Mùa báo cáo tài chính (BCTC) là giai đoạn cao điểm mỗi quý, khi các doanh nghiệp niêm yết công bố kết quả kinh doanh. Đây cũng là thời điểm thị trường chứng khoán thường xuyên biến động mạnh, phản ánh kỳ vọng và tâm lý của nhà đầu tư. Để đưa ra quyết định chính xác và tránh rơi vào “bẫy” của những biến động ngắn hạn, nhà đầu tư cần lưu ý một số điều sau:
Tránh mua đuổi khi cổ phiếu đã tăng trước báo cáo
Trong mùa báo cáo, nhiều cổ phiếu sẽ tăng giá mạnh trước thời điểm doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh do nhà đầu tư kỳ vọng vào lợi nhuận tăng trưởng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây là giai đoạn dễ xảy ra hiện tượng “mua tin đồn, bán tin thật” – khi kết quả ra mắt không vượt kỳ vọng, giá cổ phiếu lập tức sẽ quay đầu điều chỉnh.
Việc chạy theo làn sóng này khiến nhà đầu tư dễ “đu đỉnh”, nhất là khi thông tin tốt đã phản ánh hết vào giá trước đó. Thay vì FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội) và nhảy vội lên “chuyến tàu uptrend”, nhà đầu tư nên xem xét kỹ mức tăng giá của cổ phiếu có còn dư địa hay không, tức là liệu thông tin tích cực đã được phản ánh hết vào giá chưa, từ đó đưa ra chiến lược phù hợp: giữ, bán hoặc tạm thời đứng ngoài quan sát.
Không phải cổ phiếu nào cũng tăng
Trong mỗi mùa công bố báo cáo tài chính, chỉ một phần nhỏ cổ phiếu trên thị trường có xu hướng tăng giá rõ nét – thường là những doanh nghiệp đầu ngành, có nền tảng tài chính vững và tăng trưởng ổn định nhiều quý liên tiếp. Phần lớn còn lại diễn biến phân hóa, tức là cổ phiếu tăng giảm không đồng đều, tùy thuộc vào chất lượng báo cáo và kỳ vọng của nhà đầu tư.
Các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư nên ưu tiên những nhóm ngành có chu kỳ lợi nhuận tích cực trong giai đoạn hiện tại, chẳng hạn như ngân hàng, bán lẻ, thép hoặc chứng khoán. Ngoài ra, việc theo dõi lịch công bố báo cáo tài chính cũng rất quan trọng để kịp thời nắm bắt cơ hội. Trong trường hợp cổ phiếu tăng giá sau khi có báo cáo, đi kèm thanh khoản cao và vượt qua các vùng kháng cự kỹ thuật, đó có thể là dấu hiệu cho thấy dòng tiền lớn đang tham gia thị trường.
Đọc kỹ báo cáo
Một doanh nghiệp báo lãi tăng trưởng nhưng vẫn có thể bị bán tháo nếu kết quả không vượt kỳ vọng thị trường. Theo các chuyên gia, nhà đầu tư cần hiểu rằng thị trường không định giá cổ phiếu theo kết quả hiện tại mà dựa trên kỳ vọng tương lai và khoảng cách giữa thực tế và kỳ vọng mới là yếu tố quyết định xu hướng giá.
Để tránh “sốc” khi cổ phiếu giảm sau một báo cáo tưởng như tích cực, nhà đầu tư nên đối chiếu kết quả kinh doanh với dự báo trước đó, đồng thời phân tích sâu các chỉ số như biên lợi nhuận, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và chất lượng thu nhập thay vì chỉ nhìn mỗi con số tăng trưởng sau thuế. Nhiều trường hợp doanh nghiệp báo lãi tăng nhưng cổ phiếu vẫn giảm vì không đạt kỳ vọng.
- DNSE tổng hợp và phân tích báo cáo tài chính ngay trên trang web và app Entrade X by DNSE. Ảnh: Minh Ngọc
Ngoài ra, để có một cái nhìn toàn diện về tình hình tài chính doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng cần xem xét các khoản mục chính trên bảng cân đối kế toán như hàng tồn kho, khoản phải thu hay nợ vay, vốn chủ sở hữu, các giao dịch nội bộ… Nếu xuất hiện biến động bất thường ở các khoản mục này, nhà đầu tư cần cảnh giác và tìm hiểu nguyên nhân trước khi đưa ra quyết định.
Giao dịch có chiến lược
Nhiều nhà đầu tư cá nhân – đặc biệt là F0 – thường hành động theo tin đồn, cảm xúc hoặc hội chứng FOMO khi thấy cổ phiếu “nóng”, dẫn đến việc bị cuốn vào nhịp điều chỉnh.
Theo các chuyên gia tư vấn đầu tư, để giao dịch hiệu quả trong mùa báo cáo, mỗi người cần có chiến lược rõ ràng: điểm mua, điểm bán, và điểm cắt lỗ. Đặc biệt, nhà đầu tư cần hạn chế dùng margin khi chưa xác định rõ xu hướng. Phân tích kỹ thuật có thể hỗ trợ xác định thời điểm vào lệnh hợp lý, nhưng yếu tố cơ bản vẫn là nền tảng chính.
Với nhà đầu tư trung dài hạn nên ưu tiên các doanh nghiệp có mô hình kinh doanh ổn định, ít bị tác động bởi biến động ngắn hạn hay tính mùa vụ.
Theo dõi sát các yếu tố vĩ mô
Báo cáo tài chính chỉ phản ánh một phần sức khỏe tài chính của doanh nghiệp, trong khi thị trường chứng khoán lại chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố vĩ mô như chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá, diễn biến địa chính trị và dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài. Theo các chuyên gia, đôi khi một doanh nghiệp báo lãi nhưng giá cổ phiếu vẫn giảm do tâm lý phòng thủ lan rộng hoặc lo ngại về rủi ro hệ thống. Việc theo dõi thêm các yếu tố vĩ mô vì thế sẽ giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định đúng đắn hơn.
Nhà đầu tư nên cập nhật tin tức vĩ mô thường xuyên từ các kênh báo chí, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức phân tích độc lập để hiểu rõ bối cảnh kinh tế. Đặt kết quả của từng doanh nghiệp vào tổng thể thị trường sẽ giúp nhận diện đúng cơ hội và hạn chế rủi ro.
- DNSE tổng hợp và phân tích báo cáo tài chính ngay trên trang web và app Entrade X by DNSE. Ảnh: Minh Ngọc
- Bảng điện tử ngày 3/4 ngập sắc xanh của giá sàn. Ảnh: Tất Đạt
Mùa báo cáo tài chính quý I/2025 diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam biến động mạnh, với nhiều phiên giao dịch “chao đảo”, chưa từng có trong lịch sử. VN-Index sau khi vượt mốc 1.300 điểm vào cuối tháng 3 đã quay đầu giảm mạnh, lùi về quanh ngưỡng 1.200 điểm. Nguyên nhân chủ yếu đến từ tâm lý lo ngại sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố kế hoạch áp thuế đối ứng ở mức cao với nhiều đối tác thương mại, trong đó Việt Nam bị đề xuất mức thuế lên tới 46%.
Theo giới phân tích, dù thị trường đang đối mặt nhiều thách thức, cơ hội vẫn hiện hữu trong những ngành có nền tảng vững chắc và triển vọng tăng trưởng dài hạn. Tuy nhiên, sự phân hóa sẽ tiếp tục là xu hướng chủ đạo, buộc nhà đầu tư phải duy trì kỷ luật, tỉnh táo trước biến động và linh hoạt điều chỉnh chiến lược khi cần thiết.
Mùa báo cáo tài chính giống như một bài kiểm tra sức bền cho cả doanh nghiệp và nhà đầu tư. Việc nhìn đúng bản chất các con số, tiết chế kỳ vọng và tuân thủ chiến lược giao dịch sẽ giúp nhà đầu tư tránh được những cú trượt giá không đáng có, đồng thời tận dụng tốt các cơ hội đang dần lộ diện trong bối cảnh thị trường phân hóa mạnh.
Minh Ngọc