spot_img
30 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhChâu Âu thảo luận kín, xoay chuyển lập trường, ông Trump vẫn...

Châu Âu thảo luận kín, xoay chuyển lập trường, ông Trump vẫn là ẩn số: Ukraine đối mặt vấn đề sống còn?

Đàm phán hòa bình Nga-Ukraine ngày càng thu hút sự chú ý khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024.

Trong bối cảnh chính phủ Mỹ đang tiến hành giai đoạn chuyển tiếp, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có chuyến đi “chớp nhoáng” tới Brussels hôm 13/11 để gặp gỡ các quan chức NATO, Liên minh châu Âu (EU) và Ukraine.

Hãng thông tấn Reuters dẫn lời ông Blinken cho biết, trước khi Tổng thống đắc cử Mỹ Trump nhậm chức, chính quyền ông Biden sẽ tăng cường hỗ trợ cho Ukraine và nỗ lực củng cố liên minh NATO trong giai đoạn này.

Châu Âu thảo luận kín

Theo Washington Post (WaPo), mặc dù chính quyền ông Biden đã cam kết tăng cường hỗ trợ Ukraine, nhưng những lo ngại về việc quân đội Ukraine đang ở thế phòng thủ trên chiến tuyến và Mỹ có thể cắt giảm tài trợ cho Ukraine đã khiến châu Âu bắt đầu các cuộc thảo luận kín về đàm phán Nga-Ukraine.

WaPo cho hay, trong số các đồng minh châu Âu của Ukraine đang có một sự thay đổi “âm thầm nhưng ngày càng rõ ràng” rằng chỉ có thông qua đàm phán liên quan đến việc nhượng bộ lãnh thổ của Ukraine thì mới có thể chấm dứt cuộc xung đột.

Sau khi ông Trump thắng cử, các cuộc đối thoại kiểu này càng trở nên cấp bách hơn. Các quan chức châu Âu và NATO thừa nhận rằng vấn đề nhượng bộ lãnh thổ không còn là một chủ đề “cấm kỵ” hay ngoại lệ nữa.

Tuy nhiên, các nhà ngoại giao đã ngừng gọi điều này là “đổi lãnh thổ lấy hòa bình” mà thay bằng “đổi lãnh thổ lấy an ninh”.

Camille Grand, cựu trợ lý tổng thư ký NATO và thành viên của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu nhận định: Hiện tại có một sự thừa nhận chung rằng “các cuộc đàm phán có thể diễn ra sớm hơn dự kiến” và “cả hai bên đều sẽ phải nhượng bộ một phần”.

Các nhà lãnh đạo châu Âu hy vọng chính quyền ông Trump sẽ đưa Nga vào bàn đàm phán, nhưng việc đội ngũ của ông Trump sẽ xử lý vấn đề này như thế nào vẫn là một dấu hỏi lớn.

Một nguồn tin khác tiết lộ rằng tại một bữa tiệc tối của các nhà lãnh đạo châu Âu ở Budapest (Hungary) vào tuần trước, nhiều người đã nêu lý do tiếp tục hỗ trợ tài chính và vũ khí cho Ukraine, đồng thời thảo luận cách duy trì hỗ trợ trong trường hợp Mỹ cắt giảm tài trợ.

Một nhà ngoại giao EU cho biết, quan điểm về việc giải quyết vấn đề thông qua đàm phán đang dần được chú trọng, nhưng chủ yếu diễn ra phía sau hậu trường: “Không ai trong phòng nói rằng: Chúng ta cần từ bỏ Donbass”.

Ngày 12/11, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc gặp Tổng thư ký NATO Mark Rutte khẳng định, tiếp tục hỗ trợ quân đội Ukraine là “con đường duy nhất dẫn đến đàm phán”.

Ông Macron được cho là đã nhấn mạnh trong cuộc điện đàm khoảng 25 phút với ông Trump rằng bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng cần tới những nhượng bộ có ý nghĩa từ Nga.

Châu Âu thảo luận kín, xoay chuyển lập trường, ông Trump vẫn là ẩn số: Ukraine đối mặt vấn đề sống còn?- Ảnh 1.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp Tổng thư ký NATO Mark Rutte. Ảnh: Reuters

Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và nhiều quan chức Ukraine đã nhiều lần tuyên bố rằng Ukraine sẽ không cam kết nhượng bộ lãnh thổ trong bất kỳ giải pháp hòa bình nào. Sau khi ông Trump đắc cử, Ukraine đang cân nhắc đẩy nhanh lịch trình đàm phán, New York Times đưa tin.

Phiên bản mới của Thỏa thuận Minsk?

Hai quan chức cấp cao Ukraine cho biết, khi quân đội Ukraine tại miền Đông đang ở thế phòng thủ, “vấn đề lãnh thổ rất quan trọng, nhưng ưu tiên hàng đầu vẫn là đảm bảo an ninh”.

Hiện tại, cũng không có dấu hiệu nào cho thấy Nga sẽ thay đổi điều kiện đàm phán sau khi ông Trump lên nắm quyền. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 13/11 cho biết: Tổng thống Nga Vladimir Putin chưa bao giờ từ chối đàm phán, và rằng các cuộc đàm phán “rõ ràng không phải là điều mà ông Zelensky có thể quyết định”.

Theo đánh giá của The Paper (Trung Quốc), việc ông Trump trở lại Nhà Trắng sẽ không thay đổi cơ bản lập trường của Mỹ về vấn đề Ukraine, và bất kỳ đề xuất nào nhằm đóng băng xung đột theo đường ranh giới hiện tại đều chỉ là “phiên bản mới của Thỏa thuận Minsk”, thậm chí còn “tệ hơn”.

Trước khả năng đàm phán có thể diễn ra nhanh chóng, các trận chiến ở tỉnh Kursk (Nga) mang ý nghĩa rất quan trọng đối với Moscow. Mỹ và Ukraine gần đây tuyên bố rằng quân đội Nga đã tập trung lực lượng tại Kursk và có thể sớm phát động phản công.

Ông Konstantin Zatulinm, một nghị sĩ Duma Quốc gia Nga cho biết nếu quân đội Ukraine bị đẩy khỏi Kursk, Nga có thể chấp nhận ngừng bắn trên chiến tuyến trước mùa xuân năm sau.

Tuy nhiên, một số người có quan điểm cứng rắn tin rằng xét đến yêu cầu tối thiểu của Nga trong đàm phán liên quan tới vấn đề lãnh thổ, thì một thỏa thuận hòa bình khó có thể đạt được trong ngắn hạn.

Ukraine đối mặt vấn đề sống còn?

Hiện nay, trọng tâm thảo luận về đàm phán hòa bình đã tập trung vào vấn đề ngừng bắn dọc đường tiếp xúc để đổi lấy sự bảo đảm an ninh của phương Tây cho Ukraine.

New York Times dẫn lời một quan chức cấp cao của Ukraine cho biết, Kiev hy vọng có thể đảm bảo chắc chắn rằng đường ngừng bắn sẽ không cản trở quá trình phục hồi kinh tế sau chiến tranh của Ukraine và phạm vi của khu phi quân sự cũng là một vấn đề quan trọng cần cân nhắc.

Tuy nhiên, báo cáo chỉ ra rằng vấn đề khó khăn nhất trong bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào là an ninh chứ không phải lãnh thổ.

Trước đó, ông Zelensky đã đề xuất “Kế hoạch chiến thắng” của Ukraine vào tháng 10, trong đó bao gồm các yêu cầu như NATO gửi lời mời “không điều kiện” để Ukraine gia nhập, tăng cường năng lực phòng thủ của Ukraine và một “kế hoạch răn đe chiến lược phi hạt nhân” đối với Nga. Tuy nhiên, phản hồi từ phương Tây vẫn rất hạn chế.

Ngày 5/11, một phóng viên của tờ Politico tiết lộ trên mạng xã hội X rằng Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã “không chính thức” bày tỏ quan điểm phản đối Ukraine gia nhập NATO, đồng thời gợi ý giải pháp “Phần Lan hóa” (Finlandisation), tức để Ukraine duy trì trạng thái trung lập giữa NATO và Nga.

Tuy nhiên, vì đây không phải là lập trường chính thức của chính phủ Đức, ông Scholz đã không nêu đề xuất này trong cuộc gặp với Tổng thư ký NATO Mark Rutte.

Châu Âu thảo luận kín, xoay chuyển lập trường, ông Trump vẫn là ẩn số: Ukraine đối mặt vấn đề sống còn?- Ảnh 2.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: Reuters

Eldar Mamedov, một chuyên gia chính sách đối ngoại thường trú tại Brussels cho rằng việc thảo luận kế hoạch “Phần Lan hóa” cho thấy cuộc tranh luận ở châu Âu đã chuyển từ khẩu hiệu “chiến thắng ở Ukraine bằng mọi giá” sang một đánh giá thực tế hơn, rằng Ukraine đang phải đối mặt với vấn đề sống còn dưới tư cách là một quốc gia độc lập.

Theo WaPo, các bên vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về kế hoạch an ninh được Ukraine chấp nhận và có những quan điểm cực kỳ khác nhau về cách tiến hành đàm phán.

Mỹ, Đức và các đồng minh lớn khác của Ukraine vẫn từ chối mời Ukraine nhanh chóng gia nhập NATO. Trong khi đó, ý tưởng triển khai quân châu Âu tại Ukraine và cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine là điều kiện mà Nga khó chấp nhận.

Vào thời điểm Nga và Ukraine khó thay đổi lập trường trong đàm phán hòa bình và chính sách của ông Trump đối với Ukraine vẫn chưa rõ ràng, việc đạt được giải pháp cho xung đột Nga-Ukraine vẫn còn rất xa.

Trong những tháng tới, hành động của chính quyền ông Biden và tình hình chiến sự tại chiến tuyến Nga-Ukraine sẽ là trọng tâm theo dõi của cộng đồng quốc tế.

Ngày 13/11, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết sau cuộc thảo luận với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken về các vấn đề tấn công Nga từ xa và hội nhập Âu-Đại Tây Dương, Ukraine giữ thái độ “lạc quan thận trọng”.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Andriy Zagorodnyuk nhận định rằng việc đảm bảo một giải pháp có lợi cho Ukraine trong khi Nga đang tiếp tục đà tiến trên chiến trường sẽ vô cùng khó khăn. “Bên nào ở vị thế chiến thắng, bên đó sẽ đặt ra điều kiện”, ông nói.

Ở diễn biến mới nhất, các hãng truyền thông Mỹ ngày 17/11 đưa tin, Tổng thống Joe Biden đã lần đầu tiên “bật đèn xanh” cho Ukraine sử dụng các vũ khí tầm xa mạnh mẽ của Mỹ để tấn công vào mục tiêu nằm bên trong lãnh thổ Nga.

Đây là bước thay đổi lớn trong chính sách của Washington về xung đột trên thực địa giữa Nga-Ukraine.

Đài NPR (Mỹ) dẫn lời một quan chức Mỹ tiết lộ, Hệ thống tên lửa chiến thuật Lục quân (ATACMS) mà Mỹ đã cung cấp cho Kiev sẽ cho phép lực lượng Ukraine tấn công các kho vũ khí, trung tâm hậu cần và sân bay, qua đó ngăn chặn lực lượng Nga tiến quân và tấn công các thành phố của Ukraine.

Quan chức Mỹ nói Washington cho phép Ukraine sử dụng các vũ khí của Mỹ để nhắm vào khu vực bên trong và xung quanh tỉnh Kursk, nơi Mỹ và đồng minh xác định là đang có khoảng 10.000 quân Triều Tiên được triển khai để hỗ trợ Nga.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật