thì làm cho các doanh nghiệp lớn khác như: Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận PNJ, Công ty Nhiên liệu Sài Gòn SFC, Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam,…
Sau 11 năm làm doanh nghiệp nhà nước và 11 năm làm cho các doanh nghiệp lớn thì tôi nhận ra rằng, một trong những khiếm khuyết mình chưa trải nghiệm đó là lập doanh nghiệp của riêng mình, nói cách khác là khởi nghiệp.
Đó cũng là lý do tôi quyết định dừng việc đi làm cho các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn và khởi nghiệp
Trước khi quyết định khởi nghiệp với Saigon Books vào năm 2016, tôi đếm lại, thấy mình có liên quan tới đâu đó khoảng trên dưới 40 công ty với tư cách là một nhà đầu tư, không phải là người điều hành. Tôi tự liệt kê những sản phẩm mình từng tham gia như: Xăng dầu, gas, vàng bạc, máy tính, dệt may, sách, xe gắn máy,… để xem sản phẩm nào mang lại cảm xúc cho tôi nhiều nhất. Cuối cùng, tôi nghĩ đó là cuốn sách, cuốn sách do chính tôi xuất bản.
Với kinh nghiệm 7 năm tham gia vào Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam và thời gian ở Alpha Books, tôi nghĩ việc chọn lựa lĩnh vực sách là quyết định phù hợp. Phù hợp với đam mê, sở thích và với những kinh nghiệm mình đã có.
– Anh có nhấn mạnh đến việc trải nghiệm. Hình như anh xác định rõ ràng rằng, trong hành trình cuộc đời, anh sẵn sàng thay đổi, trải nghiệm ở những lĩnh vực khác hoàn toàn, dù khó khăn?
Đầu tiên, trong cuộc sống cũng như kinh doanh, tôi đều dựa vào một số triết lý, nguyên tắc sống. Và một trong những triết lý sống quan trọng nhất cuộc đời tôi đó là được sống, được là con người. Như vậy thôi đã rất may mắn rồi, cho nên mình phải sống vui.
Điều thứ hai là tôi nhận ra có rất nhiều thứ trong cuộc đời này không chỉ đọc hay chỉ học mà biết được, mà phải thực sự trải nghiệm.
Điều thứ ba, tôi thích vận động, thích đi đây đi đó, thích giao tiếp. Tôi nhận ra rằng, cứ mỗi chặng đường đi, mỗi con người mình gặp, mỗi trải nghiệm mình bước qua, mình đều học hỏi được những điều mới và đều tìm thêm được những niềm vui.
Cho nên, tôi luôn tâm niệm sẽ cố gắng trải nghiệm cuộc đời ở mức cao nhất và nhiều nhất có thể.
– Vậy sau 8 năm trải nghiệm với Saigon Books, đứa con tinh thần này có mang lại kết quả như anh mong muốn?
Thật ra tôi bắt đầu Saigon Books với hai mong muốn. Thứ nhất là đạt được mục tiêu tự do về tài chính. Bởi khi mình khởi nghiệp thì hy vọng công ty sẽ phát triển, lớn lên và thu nhập của mình cũng sẽ tăng theo.
Thứ hai là sự tự do về thời gian. Trước đây, tôi làm Tổng giám đốc một doanh nghiệp, thậm chí là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc, tức là vị trí cao nhất trong một doanh nghiệp, mà còn là doanh nghiệp niêm yết nữa. Tuy nhiên, khi tôi bước chân đi du lịch chẳng hạn, điều đầu tiên là tôi vẫn phải báo cáo, xin phép. Cùng với đó, khi giao lại công việc cho người cấp phó rồi đi thường xuyên, tự mình cảm thấy không công bằng người đó và với cả công ty. Bởi mình đang nhận tiền của công ty, đang làm thuê, phải tự thấy có trách nhiệm với doanh nghiệp.
Vì vậy, khi khởi nghiệp, tôi nghĩ rằng đây là doanh nghiệp của mình, mình làm chủ, mình có đi đâu cũng không thấy tội lỗi.
Bởi đối với doanh nghiệp khởi nghiệp, mình sẽ không đủ tiền để thuê nhiều người. Cho nên, trong những ngày đầu, tôi vừa là nhân viên bán hàng, nhân viên thu ngân, nhân viên trực hội chợ,… Và cuối cùng, hóa ra giấc mơ về tự do thời gian cũng không thực hiện được.
– Có vẻ chuyện khởi nghiệp đã khiến anh “mất” khá nhiều!
Cách đây không lâu tôi có một dự án start-up, dự án mới chỉ nằm trên ý tưởng nhưng tôi đã đi gọi vốn. Có một nhà đầu tư thấy rằng ý tưởng này thú vị nên đồng ý đầu tư 10 tỷ vào dự án.
Để thực hiện dự án, ngoài phần đầu tư 10 tỷ của đối tác, tôi phải bỏ vào 5 tỷ, thế là dự án khởi chạy trên vốn 15 tỷ.
Thế nhưng, sau một năm dùng hết tiền và nhìn lại kết quả, tôi mới nhận ra mọi giả định ban đầu của mình đều không đúng. Sai lầm này khiến tôi đối diện với việc phải đóng cửa công ty. Và khi đóng cửa công ty, tôi sẽ mất 5 tỷ mình bỏ vào và “nhà đầu tư thiên thần” cũng sẽ mất 10 tỷ.
Thấy rằng việc họ đầu tư vào dự án này vì tin vào mình, nên tôi quyết định trả lại tiền cho nhà đầu tư. Như vậy, tôi mất tổng cộng 15 tỷ, coi như là một thất bại trong kinh doanh.
– “Mất” thì đã rõ ràng, vậy anh nghĩ mình “được” gì từ những lần khởi nghiệp gian nan này?
Vụ mất 15 tỷ đó giúp tôi nhận được hai bài học, một là phải hết sức cẩn trọng trong việc nghiên cứu thị trường và kiểm tra mô hình trước khi làm thật. Hai là khi tôi trả lại tiền cho nhà đầu tư thì nhà đầu tư đánh giá rất cao và mở ra cơ hội khác.
“Nhà đầu tư thiên thần” biết đây là dự án đầu tư khởi nghiệp và có rủi ro, nhưng tôi đã can đảm và có trách nhiệm trả lại tiền. Vì thế, họ mở ra cho một cơ hội kinh doanh khác cho tôi. Họ tin rằng làm cùng tôi sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn. Và đúng vậy, dự án đó đã giúp tôi kiếm lại được số tiền đã mất. Tôi nhận ra rằng, điều rất quan trọng trong kinh doanh là sự trung thực.
Nói rộng hơn, một trong những cái “được” mà tôi nghĩ rằng quan trọng nhất sau 8 năm khởi nghiệp đó là giúp tôi hiểu được bản thân.
Trước đây, khi điều hành những doanh nghiệp lớn, tôi đều rất thành công. Tôi nhận được nhiều giải thưởng, nhiều sự khen ngợi của đồng nghiệp, bạn bè xung quanh. Điều này khiến tôi cảm thấy có vẻ là người giỏi, kinh doanh xuất sắc. Cho đến khi khởi nghiệp, tôi mới nhận mình không giỏi như mình nghĩ, đúng hơn là đã ảo tưởng sức mạnh.
Ngày xưa, khi làm Tổng giám đốc, với một dự án nào đó các nhân viên dưới quyền sẽ đề xuất cho tôi phương án phương án A hoặc phương án B. Dựa vào phương án A, phương án B, tôi sẽ đưa ra được phương án C. Thường thì phương án C sẽ hay hơn, hiệu quả hơn nhiều. Sau đó tôi nhận được sự khen ngợi từ mọi người.
Khi khởi nghiệp, không có bộ phận tham mưu, không ai đưa cho mình phương án A, B nữa, mình phải tự ra quyết định. Cuối cùng, mình đưa ra phương án D, và nó còn tệ hơn cả A và B. Lúc này mình mới thấy rằng, mình không giỏi như mình nghĩ.
Trường hợp khác, vì nghĩ là mình giỏi cho nên tôi ôm đồm và làm tất cả mọi thứ. Từ việc chọn sách để mua bản quyền cho tới quyết định làm marketing, bán hàng.
Tôi nhớ có lần bạn Trưởng ban biên tập khi thấy danh sách sách tôi mua bản quyền, bạn ấy đã gặp và phản đối. Bạn ấy nói rằng, những cuốn sách tôi đang quyết định mua sẽ không phải là sách bán chạy, tuy nhiên tôi trả lời rằng mình đã quyết định, bạn ấy cứ việc làm theo. Các bạn vẫn làm hết sức, nhưng sau cùng thì cuốn sách đó thất bại.
Khi tôi vò đầu, bứt tai thì bạn ấy mới gặp lại và nói rằng, vì rất quý mến tôi nên các bạn vẫn làm theo chỉ đạo, vì biết sẽ không thể phản đối cho đến khi những cuốn sách này không bán được. Đó cũng là bài học giúp tôi nhận mình không giỏi như mình tưởng.
Thêm một điều nữa, ngày xưa, khi điều hành những doanh nghiệp lớn, hoạt động hiệu quả, việc tôi sử dụng tiền cho nhân viên rất rộng rãi. Tôi đã đưa thói quen sử dụng tiền đó vào doanh nghiệp khởi nghiệp. Điều này dẫn tới hai luồng suy nghĩ trong công ty, một là “sếp rộng rãi thế này thì cứ tiêu xài thoải mái”, hai là “sếp khởi nghiệp mà xài tiền kiểu này thì kiểu gì công ty cũng tạch, cho nên thôi, đi kiếm chỗ khác làm”.
Những cái “mất” này giúp tôi “được” hiểu hơn về bản thân. Giúp tôi nhận ra những điểm mình chưa có, hoàn thiện những điều chưa giỏi, từ đó thay đổi tích cực hơn.
– Giữa “được” và “mất”, anh nghĩ mình nhận được cái nào nhiều hơn?
Với tôi, cái “được” lớn hơn rất nhiều.
Khi hiểu bản thân, mình sẽ biết cách tạo ra giá trị cho những người xung quanh. Với tôi, sau chừng đó thời gian và trải nghiệm, tôi xây dựng cho mình những triết lý sống để theo đuổi và tuân thủ. Đó là nhìn cuộc sống với ánh mắt háo hức của một đứa trẻ và giữ cái tôi rất thấp để sẵn sàng học hỏi, dễ dàng kết bạn và làm việc chung với mọi người
– Anh đã vượt qua giai đoạn trắc trở của ngày đầu khởi nghiệp thế nào?
Khi nhận ra mình không giỏi như mình nghĩ và cũng không thể đóng cửa công ty được thì việc tiếp theo chắc chắn phải làm đó là chọn những người giỏi hơn về làm cùng mình. Tôi học cách chấp nhận việc, những gì mình không làm tốt thì sẽ phải chọn người thay thế làm việc đó.
Tôi có may mắn là luôn được đóng vai hiền lành, người tốt trong công ty. Như vậy, tôi phải kiếm người giữ vai trò là “người không tốt” để họ điều hành thay tôi. Sau đó tôi tìm được bạn CEO như vậy, đó là người làm tốt hơn tôi rất nhiều trong việc điều hành doanh nghiệp, quyết liệt và kiểm soát tốt công ty.
Tôi quay lại vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị, giữ vai trò là linh hồn công ty, điều mà tôi làm tốt.
Tôi thật sự trao quyền cho họ. Trước đây tôi quyết hết việc mua sách, bản quyền, thì bây giờ công ty sẽ có một hội đồng năm người để ra quyết định, trong đó tôi chỉ có 1 phiếu. Nhờ việc mời gọi thêm cộng sự, trao quyền, tôn trọng quyết định của họ thì tôi may mắn đã khôi phục, vực dậy được Saigon Books.
Tất nhiên còn một bài toán rất quan trọng khi mời gọi, thu hút người có năng lực, có tâm về phía mình. Đó là, tôi vẫn hay nói vui, một người không cần học nhiều, chỉ cần làm được 4 phép toán cộng – trừ – nhân – chia thì có thể làm được doanh nhân. Nhưng trong 4 phép toán đó, quan trọng nhất phải làm tốt phép chia – chia sẻ quyền lợi. Để họ gắn bó, chắc chắn mình phải biết cách chia sẻ quyền lợi. Với tôi, tôi luôn cho nhiều hơn mức người ta kỳ vọng.
– Từng giữ các vị trí chủ chốt của những tập đoàn lớn, nhưng đến tuổi tứ tuần lại đưa ra những quyết định sai mà ai cũng thấy, cảm giác của anh trong hoàn cảnh đó ra sao?
Rất xấu hổ! Tuy nhiên, cũng cảm ơn những sai lầm, va vấp để tôi có thể hiểu hơn chính bản thân mình.
Tôi ý thức rất rõ, hành trình mỗi người trong cuộc đời, chính là khám phá chính mình, hiểu mình. Đó là một trong những điều quan trọng trong đời một con người. Nhờ những va vấp đó, tôi mới hiểu đúng được về bản thân. Và từ đó, tôi biết nên tập trung theo đuổi chuyện gì, cái gì nên giao lại, quan trọng hơn là ý thức được mình không thể giỏi tất cả mọi thứ.
Điều thứ hai, nó giúp tôi biết cách nhìn nhận cuộc sống. Ngày hôm nay của chúng ta chính là kết quả của những tổn thương, thất bại, đau khổ, của những nỗi buồn mà chúng ta đã từng vượt qua trong quá khứ. Ngày hôm nay không phải là kết quả của thành công mà là kết quả của tổn thương và thất bại.
Vì vậy, tôi trân quý những trải nghiệm thất bại. Tôi nhìn nó giống như thử thách giúp mình bản lĩnh hơn, hiểu mình hơn, biết cách sống khiêm tốn, nhẹ nhàng, luôn cố gắng giữ cái tôi thật thấp.
– Sau 8 năm, anh có thấy rằng thị trường sách “màu mỡ” hơn so với thời điểm anh bắt đầu không?
Nói màu mỡ thì không hoàn toàn chính xác, nhưng thị trường sách Việt Nam vẫn tăng trưởng 10 – 15%/năm và còn tiềm năng để phát triển. Tôi tin rằng nó sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong thời gian sắp tới.
– Tới thời điểm hiện tại, anh có thấy hài lòng với những thứ mà mình đã làm được, những thứ mình đang có và kể cả những thứ mà mình đã đánh mất?
Có! Chính xác là tôi hài lòng với cuộc sống hiện tại.
Điều đó không có nghĩa là tôi thành công, nhưng tôi biết rất rõ là mình đã cố gắng như thế nào trong cuộc sống này và may mắn như thế nào trong cuộc sống này. Quan trọng hơn, khi bạn nhìn thấy cuộc đời của bạn tại thời điểm này, mọi thứ đều chấp nhận được, có nghĩa là bạn cảm thấy hài lòng với nó.
Tức là bạn sống yên ổn được với quá khứ, cho dù đó là những đau khổ, thất bại.
– Hài lòng và bằng lòng nhưng không có nghĩa là thành công. Vậy hiện tại, anh có bị áp lực về câu chuyện thành công không?
Chúng tôi vừa họp lớp 35 năm ngày ra trường, khi tất cả đã 52 tuổi. Ngồi lại với nhau, chúng tôi trò chuyện và hiểu rằng, ở tuổi này, ai là tỷ phú thì đã là tỷ phú rồi, giàu đã giàu rồi, nghèo cũng nghèo rồi. Rất khó đặt ra mục tiêu thay đổi đột biến ở tuổi này.
– Cảm ơn anh về những chia sẻ thú vị!