Thị trường chứng khoán phiên 11/7 chứng kiến đà tăng giá đầy ấn tượng của bộ đôi cổ phiếu đường sắt là HRT của CTCP Vận tải Đường sắt Hà Nội và SRT của CTCP Đường sắt Sài Gòn. Cụ thể, HRT tăng kịch trần “trắng bên bán” tiến lên mức giá 14.900 đồng/cp (+14,62%). Thị giá cổ phiếu này đã tăng gần 37% chỉ sau 1 tuần, qua đó thiết lập mức đỉnh lịch sử.
Tương tự, cổ phiếu SRT cũng “tưng bừng” không kém khi tăng hết biên độ để leo lên mức giá 14.900 đồng/cp (+14,62%). Đây cũng là mức thị giá cao nhất mà doanh nghiệp này đạt được kể từ khi lên sàn giao dịch. Tính từ ngày 3/7 nay, SRT đã bật tăng tới gần 45% về thị giá.
Được biết, hai công ty nói trên đều là công ty con của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR). Trong đó, VNR đang sở hữu 91% vốn của HRT và 78% vốn của SRT.
Đà “thăng hoa” gần đây của 2 cổ phiếu đầu ngành đường sắt diễn ra sau chuyến công tác tại Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào cuối tháng 6 vừa qua. Theo đó, chiều 24/6, tại thành phố Đại Liên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi gặp gỡ và làm việc với ông Tôn Vinh Khôn, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu máy và toa xe lửa Đại Liên (CRRC).
Tại buổi làm việc nói trên, Thủ tướng mong muốn Việt Nam và Trung Quốc có thể đẩy mạnh hơn nữa hợp tác, kết nối hai nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực đường sắt – đây cũng là lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu quan trọng và cấp bách trong giai đoạn hiện nay.
Được biết, CRRC có lịch sử phát triển lâu đời, thuộc Tập đoàn Toa xe Trung Quốc, là doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn trọng điểm duy nhất của Trung Quốc độc lập phát triển và sản xuất đầu máy đường sắt (bao gồm đầu máy diesel, đầu máy điện), phương tiện đường sắt đô thị, tàu tốc hành và đầu máy năng lượng mới, có nhiều công nghệ hàng đầu thế giới trong lĩnh vực đường sắt.
Về phần mình, lãnh đạo CRRC khẳng định Công ty có nhiều ưu thế, năng lực nổi bật và công nghệ hàng đầu thế giới trong lĩnh vực đường sắt; bày tỏ mong muốn tham gia cụ thể hóa các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, dưới chỉ đạo của Chính phủ hai nước.
CRRC rất coi trọng và sẵn sàng tham gia xây dựng các tuyến đường sắt kết nối giữa hai nước, cũng như các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM; sẵn sàng cung cấp các giải pháp tổng thể, công nghệ cao, thúc đẩy nội địa hóa, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ đào tạo nhân lực như đề nghị của Thủ tướng để góp phần giúp Việt Nam phát triển ngành công nghiệp đường sắt, cũng như phát triển các lĩnh vực như giao thông năng lượng mới, góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước.
Với năng lực và ưu thế của CRRC, Thủ tướng đề nghị công ty nghiên cứu hợp tác với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) và các doanh nghiệp Việt Nam về sản xuất, chuyển giao công nghệ chế tạo đầu máy, toa xe, đào tạo nhân lực, hỗ trợ về nguồn vốn. Đồng thời, tham gia xây dựng các dự án đường sắt chất lượng, hiệu quả, góp phần phát triển công nghiệp đường sắt tại Việt Nam; đồng thời hoan nghênh CRRC tham gia các dự án, lĩnh vực khác như năng lượng mới.
Kết quả kinh doanh hồi phục trở lại
Nhờ cải thiện chất lượng dịch vụ cũng như tạo ra các sản phẩm mới, kết quả kinh doanh của ngành đường sắt nói chung và các doanh nghiệp nói riêng phần nào có sự thay đổi theo hướng tích cực.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết doanh thu toàn tổng công ty đạt hơn 4.500 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng 10,1% so với cùng kỳ. Riêng Công ty mẹ doanh thu đạt gần 3.000 tỷ đồng, tăng trưởng 11,2%.
Sản lượng vận tải hành khách 6 tháng tăng 20,6% so với cùng kỳ. Tính riêng dịp tết Nguyên đán, ngành đường sắt đã bán được hơn 650 nghìn vé tàu, doanh thu đạt 400,7 tỷ đồng, bằng 107,5% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, kết quả kinh doanh các doanh nghiệp trong ngành đường sắt cũng chứng kiến những con số dần tăng trưởng trở lại. Điển hình trong năm 2023, cả Đường sắt Hà Nội và Đường sắt Sài Gòn đều báo lãi tăng mạnh, lần lượt đạt 14 tỷ và 11 tỷ đồng.