spot_img
20 C
Hanoi
spot_img
Trang chủDoanh NghiệpChuyển sang xe điện để giảm ô nhiễm không khí, Việt Nam...

Chuyển sang xe điện để giảm ô nhiễm không khí, Việt Nam sẽ tiết kiệm 6,5 tỷ USD

Quá trình chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện có thể giúp giảm chi phí thiệt hại về môi trường do ô nhiễm không khí cục bộ tại Việt Nam, với mức giảm là 30 triệu USD đến năm 2030 và 6,4 tỷ USD đến năm 2050.

Góp phần giảm ô nhiễm

Ngân hàng Thế giới vừa công bố báo cáo “Việt Nam: Đề xuất cho lộ trình và kế hoạch hành động quốc gia về chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện”, sáng 22/11.

Báo cáo này nêu rõ, trong ngành giao thông vận tải, quá trình đốt cháy xăng và dầu diesel của các phương tiện giao thông sử dụng động cơ đốt trong thải ra một lượng đáng kể các chất ô nhiễm không khí như: oxit nitơ, oxit lưu huỳnh và vật chất dạng hạt có đường kính 10 micromet trở xuống (PM10).

Các khí thải này góp phần gây ô nhiễm không khí cục bộ, dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về môi trường, đe doạ đến sức khoẻ của người dân.

Theo đó, các phương tiện giao thông đường bộ đến nay là tác nhân lớn nhất gây ra phát thải khí nhà kính, chiếm khoảng 85% lượng phát thải của ngành giao thông vận tải. Vận tải đường thuỷ chiếm 9% phát thải khí nhà kính do đốt dầu FO và diesel, trong khi vận tải hàng không chiếm khoảng 4,5% do đốt nhiên liệu phản lực.

Riêng giao thông vận tải đường bộ, năm 2022, xe 2 bánh (xe máy và gắn máy) chiếm 28% lượng phát thải; xe buýt và xe khách liên tỉnh chiếm 11%; ô tô con chiếm 6%; còn xe tải đủ cỡ đóng góp tới 56% lượng phát thải của giao thông đường bộ.

“Việc số lượng xe tải đủ cỡ, xe buýt và xe khách liên tỉnh tuy ít nhưng lại chiếm 67% lượng phát thải là bởi, trên cùng một quãng đường các loại này sử dụng lượng nhiên liệu gấp nhiều lần so với xe ô tô con hoặc xe máy. Chưa kể, xe tải, xe khách hay xe buýt hiện nay đa phần đều có tuổi thọ cao, đời xe cũ nên lượng phát thải cũng lớn hơn nhiều so với xe ô tô con”, ông Bowen Wang – tác giả chính của báo cáo này giải thích thêm.

xe dien
Chuyển đổi sang sử dụng các phương tiện giao thông chạy điện để giảm ô nhiễm không khí. Ảnh: LB

Do đó, báo cáo này nhấn mạnh lợi ích then chốt của việc chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện là tránh phát thải các chất ô nhiễm không khí từ hoạt động của xe động cơ đốt trong bằng cách chuyển sang sử dụng xe điện.

Việt Nam nằm trong top những quốc gia phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm không khí gia tăng nhanh chóng. Đáng chú ý, giao thông vận tải là một trong những yếu tố chính góp phần vào nguy cơ này.

Hạn chế các “trạm phát thải di động”

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới “Clean Air for Ha Noi: What Will It Take?” năm 2022, các nguồn phát thải từ hoạt động giao thông vận tải góp khoảng 25% lượng bụi mịn PM2.5 ở Hà Nội.

Bằng cách đạt được kịch bản sử dụng xe điện theo lộ trình SPS (kịch bản theo chính sách đề ra mô phỏng các lộ trình trong đó tất cả các mục tiêu và biện pháp tiếp nhận phương tiện sử dụng điện đã được nêu tại Quyết định 876/QĐ-TTg đều đạt được), đến năm 2030, Việt Nam có thể tránh được lượng phát thải oxit lưu huỳnh là 302 tấn, oxit nitơ 1.857 tấn và bụi mịn PM là 181 tấn.

Đến năm 2050, khi quá trình chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện mở rộng sang ô tô con, xe tải và xe khách đường dài, tác động này sẽ tăng lên thêm 162 lần đối với oxit lưu huỳnh (khoảng 48.842 tấn), tăng 66 lần đối với oxit nitơ (122.079 tấn) và tăng 48 lần đối với bụi mịn PM10 (8.607 tấn).

Mức độ giảm ô nhiễm không khí này giúp Việt Nam tiết kiệm được tổng cộng khoảng 30 triệu USD chi phí thiệt hại môi trường vào năm 2030 và con số này sẽ tăng lên 6,4 tỷ USD vào năm 2050, báo cáo chỉ rõ.

Thực tế, những ngày vừa qua, tình trạng ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn ở nước ta luôn nằm ở ngưỡng báo động. Thậm chí, ngày 7/10, cả Hà Nội và TPHCM đều trong top những thành phố lớn ô nhiễm nhất thế giới. Trong đó, chỉ số ô nhiễm không khí tại Hà Nội là 174 – mức ô nhiễm nhất thế giới; chỉ số này tại TP.HCM là 147 – đứng thứ 7 thế giới, chất lượng không khí không tốt cho các nhóm người nhạy cảm.

Các chuyên gia nhận định, Hà Nội cũng như rất nhiều thành phố của Việt Nam đang bị ô nhiễm trầm trọng. Một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí chính đến từ phương tiện giao thông cá nhân.

Theo đó, nếu mỗi chiếc xe ô tô, xe máy chạy bằng nhiên liệu hoá thạch lưu thông trên đường được ví như một trạm phát thải di động, thì Việt Nam đang có gần 80,6 triệu trạm phát thải như vậy (theo số xe đã đăng ký tính đến cuối năm 2023). Trong đó, có hơn 6,3 triệu ô tô và 74,3 triệu xe máy.

Thế nên, việc chuyển đổi hoặc thậm chí “đóng cửa” các nguồn phát thải này là cần thiết và cấp bách. Cùng với đó, đưa ra lộ trình chuyển đổi sang xe điện sử dụng năng lượng xanh để giảm phát thải khí nhà kính.

Điều này không chỉ phù hợp với xu hướng toàn cầu mà còn là một nhiệm vụ quan trọng nếu Việt Nam muốn đạt mục tiêu đưa phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 như Chính phủ đã cam kết.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật