Vào sáng ngày 13/11, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Trong phần trình bày ý kiến, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT), ông Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh rằng đối với đường sắt tốc độ cao, việc lựa chọn nhà thầu cần đảm bảo chất lượng cao, giá cả hợp lý và yêu cầu bắt buộc về chuyển giao công nghệ, nhằm tránh phụ thuộc vào vốn vay nước ngoài.
Về công tác quản lý và vận hành khai thác dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, ông Thắng cho biết, dự kiến khi triển khai, sẽ có hai doanh nghiệp tách ra từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để đảm nhận các nhiệm vụ riêng biệt. Một doanh nghiệp sẽ phụ trách hạ tầng, trong khi doanh nghiệp còn lại sẽ đảm nhận việc khai thác. Ông khẳng định rằng, với kinh nghiệm vận hành hiện nay, việc này không phải là trở ngại lớn. Đặc biệt, công tác đào tạo cho các nhân sự liên quan đang được chuẩn bị kỹ lưỡng với quy mô lớn nên năng lực vận hành không phải là vấn đề đáng lo ngại.
Bộ GTVT cũng đã làm việc với các cơ quan, doanh nghiệp trong nước như Tổng cục Công nghiệp (Bộ Quốc phòng), Tập đoàn Hòa Phát (HPG), Tập đoàn Thành Công…. để định hướng và hỗ trợ các doanh nghiệp chuẩn bị chiến lược, nguồn lực cần thiết cho việc triển khai và phát triển công nghiệp đường sắt.
Tập đoàn Hòa Phát đủ sức sản xuất thanh ray cho tuyến đường sắt tốc độ cao 67 tỷ USD |
Trong buổi chia sẻ với Vietnamnet, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, ông Trần Đình Long cho biết doanh nghiệp đã nghiên cứu sản phẩm thép ray trong 3 năm trở lại đây. Do đó, việc sản xuất thanh ray cho đường sắt tốc độ cao hoàn toàn trong khả năng của Tập đoàn.
Thực tế, Hòa Phát hiện đang nghiên cứu và đề xuất phương án sản xuất thanh ray cho tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam tại nhà máy luyện kim ở Khu công nghiệp Hòa Tâm, thuộc Khu kinh tế Nam Phú Yên. Đề xuất này bao gồm việc đầu tư xây dựng tuyến đường sắt dài khoảng 12km kết nối trực tiếp nhà máy với tuyến Bắc – Nam, nhằm tối ưu hóa vận chuyển hàng hóa khối lượng lớn với chi phí logistics hiệu quả.
Theo đó, nhà máy dự kiến sẽ sản xuất thanh ray có chiều dài từ 50m đến 100m và vận chuyển bằng đường sắt thay vì đường bộ. Đây là bước tiến chiến lược giúp Hòa Phát có nhiều lợi thế khi tham gia đấu thầu cung cấp thép cho dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam.
“Nếu trở thành nhà cung cấp thép cho dự án này, Hòa Phát cam kết đảm bảo cung cấp đủ khối lượng 6 triệu tấn thép các loại phục vụ dự án, đặc biệt là thép đường ray cao tốc và thép dự ứng lực cường độ cao”, ông Trần Đình Long nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Long còn cam kết tất cả chủng loại sắt thép đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, phù hợp với yêu cầu kỹ thuật của các gói thầu cũng như đảm bảo thời hạn giao hàng theo đúng tiến độ dự án. Còn về giá thép các loại phục vụ cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát đảm bảo “giá cạnh tranh, thấp hơn giá thép nhập khẩu”.
Trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam do Bộ Giao thông vận tải thực hiện, tuyến đường có chiều dài khoảng 1.541km, đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa. Dự án sẽ bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), đi qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP. HCM). Tổng vốn đầu tư 67 tỷ USD, phân bổ trong 12 năm, mỗi năm trung bình khoảng 5,6 tỷ USD.