Ngày 15/11, đại diện Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, trong quá trình triển khai dự án thành phần 3 của cảng hàng không Quốc tế Long Thành, ACV đã tiết kiệm được gần 4.000 tỷ đồng, vượt tổng mức đầu tư sơ bộ cho đường cất hạ cánh thứ hai, ước tính khoảng 3.300 tỷ đồng. Khoản tiết kiệm này đến từ chi phí dự phòng và đặc biệt là nhờ đấu thầu hiệu quả (sau khi tính đủ dự phòng cho các gói thầu đã ký hợp đồng và dự phòng theo quy định cho các gói thầu sẽ được đấu thầu trong quý IV/2024 và đầu năm 2025).
Đại diện ACV nhận định: “Nguồn tiết kiệm trong quá trình thực hiện dự án thành phần 3 của ACV đóng vai trò quan trọng trong việc đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh thứ hai cho sân bay Long Thành giai đoạn 1″.
Dự án sân bay Long Thành đang được tích cực triển khai |
Ngày 6/11/2024, Chính phủ đã trình Tờ trình số 747/TTr-CP lên Quốc hội về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cảng hàng không Quốc tế Long Thành. Hiện Quốc hội đang xem xét tờ trình này và nhận được nhiều ý kiến ủng hộ từ các đại biểu, chuyên gia ngành hàng không và cử tri cả nước. Việc có thêm một đường cất hạ cánh ngay từ giai đoạn đầu khai thác được xem là lợi ích thiết thực, đảm bảo nhu cầu khai thác khi có sự cố tại một trong hai đường cất hạ cánh.
Cụ thể, nếu đường cất hạ cánh thứ nhất của sân bay Long Thành gặp sự cố, việc có đường cất hạ cánh thứ hai sẽ giảm tải áp lực chuyển chuyến bay về Tân Sơn Nhất, sân bay này vốn đã gần đạt công suất tối đa.
Theo quy hoạch, Tân Sơn Nhất có thể phục vụ khoảng 50 triệu hành khách mỗi năm, và trong năm 2023, sản lượng hành khách tại đây đã vượt 41 triệu lượt. Đến năm 2030, dự kiến tổng nhu cầu vận tải hàng không của TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận sẽ đạt khoảng 71 triệu lượt hành khách/năm, dẫn đến nguy cơ quá tải nếu phải dồn chuyến bay từ Long Thành sang Tân Sơn Nhất.
Việc xây dựng đường cất hạ cánh thứ hai ngay trong giai đoạn 1 sẽ giúp Long Thành duy trì ổn định hoạt động khai thác, giảm tải cho Tân Sơn Nhất khi cần thiết, đảm bảo sự linh hoạt và an toàn vận hành.
Dự án sân bay Long Thành, được xây dựng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, có tổng vốn đầu tư hơn 16 tỷ USD và được chia thành ba giai đoạn. Giai đoạn 1 dự kiến khai thác vào năm 2026 với công suất 25 triệu hành khách/năm và vốn đầu tư 5,45 tỷ USD. Giai đoạn 2, từ 2028-2032, sẽ nâng công suất lên 50 triệu hành khách/năm. Giai đoạn 3, bắt đầu sau năm 2035, sẽ đưa công suất sân bay lên 100 triệu hành khách/năm, biến Long Thành trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam.