Ngày 14/11, UBND thành phố Hải Phòng đã tổ chức hội nghị trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 12 dự án mới và mở rộng, với tổng vốn đầu tư 1,8 tỷ USD. Các dự án này dự kiến sẽ tạo ra khoảng 17.000 việc làm, góp phần nâng cao đời sống kinh tế – xã hội của thành phố.
Trong số các dự án nhận giấy chứng nhận, nổi bật là dự án mở rộng của Tập đoàn LG với vốn đầu tư tăng thêm 1 tỷ USD, nâng tổng vốn lên 5,65 tỷ USD, chuyên sản xuất màn hình OLED công nghệ cao.
Dự án của nhà đầu tư Heesung (Hàn Quốc) tại KCN Tràng Duệ cũng tăng vốn thêm 125 triệu USD, nâng tổng vốn lên 279 triệu USD. Đây là dự án sản xuất linh kiện mô-đun tinh thể lỏng định vị tự động, tạo việc làm cho gần 400 lao động và dự kiến đạt kim ngạch xuất khẩu 100 triệu USD mỗi năm.
Cùng với đó, dự án hạ tầng của Tổ hợp KCN DEEP C Hải Phòng tăng vốn thêm 169 triệu USD, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn như Pegatron và Vietnam Advance Film Material. Tổng vốn thu hút của Tổ hợp KCN DEEP C hiện đạt 5 tỷ USD, kỳ vọng tiếp tục thu hút nhiều nhà đầu tư quốc tế khi mở rộng.
Dự án của Tập đoàn USI (Đài Loan) tại Tổ hợp KCN DEEP C tăng vốn thêm 75 triệu USD, nâng tổng vốn lên 290 triệu USD, tập trung sản xuất bảng mạch điện tử và thiết bị thông minh, tạo việc làm cho 1.000 lao động và dự kiến đạt kim ngạch xuất khẩu 500 triệu USD/năm.
Một số dự án khác đáng chú ý bao gồm: Vietnam Advance Film Material tại KCN DEEP C 2A tăng vốn thêm 60 triệu USD để sản xuất màng bọc cho pin quang điện; dự án Jeil Logistics 1 tại KCN Nam Đình Vũ tăng vốn 21 triệu USD, cung cấp dịch vụ logistics trên diện tích 45.341m2.
>> Hải Phòng đón 1.800 tỷ đồng vốn đầu tư chỉ trong một ngày
Hội nghị trao chứng nhận đầu tư tại TP Hải Phòng |
Ngoài ra, dự án hợp tác giữa Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng và Công ty Terminal Investment Limited với tổng vốn 156 triệu USD sẽ khai thác bến container quốc tế tại Cảng Hải Phòng. Các dự án Sembcorp Integrated Hub Hai Phong IV tại KCN DEEP C với vốn 56 triệu USD và Công ty TNHH Smart Logistics Service tại KCN Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng với vốn 20 triệu USD cũng nhận giấy chứng nhận đầu tư tại hội nghị.
Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, cho biết thành phố sẽ tiếp tục ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, đặc biệt là các dự án về bán dẫn và chip điện tử. Thành phố cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đến tháng 10/2024, Hải Phòng đạt 3,5 tỷ USD vốn FDI, vượt 40% kế hoạch năm. Dự kiến, đến cuối năm, thành phố sẽ thu hút 4,5 tỷ USD, đạt 180% mục tiêu. Lũy kế, Hải Phòng đã thu hút 1.000 dự án FDI với tổng vốn 32,2 tỷ USD, xếp thứ 6 toàn quốc.
Ông Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết, từ đầu nhiệm kỳ 2021 đến nay, Hải Phòng đã thu hút 14,5 tỷ USD, đạt 97% kế hoạch nhiệm kỳ và chiếm 74% tổng vốn đầu tư từ 1993-2020. Trung bình mỗi năm, thành phố thu hút 3,6 tỷ USD vốn FDI, trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư lớn như LG, SK và Vinfast.
Hiện tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố đạt 70%, với suất đầu tư trung bình 13 triệu USD/ha, gấp hơn 3 lần mức bình quân cả nước. Lĩnh vực đầu tư chủ yếu gồm cơ khí, hóa chất, điện tử và logistics, với sự tham gia của nhà đầu tư từ hơn 40 quốc gia, trong đó Hàn Quốc dẫn đầu với 11 tỷ USD, chiếm 44% tổng vốn FDI tại Hải Phòng.
Hải Phòng là 1 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam. Đây là thành phố lớn thứ 3 Việt Nam và là một thành phố cảng quan trọng, trung tâm công nghiệp, cảng biển, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học thương mại và công nghệ thuộc vùng duyên hải Bắc Bộ.