Sau thời gian dài giao dịch trầm lắng, cổ phiếu MVN của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – CTCP (VIMC) bất ngờ tăng dựng đứng. Phiên 11/11, cổ phiếu vận tải biển này tiếp đà tăng kịch trần lên 43.200 đồng/cp, cao nhất trong vòng gần 4 tháng. Sau chưa đầy 1 tuần, cổ phiếu MVN đã tăng tốc gần 40% giá trị, vốn hóa thị trường tương ứng có thêm gần 15.000 tỷ đồng, đạt mức 51.865 tỷ đồng (~hơn 2 tỷ USD).
Trước đó vào cuối tháng 6/2024, cổ phiếu MVN cũng gây chú ý khi “tăng như trên lửa” hơn 300% chỉ sau một tháng để leo lên mức đỉnh lịch sử 72.000 đồng/cổ phiếu (phiên 21/6). Tuy nhiên, chưa neo trên đỉnh được bao lâu MVN liên tục giảm sâu, thị giá “bốc hơi” gần 55% từ đỉnh trong một tháng sau đó.
Đà tăng bốc của cổ phiếu “ông lớn” ngành hàng hải diễn ra sau khi doanh nghiệp ký kết loạt thỏa thuận hợp tác với loạt đối tác quan trọng.
Mới đây, tại tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc diễn ra tại thành phố Trùng Khánh vào ngày 8/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chứng kiến thỏa thuận khung hợp tác chiến lược của 7 doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực, trong đó có MOU giữa Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam và Công ty Sinotrans.
Diễn biến liên quan vào cuối tháng 10, tại tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam – UAE, thỏa thuận hợp tác giữa VIMC và DP World cũng đã được trao đổi, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong hợp tác quốc tế của ngành hàng hải Việt Nam.
Sự kiện hợp tác lần này giữa VIMC và DP World là một bước tiến quan trọng đối với cả hai bên. Với sự hỗ trợ từ một trong những tập đoàn cảng biển và logistics hàng đầu thế giới, VIMC sẽ có thêm nguồn lực và chuyên môn để phát triển các dự án cảng biển và logistics, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của các cảng nội địa, đặc biệt là Cảng Cần Thơ – nơi được kỳ vọng sẽ trở thành một trung tâm vận tải thủy nội địa quan trọng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu long.
VIMC (tên cũ là Vinalines) được thành lập năm 1995 theo Quyết định số 250/TTg của Thủ tướng Chính phủ với sứ mệnh là doanh nghiệp nòng cốt, chủ lực của ngành hàng hải Việt Nam. Công ty định hướng phát triển kinh doanh 3 lĩnh vực gồm vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải. Trong đó, lĩnh vực cảng biển đặc biệt là vận tải container đóng vai trò cốt lõi.
VIMC là đơn vị sở hữu đội tàu lớn nhất cả nước và đóng vai trò vận tải quan trọng của nền kinh tế. Đội tàu của Vinalines hiện đang chiếm tới 25% tổng dung tích đội tàu trong cả nước, trong đó có những loại tàu hàng rời cỡ lớn đến 73.000 DWT, hàng năm chuyên chở 60% hàng hóa xuất và nhập khẩu vào Việt Nam, góp phần vào việc mở rộng giao thương của Việt nam tới rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.
Công ty hiện có 34 doanh nghiệp thành viên, trong đó sở hữu cổ phần của 16 doanh nghiệp cảng biển, quản lý khai thác hơn 13.000 m cầu bến (chiếm khoảng 30% tổng số m cầu bến quốc gia). Một số cảng trọng điểm của cả nước có thể kể đến như cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn, cảng Đà Nẵng và cảng Quy Nhơn.
Năm 2024, VIMC ước tính sản lượng vận tải biển giảm 24% xuống 15,9 triệu tấn, song sản lượng hàng thông qua cảng dự kiến tăng 8% lên 123,6 triệu tấn. Doanh thu hợp nhất dự kiến giảm nhẹ 4% xuống 13.447 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 2.736 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ nhờ lợi nhuận công ty mẹ tăng từ việc đánh giá lại tài sản góp vốn thành lập VIMC Lines khoảng 452 tỷ đồng.
Trong quý 3/2024, VIMC tiếp tục báo cáo doanh thu đạt gần 4.100 tỷ đồng, cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận khác trong quý này cũng tăng mạnh, đạt 437 tỷ đồng, tăng gần 85 lần cùng kỳ, đưa lợi nhuận sau thuế quý 3 tăng 63% lên 603 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, VIMC ghi nhận tổng lợi nhuận trước thuế đạt 2.640 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.243 tỷ đồng, tăng hơn 76% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, doanh nghiệp đã hoàn thành 96% kế hoạch lãi cả năm sau 9 tháng.