spot_img
19 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánBộ Công Thương 'giáng đòn' vào thép HRC Trung Quốc: Hòa Phát...

Bộ Công Thương ‘giáng đòn’ vào thép HRC Trung Quốc: Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh hưởng lợi ra sao?

Việc áp thuế chống bán phá giá thép cuộn cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc mở ra cơ hội cho Hòa Phát, Formosa Hà Tĩnh nhưng lại gây áp lực lên các doanh nghiệp tôn mạ.

Tập đoàn Hòa Phát (HPG) và Formosa Hà Tĩnh vừa giành chiến thắng trong vụ khởi xướng điều tra chống bán phá giá thép cuộn cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ. Cụ thể, Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 460/QĐ-BCT ngày 21/2/2025 về việc áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép HRC có xuất xứ từ 2 quốc gia này.

Bộ Công Thương 'giáng đòn' vào thép HRC Trung Quốc: Hòa Phát và Formosa hưởng lợi ra sao?
Ảnh minh họa

Kết quả điều tra cho thấy lượng nhập khẩu thép HRC trong năm 2024 đạt 12,6 triệu tấn, tăng 33% so với năm 2023. Đặc biệt, sau khi Bộ Công Thương khởi xướng điều tra từ tháng 7/2024, lượng nhập khẩu thép HRC từ Trung Quốc vẫn tiếp tục gia tăng đáng kể.

Bộ Công Thương quyết định áp mức thuế chống bán phá giá tạm thời đối với thép HRC Trung Quốc từ 19,38% – 27,83%, có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ban hành Quyết định và kéo dài trong 120 ngày.

Mặc dù có hành vi bán phá giá, nhưng do tỷ lệ nhập khẩu hàng hóa bị điều tra từ Ấn Độ ở mức không đáng kể (dưới 3%), nước này được loại khỏi phạm vi áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm việc với các bên liên quan để thu thập, xác minh thông tin và tài liệu, từ đó đưa ra kết luận cuối cùng trên cơ sở đánh giá tác động toàn diện của vụ việc.

Doanh nghiệp thép: ‘Kẻ khóc, người cười’

Tập đoàn Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh là 2 doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất thép HRC hiện nay, với tổng công suất 8,6 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu nội địa đạt 13 triệu tấn/năm. Việc bù đắp lượng thép HRC thiếu hụt là cần thiết, tuy nhiên, thép HRC Trung Quốc giá rẻ hơn đáng kể đã chiếm phần lớn thị phần nội địa, gây sức ép lên 2 doanh nghiệp trong nước.

Formosa Hà Tĩnh báo lỗ 615 triệu USD trong năm 2023 do phải hạ giá để cạnh tranh. Trong khi đó, Hòa Phát tìm đường xuất khẩu trong bối cảnh nhiều nước đang thiết lập hàng rào thuế quan để bảo vệ thị trường nội địa.

Báo cáo phân tích trước đó của VNDirect Research nhận định, nếu việc áp thuế chống bán phá giá xảy ra, thời điểm đó sẽ trùng với giai đoạn dự án Hòa Phát Dung Quất 2 đi vào vận hành, giúp lấp đầy khoảng trống thiếu hụt HRC tại Việt Nam. Hiện tại, “quả đấm thép” 85.000 tỷ đồng của tỷ phú Trần Đình Long đã sẵn sàng vận hành trong quý I/2025. Dự án có công suất 5,6 triệu tấn HRC/năm.

Theo báo cáo của BSC Research, việc áp thuế thép HRC Trung Quốc sẽ giúp Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh tăng sản lượng thêm 1,5 – 3 triệu tấn/năm, tương đương mức tăng 20 – 30% so với cùng kỳ trong giai đoạn 2025 – 2026.

Tuy nhiên, động thái này có thể tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp tôn mạ như Hoa Sen, Nam Kim, Tôn Đông Á… vốn sử dụng thép HRC làm nguyên liệu đầu vào. Tập đoàn Hoa Sen từng cho biết, giá bán thép HRC của Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh cao hơn giá nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng 10 – 20 USD/tấn, có thời điểm chênh lệch lên tới 40 – 50 USD/tấn, thậm chí 90 USD/tấn.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật