Kinh tế Mỹ vượt xa kỳ vọng, khu vực đồng Euro sẽ tụt hậu?
Thế giới đã sắp bước qua năm 2024 với sự phục hồi bấp bênh của kinh tế toàn cầu. Kinh tế toàn cầu đã cho thấy sự phục hồi trong năm 2024, song vẫn còn nhiều thách thức từ các xung đột địa chính trị, tác động biến đổi khí hậu, tăng trưởng không đồng đều ở nhiều nước.
Theo dự báo mới nhất của Ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ, năm 2025, kinh tế thế giới được nhận định sẽ tiếp tục phục hồi bền bỉ. Báo cáo mới nhất từ đơn vị nghiên cứu của Ngân hàng Goldman Sachs dự báo kinh tế toàn cầu sẽ ghi nhận một năm nữa tăng trưởng vững chắc trong năm 2025.
Các nhà kinh tế của ngân hàng này cho biết, tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ vượt xa kỳ vọng, trong khi kinh tế khu vực đồng Euro sẽ tụt hậu do chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump dự kiến có thể áp dụng mức thuế quan mới.
Kinh tế thế giới phục hồi bền bỉ trong năm 2025. Ảnh minh họa – Ảnh: Getty Images.
GDP toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng 2,7% vào năm tới theo mức trung bình hằng năm, cao hơn một chút so với dự báo của các nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát và phù hợp với mức tăng trưởng ước tính vào năm 2024.
GDP của Mỹ dự kiến sẽ tăng 2,5% vào năm 2025, cao hơn nhiều so với dự báo của Bloomberg là 1,9%. Nền kinh tế khu vực đồng Euro dự kiến sẽ tăng trưởng 0,8%.
Trong khi đó, Goldman Sachs cũng nhận định, thị trường lao động toàn cầu đã cân bằng trở lại, lạm phát tiếp tục có xu hướng giảm và hiện đang trong tầm với theo các mục tiêu của các ngân hàng trung ương. Các ngân hàng trung ương cũng tiếp tục quá trình cắt giảm lãi suất.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế cũng nhấn mạnh, vẫn sẽ có những thách thức với kinh tế thế giới, ngoài những thách thức truyền thống từ xung đột địa chính trị, tác động từ biến đổi khí hậu thì rủi ro lớn nhất có thể là thuế quan trên diện rộng từ chính quyền mới tại Mỹ, có khả năng ảnh hưởng đến tăng trưởng.
Tác động từ chính sách thương mại của chính quyền mới tại Mỹ
Như báo cáo của Goldman Sachs có nhấn mạnh thì một trong các vấn đề đặc biệt được quan tâm với kinh tế thế giới năm tới chính là chính sách thương mại của chính quyền Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
Theo các nhà kinh tế, tác động của các chính sách mới này được dự báo sẽ ít có tác động đến kinh tế Mỹ và phần lớn sẽ được bù đắp bởi các yếu tố khác. Thuế quan sẽ tác động khiêm tốn đến thu nhập cá nhân. Trong khi đó, những động lực tích cực từ việc cắt giảm thuế, môi trường quản lý thân thiện hơn và “tinh thần phấn chấn” hơn trong các doanh nghiệp sẽ chiếm ưu thế.
Chính sách thương mại mơi của Mỹ được dự báo có thể có tác động lớn hơn ở bên ngoài nước Mỹ. (Ảnh minh họa: AFP)
Tuy nhiên, chính sách thương mại mơi của Mỹ được dự báo có thể có tác động lớn hơn ở bên ngoài nước Mỹ.
Với khu vực đồng Euro, sự gia tăng bất ổn về chính sách thương mại có thể khiến GDP của khu vực giảm tới 0,5 điểm phần trăm hoặc cao hơn nếu Mỹ áp dụng thuế quan trên diện rộng. Trong khi đó, các tác động của chính sách thương mại mới của Mỹ với Trung Quốc có thể còn có các tác động trực tiếp hơn.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể phải đối mặt với mức tăng thuế quan lên tới 60 phần trăm và trung bình 20 phần trăm đối với tất cả các mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ. Dự báo điều này sẽ làm giảm gần 0,7 điểm phần trăm tăng trưởng của Trung Quốc vào năm 2025.
Nguy cơ gia tăng căng thẳng thương mại
Những chính sách mới của chính quyền Mỹ cũng có nguy cơ làm gia tăng các căng thẳng thương mại trong năm tới. Nhận định này cũng đã được Giáo sư Andreas Hauskrecht chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên VTV.
“Tôi nghĩ rằng chúng ta phải xem xét những điều sau. Dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump, thuế quan được sử dụng như một công cụ chính sách, nhắm vào các quốc gia cụ thể. Có thể kể đến như Trung Quốc, châu Âu, Canada và những quốc gia khác. Vì vậy, đây là mục tiêu rất cụ thể nhắm vào các quốc gia trong mối quan hệ song phương. Xin lưu ý rằng chính quyền Tổng thống Biden đã không xóa bỏ các mức thuế quan đó. Họ vẫn giữ chúng. Đảng Cộng hòa có quan điểm kinh tế là họ muốn quay trở lại mô hình cũ, trong đó thuế quan là nguồn thu quan trọng nhất”, Giáo sư Andreas Hauskrecht – Trường Kinh doanh Kelley, Đại học Indiana, Mỹ cho hay.
Cũng theo Giáo sư Andreas Hauskrecht, điều này sẽ ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia, không phải tất cả các quốc gia theo cùng một cách, nhưng tất cả các quốc gia ít nhất sẽ phải đối mặt với mức thuế quan từ 10 đến 20% và sẽ có một số mục tiêu như vậy trong chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Trump. Một ví dụ là đã có mức thuế quan cao đối với Trung Quốc và sau đó Mỹ đã mua hàng từ Việt Nam. Đã có một sự chuyển hướng thương mại.
“Bây giờ, khi mọi người đều chịu thuế quan, sẽ không có sự chuyển hướng thương mại, bởi vì giá cả của mọi người đều bị ảnh hưởng, đặc biệt là với Trung Quốc. Vì vậy, chúng ta sẽ thấy một sự tiếp tục của cuộc căng thẳng thương mại đã lan rộng. Căng thẳng địa chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục và có lẽ thật không may sẽ trở nên tồi tệ hơn”, Giáo sư Andreas Hauskrecht nhận định.
Rõ ràng là sức khỏe, mối quan hệ của các nền kinh tế lớn thế giới trong năm tới cũng sẽ có các tác động tới cả các nền kinh tế khác, trong đó có khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Theo các nhà kinh tế, các chính sách mới tại Mỹ trong năm tới có thể tác động mạnh hơn tới các nền kinh tế mở trong khu vực như Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Malaysia, Việt Nam. Tuy nhiên, bất kể thuế quan ra sao, Goldman Sachs cho rằng vẫn sẽ có sự dịch chuyển trong một số chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Đông Nam Á, Ấn Độ hoặc Mexico.