Thứ trưởng Aleksandr Pankin đã đưa ra tuyên bố vào ngày 14/11 khi phát biểu tại Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế APEC lần thứ 35 tại Lima, Peru.
Phát biểu về Hội nghị thượng đỉnh BRICS do Nga tổ chức tại thành phố Kazan vào tháng 10, ông Pankin cho biết hội nghị đã “thể hiện mong muốn của phần lớn thế giới về việc thiết lập một trật tự thế giới công bằng, tiến hành cải cách các thể chế quốc tế và xây dựng những mối quan hệ kinh tế công bằng”.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga thông tin một loạt thỏa thuận “ấn tượng” về thương mại, đầu tư, trí tuệ nhân tạo, năng lượng và khí hậu, cũng như hậu cần đã được thực hiện trong Hội nghị thượng đỉnh BRICS. Ông Pankin xác nhận: “Indonesia – một nước thành viên APEC – đã trở thành một quốc gia đối tác của BRICS”.
Quy chế “quốc gia đối tác” mới đã được phê duyệt tại cuộc họp ở Kazan và dự kiến sẽ đóng vai trò là một giải pháp thay thế cho tư cách thành viên sau khi hơn 30 quốc gia nộp đơn xin gia nhập BRICS. Quy chế “quốc gia đối tác” cho phép tham gia thường xuyên vào các phiên họp đặc biệt của Hội nghị thượng đỉnh BRICS và các cuộc họp của Bộ trưởng Ngoại giao, cũng như những sự kiện cấp cao khác. Các đối tác cũng có thể đóng góp vào những tài liệu kết quả của nhóm.
Truyền thông Nga trích lời Thứ trưởng Pankin nói rằng Malaysia và Thái Lan cũng đã trở thành quốc gia đối tác, nhưng hai nước này không được nêu tên trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga.
BRICS ban đầu bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, và mở rộng khi Ai Cập, Iran, Ethiopia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất chính thức trở thành thành viên vào ngày 1/1/2024.
Đầu tuần này, đồng minh của Nga là Belarus đã tuyên bố rằng nước này cũng đã chính thức trở thành quốc gia đối tác của BRICS. Trong một tuyên bố, Minsk mô tả tổ chức này là “trụ cột của thế giới đa cực” mang lại cho nhiều quốc gia “hy vọng về một trật tự thế giới công bằng hơn”.
Vào thứ Năm, Bộ trưởng Ngoại giao Bolivia Celinda Sosa Lunda tiết lộ rằng La Paz đã nhận được lời mời từ Nga để trở thành quốc gia đối tác của BRICS. Bà cho biết: “Chúng tôi đã phản hồi tích cực với lời mời này”.
Danh sách các đối tác tiềm năng chưa được công bố chính thức, nhưng các phương tiện truyền thông đã đề cập Algeria, Cuba, Kazakhstan, Nigeria, Thổ Nhĩ Kỳ, Uganda, Uzbekistan và Việt Nam là những ứng cử viên tiềm năng.