Trong tuần đầu tiên sau khi Donald Trump thắng cử tổng thống, thị trường chứng khoán Mỹ lập kỷ lục mới. S&P 500 tăng khoảng 5%, trong khi Nasdaq và Dow Jones tăng lần lượt hơn 5% và 6%. Tâm lý hưng phấn đến từ việc ông Trump giành chiến thắng áp đảo và nhanh chóng, giúp xua tan nguy cơ tranh cãi và chia rẽ trong chính trường Mỹ làm ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Cùng với đó, việc đảng Cộng hòa giành được lưỡng viện giúp nhà đầu tư tin tưởng các chính sách của Trump có nhiều khả năng thành hiện thực. Chúng bao gồm ý định giảm thuế doanh nghiệp từ 21% xuống 15%; gỡ bỏ nhiều quy định, đặc biệt trong lĩnh vực môi trường, tài chính và cạnh tranh; bảo vệ các công ty Mỹ với hàng rào thuế quan 10% cho tất cả hàng nhập khẩu và 60% với Trung Quốc.
Tuy nhiên, “tuần trăng mật” cũng dần đến hồi kết. Khép phiên tuần trước, S&P 500 giảm 1,32% còn Nasdaq giảm 2,24%. Hai chỉ số này hồi nhẹ lần lượt 0,39% và 0,6% trong phiên đầu tuần này. Các chỉ số hạ nhiệt khi nhà đầu tư đón nhận các thông tin bổ nhiệm của Trump, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng và y tế.
Cùng với đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tỏ vẻ thận trọng. “Nền kinh tế không phát đi tín hiệu nào cho thấy rằng chúng ta cần vội vàng hạ lãi suất”, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói hôm 14/11. Số liệu tháng 10 cho biết giá cả tăng 2,6% so với cùng kỳ 2023. Chương trình nghị sự của Trump, với thuế quan và trục xuất lao động không hợp pháp, càng báo hiệu nguy cơ lạm phát trở lại.
Fed đã giảm lãi suất nửa điểm trong tháng 9, sau đó thêm 0,25 điểm đầu tháng 11, đưa lãi suất về 4,5%. Vào tháng 9, giới chuyên gia dự đoán lãi suất sẽ giảm về 3,4% rồi 2,9% vào cuối năm 2025 và 2026. Nhưng họ giờ chỉ ước tính 60% khả năng Fed cắt giảm lãi suất vào giữa tháng 12 khi thâm hụt ngân sách tiếp tục tăng, đạt kỷ lục 1.830 tỷ USD cho năm tài chính kết thúc vào ngày 30/9.
Người thắng – kẻ thua trên Phố Wall dần có sự phân biệt. Bùng nổ vẫn rõ nét trong nhóm cổ phiếu tài chính – ngân hàng, những lĩnh vực hưởng lợi từ việc nới lỏng các quy định và thúc đẩy sáp nhập, mua lại. Các cổ phiếu này tăng 7%, trong khi các công ty fintech tăng hơn 10% tuần qua.
Ngược lại, một số ngành công nghiệp gặp khó. Nhiều chuyên gia từng hy vọng Trump sẽ duy trì sự hỗ trợ cho xe điện nhờ mối quan hệ thân thiết với Elon Musk nhưng không phải vậy. CEO Tesla – công ty có cổ phiếu tăng 30% kể từ sau cuộc bầu cử – lại ủng hộ khả năng cao việc xóa bỏ khoản trợ cấp 7.500 USD cho mỗi chiếc xe, nhằm loại bỏ các đối thủ cạnh tranh của ông khỏi Mỹ.
“Tôi nghĩ điều đó (bỏ trợ cấp) sẽ tàn phá các đối thủ cạnh tranh của chúng tôi và một chút đối với Tesla”, Musk từng phát biểu hồi tháng 7. Các cổ phiếu năng lượng tái tạo đã giảm hơn 10%, trong khi cổ phiếu dầu khí tăng hơn 5%.
Các công ty dược phẩm cũng không mấy lạc quan trước việc Robert F. Kennedy Jr được bổ nhiệm lãnh đạo Bộ Y tế. Là một người theo thuyết âm mưu và bài vaccine, ông khiến cổ phiếu y tế giảm 3,5%. Vốn hóa hãng sản xuất vaccine Moderna giảm một phần ba kể từ sau cuộc bầu cử, trong khi Pfizer mất hơn 10%.
Ngành quốc phòng cũng chao đảo dù Trump đưa ra nhiều cam kết. Ông bổ nhiệm Pete Hegseth, cựu bình luận viên Fox News đứng đầu Lầu Năm Góc. Là người ủng hộ ân xá cho quân nhân Mỹ phạm tội ác chiến tranh, việc Hegseth được bổ nhiệm khiến cổ phiếu các doanh nghiệp quốc phòng giảm gần 5%. Ngay cả quân đội cũng bắt đầu lo ngại về lời hứa cắt giảm ngân sách của ủy ban do Musk đứng đầu.
Trong lúc này, những suy đoán về khả năng Scott Bessent được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài chính là điều trấn an cho Phố Wall. Là cựu thành viên trong đội ngũ của tỷ phú George Soros, Bessent dự kiến gặp Trump tại Mar-a-Lago (Florida) tuần này, nhưng việc ông được bổ nhiệm không chắc chắn, theo The Washington Post.
Bessent được coi là nhân tố ổn định, ủng hộ việc dùng thuế quan như một công cụ đàm phán. Nhưng đang có một số ứng viên khác triển vọng không kém như Howard Lutnick – Đồng giám đốc nhóm chuyển giao quyền lực của Trump, hoặc Robert Lighthizer – Cựu đại diện thương mại với lập trường bảo hộ mạnh mẽ. Việc không bổ nhiệm Bessent sẽ là một sự thất vọng đối với Phố Wall, theo Le Monde.
Về dài hạn, Goldman Sachs dự báo S&P 500 sẽ đạt mức 6.500 điểm vào cuối 2025 nhờ sự tăng trưởng liên tục của nền kinh tế Mỹ và lợi nhuận doanh nghiệp. Mục tiêu này thể hiện mức tăng 10,3% so với mức đóng cửa 5.893,62 điểm hôm 18/11.
Lạc quan hơn, Morgan Stanley dự đoán chỉ số này cũng sẽ đạt 6.500 điểm ngay trong cuối năm nay và sẽ duy trì đến năm sau khi Fed cắt giảm lãi suất và các chỉ số kinh doanh tiếp tục cải thiện.
Goldman Sachs nhận định nhóm cổ phiếu “Magnificent 7” (Amazon, Apple, Alphabet, Meta, Microsoft, Nvidia, Tesla) sẽ tiếp tục vượt trội so với phần còn lại của 493 công ty trong S&P 500 vào năm tới. Tuy nhiên, mức chênh lệch sẽ chỉ khoảng 7 điểm phần trăm, mức thấp nhất 7 năm qua.
“Các chính sách tài khóa thân thiện hơn hoặc Fed với lập trường ôn hòa hơn có thể mang lại những cơ hội tăng trưởng”, báo cáo của Goldman Sachs nhận định. Tuy nhiên, công ty này đồng thời cảnh báo rủi ro vẫn ở mức cao đối với thị trường chứng khoán Mỹ nói chung khi bước vào năm 2025, do mối đe dọa tiềm tàng từ các mức thuế quan cao hơn và lợi suất trái phiếu gia tăng.
Phiên An (theo Le Monde, Reuters)