Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới hôm 12/6, kinh tế toàn cầu dự báo tăng trưởng 2,6% năm nay, nhỉnh hơn kỳ vọng cũ là 2,4%. Tuy nhiên, WB cảnh báo tăng trưởng không đồng đều và chưa đạt tốc độ như tiền đại dịch.
“Sau 4 năm chìm trong đại dịch, xung đột, lạm phát và thắt chặt tiền tệ, có vẻ tăng trưởng kinh tế đã ổn định. Tuy nhiên, GDP vẫn ở mức thấp hơn so với trước 2020. Triển vọng của các nền kinh tế nghèo nhất thế giới vẫn đáng lo”, Indermit Gill – kinh tế trưởng của World Bank nhận định trong báo cáo.
WB cho rằng hiện tại, kinh tế toàn cầu đối mặt với 3 rủi ro lớn. Đó là, lãi suất cao, xung đột quân sự và biến động chính trị.
Lãi suất cao
WB dự báo lạm phát toàn cầu sẽ chậm lại, về 3,5% năm nay và 2,9% vào 2025. Tuy nhiên, mức giảm này chậm hơn nhiều so với kỳ vọng cách đây 6 tháng. Lãi suất toàn cầu ở mức trung bình 4% trong năm 2025 và 2026, gần gấp đôi hai thập kỷ trước.
Vài tuần gần đây, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Canada đã hạ lãi suất tham chiếu. Tuy nhiên, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chưa hành động. Họ đã giữ nguyên lãi trong 7 kỳ họp liên tiếp từ giữa năm ngoái.
Fed cũng hạ dự báo về số lần giảm lãi suất năm nay, từ 3 xuống 1. Chủ tịch Fed Jerome Powell thừa nhận cuộc chiến chống lạm phát có tiến triển, nhưng họ cần ghi nhận con số này về sát 2% hơn nữa để nới lỏng chính sách tiền tệ.
“Môi trường lãi suất cao trong thời gian dài đồng nghĩa điều kiện tài chính toàn cầu bị thắt chặt và tăng trưởng tại các nước đang phát triển sẽ chậm hơn nhiều”, Ayhan Kose – nhà kinh tế học tại WB giải thích.
Căng thẳng địa chính trị
WB cho rằng rủi ro lan truyền từ chiến sự Nga – Ukraine và Israel – Hamas có thể kìm hãm tăng trưởng toàn cầu, khi kéo giá dầu và chi phí vận chuyển lên cao.
Giá nhiên liệu gần đây đã hạ nhiệt so với mức đỉnh xác lập khi hai cuộc xung đột mới diễn ra. Dầu thô Brent hiện quanh 82 USD một thùng. Dù vậy, các cuộc tấn công tàu hàng trên Biển Đỏ – một trong các tuyến thương mại quan trọng nhất thế giới – vẫn tiếp diễn. Việc này kéo chi phí lên cao và gây chậm trễ trong vận chuyển hàng hóa.
“Xung đột leo thang có thể còn kéo tụt niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng, làm dấy lên tâm lý ngại rủi ro, từ đó gây sức ép lên nhu cầu và tăng trưởng”, báo cáo cho biết.
Biến động chính trị
Năm nay, thế giới diễn ra nhiều cuộc bầu cử đáng chú ý, như tại Ấn Độ, Mexico, Mỹ, Pháp, Anh. Việc thay đổi lãnh đạo có thể kéo theo biến động về chính sách ngoại giao, kinh tế.
Hiện, các nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn chìm trong căng thẳng thương mại. Mỹ tháng trước tăng thuế nhập khẩu với 18 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, trong đó có xe điện. Trung Quốc ngay sau đó cảnh báo rào cản thương mại này sẽ khiến quan hệ hai bên càng xuống cấp.
Liên minh châu Âu (EU) hôm 12/6 cũng thông báo áp thuế 17-38% với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc. Mức thuế chung trước đó là 10%. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lin Jian cho biết cuộc điều tra của EU là một “trường hợp điển hình của chủ nghĩa bảo hộ”. Ông khẳng định Bắc Kinh sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để “bảo vệ vững chắc” quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
“Căng thẳng thương mại lên cao và khả năng các nước tăng chính sách hướng nội có thể gây sức ép lên hoạt động thương mại và kinh tế toàn cầu”, báo cáo của WB kết luận.
Hà Thu (theo CNN, Reuters)