Trao đổi với Báo Người Lao Động vào sáng 9/12, một lãnh đạo cơ quan nội chính của Hà Nội cho biết VKSND TP. Hà Nội đang phối hợp với Công an TP. Hà Nội mở rộng điều tra và đã tiếp tục khởi tố thêm một số bị can khác trong vụ lừa đảo tài chính liên quan đến TikToker Mr Pips (Phó Đức Nam, 30 tuổi, trú tại Bà Rịa – Vũng Tàu).
“Các bị can áp dụng lừa đảo theo mô hình của các công ty môi giới chứng khoán, khi nạn nhân bị lùa vào là không rút ra được. Số tiền các bị can lừa đảo có thể lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng. Đến nay, cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục điều tra, tìm các nạn nhân để đi đến kết luận cuối cùng” – vị lãnh đạo nói.
Trước đó, cuối tháng 10/2024, Công an TP. Hà Nội phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ triệt phá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, xảy ra tại Hà Nội và một số tỉnh thành trên cả nước. Lực lượng chức năng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phó Đức Nam; Lê Khắc Ngọ (sinh năm 1990, trú tại TP. Hà Nội) và 24 bị can khác về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Không tố giác tội phạm” và “Rửa tiền” theo quy định tại Điều 174, Điều 390 và Điều 324 Bộ luật Hình sự.
Mr Pips xây dựng kênh TikTok hàng trăm nghìn lượt theo dõi, chủ đề về tài chính kèm các nội dung khoe cuộc sống xa hoa |
Kết luận ban đầu cho thấy, Phó Đức Nam cấu kết với Lê Khắc Ngọ lập đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo mô hình của các công ty môi giới chứng khoán, núp danh nghĩa công ty, trang mạng hoạt động trong lĩnh vực telemarketing (tiếp thị qua điện thoại), tư vấn đầu tư tài chính, môi giới chứng khoán với nhiều mã cổ phiếu quốc tế như Facebook, Apple… Nam cùng đồng phạm đã dụ dỗ khách hàng vào những nhóm chat riêng rồi mời tham gia các sàn, tư vấn đánh lệnh lớn, sử dụng đòn bẩy tiền vay để bị hại nhanh chóng cháy tài khoản, nhằm tiếp tục chiếm đoạt tài sản của bị hại.
Tiến hành khám xét khẩn cấp chỗ ở và nơi làm việc của các đối tượng, Cơ quan điều tra đã thu giữ, phong tỏa tài sản của các đối tượng với tổng trị giá hơn 5.000 tỷ đồng, gồm: 127 tỷ đồng tiền mặt, các sổ tiết kiệm khoảng 306 tỷ đồng, 216kg vàng, 128 bất động sản, 30 xe ô tô các loại, phong tỏa 9 tỷ đồng trái phiếu và nhiều tài sản có giá trị khác.
Số phận của 5.000 tỷ đồng và khung hình phạt dành cho Mr Pips
Trao đổi với Báo Sức khỏe và Đời sống, luật sư Nguyễn Văn Nam – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội nhận định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Các đối tượng thực hiện nhiều hành vi phạm tội, xâm phạm nhiều quan hệ (khách thể) được pháp luật bảo vệ. Giữa các đối tượng có sự bàn bạc, câu kết chặt chẽ, phân công nhiệm vụ chi tiết để chiếm đoạt tài sản của nhiều người trong thời gian dài, trên phạm vi không gian mạng có tính quốc tế. Hành vi phạm tội đe dọa sự an toàn, an ninh trên không gian mạng, lĩnh vực đầu tư tài chính và chiếm đoạt tài sản của nhiều người với số tiền đặc biệt lớn.
Trường hợp bị khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử về các tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Không tố giác tội phạm” và “Rửa tiền” theo quy định tại các điều 174, 324, 390 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung), căn cứ điểm c khoản 1 Điều 55 Bộ luật Hình sự, đối tượng Phó Đức Nam có thể đối diện với khung hình phạt cao nhất là chung thân, tức là hình phạt tù đến khi hết đời.
Số tài sản trị giá hơn 5.000 tỷ đồng đã được thu giữ để điều tra xác minh |
Luật sư Nam cho biết, theo quy định tại Điều 89 Bộ luật Tố tụng Hình sự, những tài sản nêu trên được xác định là vật chứng trong vụ án. Căn cứ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 90 Bộ luật Tố tụng Hình sự, những tài sản này phải được niêm phong để đảm bảo quá trình giải quyết vụ án.
Trong quá trình giải quyết vụ án, căn cứ quy định tại khoản 2, điểm a khoản 3 Điều 106 Bộ luật Hình sự, nếu những tài sản này không liên quan đến vụ án, không phải là tài sản do phạm tội mà có, thì người có thẩm quyền có thể xem xét trả lại cho chủ sở hữu.
Trường hợp các tài sản này có liên quan đến hành vi phạm tội, do thực hiện hành vi phạm tội mà có, thì người có thẩm quyền có thể xử lý theo hướng tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước, đảm bảo quá trình thi hành án có hiệu quả khi vụ án được giải quyết bằng bản án có hiệu lực pháp luật.
Hoặc trong quá trình điều tra, nếu xác định và tách biệt rõ được nguồn tiền chiếm đoạt của bị hại nào, thì số tài sản này sẽ được người có thẩm quyền quyết định trả lại cho bị hại số tiền tương ứng đã bị nhóm đối tượng chiếm đoạt.