spot_img
27 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhNghỉ việc ở nhà làm ‘kho gia đình’ cho Temu, nhiều người...

Nghỉ việc ở nhà làm ‘kho gia đình’ cho Temu, nhiều người ‘vớ bẫm’

'Kho gia đình' đơn giản chỉ là phòng khách nhỏ hoặc gara để ô tô.

Trong căn hộ một phòng ngủ chật chội của Eason Lin tại Sunset Park, Brooklyn, phòng khách ngổn ngang hàng trăm hộp lớn nhỏ. Chúng sẽ sớm được chuyển đến nhà những người tiêu dùng Mỹ đã đặt đơn trên Temu và TikTok Shop.

Lin, 28 tuổi, đến từ một thị trấn nhỏ ở tỉnh Phúc Kiến, đã chuyển đến New York vào năm 2022. Sau một thời gian làm bồi bàn tại các nhà hàng Trung Quốc, anh thấy chán nản vì mức lương thấp nên quyết định dấn thân sang lĩnh vực vận chuyển.

Phòng khách nhỏ ngay lập tức được biến thành một nhà kho tạm thời, cung cấp dịch vụ hoàn thành đơn hàng cho những người bán ở Thâm Quyến, trung tâm thương mại điện tử của Trung Quốc.

“Đó là một công việc thoải mái”, Lin, người thức dậy mỗi sáng để kiểm tra đơn hàng, in nhãn vận chuyển và đóng gói, cho biết. Anh vận chuyển bằng cách đi bộ, đựng trong ba lô hoặc xe đẩy đến một bưu điện, sau đó tính phí người bán Trung Quốc khoảng 1 USD.

“Tôi có khả năng kiếm được nhiều tiền”, Lin nói, đầy hy vọng mặc dù thu nhập khiêm tốn.

Nhiều người bán vận chuyển đơn hàng trực tiếp từ Trung Quốc đến Mỹ đang gặp khó khăn trước động thái mới của chính phủ nhằm trấn áp các bưu kiện thương mại điện tử giá rẻ đến từ đại lục. Thay vì dựa vào vận chuyển đường dài, họ tận dụng các công ty hậu cần thương mại hoặc kho hàng nhỏ như Lin.

Trên các nền tảng truyền thông xã hội Trung Quốc Xiaohongshu và Douyin, hàng chục tài khoản tự nhận mình là “kho gia đình” nằm rải rác ở các thành phố như Los Angeles, New York, Philadelphia và Austin. Họ cung cấp dịch vụ hoàn tất đơn hàng, nghĩa là giao bất cứ khi nào có đơn.

Nhiều bà mẹ nội trợ coi đây như một công việc phụ. Kara Li, bà mẹ 46 tuổi hai con ở Los Angeles, cho biết hiện tại cô đang cất giữ hàng trăm gói chăn bông và đồ lót trong gara của mình. Giống như Lin, cô in nhãn vận chuyển và mang hàng đến cửa hàng UPS mỗi ngày.

Li, người đã nhập cư vào Mỹ nhiều năm trước, đã nói với Rest of World rằng hầu hết khách hàng Trung Quốc của cô đều là người mới bắt đầu trong ngành thương mại điện tử xuyên biên giới. Họ không đủ khả năng làm việc với các nhà kho lớn hơn, nơi tính thêm phí nếu hàng hóa không được bán hết kịp thời. Li cho biết cô cung cấp nhiều sự linh hoạt hơn về thời gian lưu trữ, miễn không gian trong gara đủ to.

“Không tốn nhiều tiền”, cô nói. “Tôi chỉ cần chăm sóc bọn trẻ, và không có công việc nào khác phù hợp hơn”.

Tương tự như vậy, Oliver Liang, 35 tuổi, cũng điều hành một doanh nghiệp hoàn tất đơn hàng có tên là Logixter tại gara của anh ở Los Angeles. Liang chuyển đến Mỹ cách đây 12 năm khi còn là sinh viên. Sau khi lấy bằng tiến sĩ về phân tích dữ liệu và làm việc cho một công ty thương mại điện tử lớn, anh quyết định khởi nghiệp và hiện dành hơn 10 giờ mỗi ngày để quản lý hàng tồn kho và liên lạc với khách ở Trung Quốc. Anh cũng xử lý việc trả lại hàng cho người bán trên Amazon và phân loại các sản phẩm có thể bán lại.

“Khởi nghiệp tại nhà ít rủi ro hơn”, Liang nói với Rest of World . “Khi có thêm nhiều khách hàng, tôi sẽ thuê một không gian rộng hơn”.

Theo Hu Jianlong, người sáng lập công ty tư vấn Brands Factory tại Thâm Quyến, mô hình kinh doanh mới này xuất hiện từ đầu những năm 2000, khi các doanh nhân thương mại điện tử bán hàng Trung Quốc trực tiếp cho người Mỹ bằng cách lưu trữ chúng tại nhà của sinh viên Trung Quốc. Kể từ đó, các nhà kho và trung tâm hoàn thiện đơn hàng khổng lồ xuất hiện như một phần của ngành thương mại điện tử đang bùng nổ.

Amazon hiện sở hữu hàng trăm triệu feet vuông bất động sản công nghiệp, nơi công ty quản lý hàng tồn kho và phân loại gói hàng để giao đi. “Những người bán hàng lớn và vừa sẽ làm việc với dịch vụ hậu cần chuyên nghiệp”, Hu nói với Rest of World . “Những người bán hàng nhỏ và siêu nhỏ không đủ khả năng chi trả sẽ đến các kho hàng gia đình”.

Theo Rest of World, hiện thị trường tiêu dùng Mỹ vẫn là động lực tăng trưởng hàng đầu cho các công ty thương mại điện tử Trung Quốc. Theo báo cáo từ hãng công nghệ Trung Quốc 36Kr, tổng giá trị hàng hóa của Temu đạt khoảng 12 tỷ USD trong quý 2 năm 2024. Mỹ chiếm khoảng 45% doanh số.

Nhờ có quy định “de minimis” cho phép các bưu kiện dưới 800 USD được miễn thuế vào Mỹ, những người bán nhỏ trước đây đã vận chuyển hàng bằng đường hàng không. Quá trình giao hàng mất hai tuần hoặc lâu hơn, song họ có thể tránh được chi phí cao khi lưu trữ hàng tồn.

Tuy nhiên, chính phủ Mỹ mới đây đã ra lệnh đàn áp các lô hàng de minimis để bảo vệ các doanh nghiệp nội địa. Một cựu quan chức Nhà Trắng cho biết thay đổi về quy định có thể sẽ bắt đầu trước khi ông Donald Trump nhậm chức. Điều này buộc các nền tảng và người bán phải lưu trữ hàng tại Mỹ để rút ngắn thời gian giao hàng.

Theo Juozas Kaziukėnas, người sáng lập công ty phân tích thương mại điện tử Marketplace Pulse, các kho gia đình đang đáp ứng một số nhu cầu, song năng lực bị hạn chế và chỉ chiếm một phần nhỏ trong hậu cần thương mại điện tử.

“Khi người bán hàng thành công hơn, họ chắc chắn sẽ cần không gian lớn hơn và khối lượng hàng lớn hơn”, Kaziukėnas cho biết. “Những phòng khách hay gara đơn thuần sẽ không đủ chỗ chứa”.

Nhà điều hành bất động sản công nghiệp Prologis ước tính rằng các công ty hậu cần và thương mại điện tử của Trung Quốc chiếm 20% tổng giá trị cho thuê kho mới tại Mỹ trong năm nay tính đến quý III. Bản thân Temu đã hợp tác với một số công ty hoàn thiện đơn hàng tại Mỹ để khuyến khích người bán lưu trữ hàng tồn kho tại đó. Ben Pu, người sáng lập công ty kho bãi và hoàn thiện đơn hàng ShipSage, một đối tác của Temu, cho biết nhiều người bán trên Temu đã phải vật lộn tìm hiểu về hậu cần và các loại phí liên quan.

“Chúng tôi phải thích nghi”, Pu nói với Rest of World . “Chúng tôi đang đơn giản hóa quy trình và giá cả để giúp họ nhanh chóng bắt đầu bán hàng tại Mỹ”.

Theo: Rest of World, CNBC

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật