spot_img
30 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánBoeing chồng chất khó khăn vì thuế nhập khẩu

Boeing chồng chất khó khăn vì thuế nhập khẩu

Cuộc chiến thuế là điều Boeing không hề mong muốn lúc này, vì họ vẫn đang quay cuồng với loạt sự cố suốt 6 năm qua.

Các vấn đề Boeing gặp phải vài năm gần đây vốn đã rất nghiêm trọng. Từ khủng hoảng an toàn gây tai nạn khiến nhiều dòng phi cơ bị cấm bay, nhu cầu máy bay lao dốc trong đại dịch đến cuộc đình công kéo dài 2 tháng cuối năm ngoái. Với vị thế là hãng xuất khẩu hàng đầu của Mỹ, chính sách thuế nhập khẩu của Tổng thống Donald Trump có thể là đòn giáng tiếp theo vào công ty này và cả nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Máy bay Boeing có thể đắt hơn hàng triệu USD nếu các quốc gia khác áp thuế trả đũa với hàng hóa Mỹ. Trong khi đó, các mức thuế mà Mỹ đã áp dụng có thể khiến chi phí sản xuất trong nước tăng mạnh, do Boeing phụ thuộc nhiều vào các nhà cung cấp nước ngoài.

“Cuộc chiến thuế là điều Boeing không hề mong muốn lúc này”, Ron Epstein – nhà phân tích hàng không vũ trụ tại Bank of America nhận định.

  • Một chiếc Boeing 777-9 tại Triển lãm Hàng không Quốc tế Paris năm 2023. Ảnh: Reuters

Giới quan sát đã bắt đầu lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế Mỹ. Nếu áp thuế lên máy bay và linh kiện, hoạt động sản xuất của nhiều nhà máy trong ngành hàng không vũ trụ và chuỗi cung ứng sẽ bị ảnh hưởng. Điều này sẽ càng đẩy nền kinh tế gần hơn đến bờ vực suy thoái. “Nếu muốn có một ngành sản xuất đạt xuất khẩu ròng, tại sao lại trừng phạt họ?” Epstein nói.

Ban lãnh đạo Boeing cho biết họ tin rằng chính quyền Trump sẽ xoa dịu các lo ngại liên quan đến thuế. “Chúng tôi trao đổi với quan chức mỗi ngày, từ các bộ trưởng đến Tổng thống Mỹ. Tình hình hiện nay rất biến động”, CEO Boeing Kelly Ortberg nói với nhà đầu tư ngày 23/4.

Trong các cuộc trao đổi, ông nhận thấy chính quyền Trump hiểu rõ “tầm quan trọng của ngành hàng không vũ trụ với nền kinh tế Mỹ và vai trò hãng xuất khẩu hàng đầu của Boeing”. Dù đối mặt với nhiều khó khăn, Boeing ước tính hãng đang hỗ trợ 1,6 triệu việc làm cả trực tiếp và gián tiếp, bao gồm gần 150.000 nhân viên tại Mỹ.

Dấu hiệu rắc rối đầu tiên xuất hiện cuối tuần qua, khi 2 máy bay tại nhà máy của Boeing ở Trung Quốc phải quay về Seattle, thay vì được giao cho khách hàng tại đây. Việc này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc áp thuế nhập khẩu 125% với toàn bộ hàng hóa Mỹ, để trả đũa việc bị Mỹ áp thuế 145%. Ortberg xác nhận việc 2 chiếc máy bay bị trả về và cho biết chiếc thứ ba cũng đang trên đường quay lại do ảnh hưởng từ thuế.

Việc các máy bay này quay đầu có thể chỉ là bước khởi đầu cho các rắc rối thương mại của Boeing. Trung Quốc hiện là thị trường lớn nhất và có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất cho máy bay thương mại. Theo phân tích gần đây của Boeing, các hãng hàng không Trung Quốc dự kiến mua 8.830 máy bay mới trong 20 năm tới. Con số này chiếm khoảng 10-15% nhu cầu toàn cầu, CEO AeroDynamic Advisory Richard Aboulafia cho biết.

Tuy nhiên, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang khiến Boeing mất dần thị phần vào tay các đối thủ. Khách hàng Trung Quốc từng đặt mua 122 máy bay Boeing trong năm 2017 và 2018. Nhưng năm ngoái, con số này chỉ còn 28 chiếc – phần lớn là loại chở hàng hoặc do các công ty cho thuê máy bay Trung Quốc mua. Từ năm 2019 đến nay, Boeing chưa ghi nhận đơn hàng máy bay chở khách nào từ các hãng hàng không Trung Quốc.

Ngày 23/4, Boeing công bố quý I lỗ 31 triệu USD, thấp hơn dự báo. Trong thư gửi nhân viên, Ortberg dẫn ra nhiều chỉ số cho thấy hoạt động đang dần cải thiện, nhưng cũng thừa nhận các vấn đề thương mại có thể ảnh hưởng đến kết quả thời gian tới.

Boeing hiện vẫn còn lượng đơn hàng lớn từ Trung Quốc chưa hoàn tất, với 195 máy bay, theo phân tích của Epstein. Ngoài ra, hãng còn có 678 đơn hàng từ các hãng chưa rõ danh tính. Epstein cho rằng phần lớn có thể cũng đến từ Trung Quốc.

Trên lý thuyết, ngay cả khi các đơn hàng từ Trung Quốc bị hủy, Boeing vẫn có thể tìm được khách hàng thay thế, do có lượng lớn đơn hàng kéo dài nhiều năm. Ortberg cho biết công ty dự kiến giao khoảng 50 máy bay cho Trung Quốc trong năm nay. Nếu mức thuế của Trung Quốc vẫn giữ nguyên, công ty có thể chuyển các máy bay đó sang các khách hàng khác.

“Vẫn còn rất nhiều khách hàng đang tìm mua dòng Max”, Ortberg nói.

Tuy nhiên, nếu các quốc gia khác cũng áp thuế lên máy bay Mỹ, việc tìm đầu ra cho các đơn hàng sẽ khó khăn hơn. Hiện chỉ có Trung Quốc áp thuế trả đũa với toàn bộ hàng hóa Mỹ, nhưng các nước khác có thể sẽ làm theo. Là doanh nghiệp xuất khẩu lớn, Boeing có thể trở thành nạn nhân trong cuộc chiến thương mại toàn cầu. Điều này cũng có thể gây khó khăn cho các hãng hàng không quốc tế đang cần mua máy bay.

Bên cạnh đó, việc bán và giao máy bay chỉ là một phần vấn đề. Hoạt động sản xuất cũng có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì khoảng 80% linh kiện máy bay của Boeing được làm ở nước ngoài. Thông tin này được Ortberg đưa ra trong phiên điều trần gần đây trước Quốc hội.

Ví dụ, cánh của dòng 787 Dreamliner – dòng máy bay đắt đỏ nhất của Boeing – được sản xuất tại Nhật Bản. Tấm bịt cửa của chiếc 737 Max lại đến từ một công ty ở Malaysia.

Tìm được nhà cung cấp thay thế trong nước sẽ không dễ dàng. Mỗi nhà cung cấp mới cần được Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cấp chứng nhận. Quá trình này có thể mất hơn 1 năm.

Điều này buộc Boeing tiếp tục phụ thuộc vào linh kiện nhập khẩu – đồng nghĩa phải chịu thêm tiền thuế. Khi giá một chiếc máy bay vốn đã dao động 50-100 triệu USD, việc chi phí bị đội thêm hàng triệu USD nữa là vấn đề không nhỏ.

Boeing cũng chưa ghi nhận lãi năm kể từ năm 2018. Lỗ hoạt động lũy kế hiện lên tới 51 tỷ USD.

Tình hình của các nhà cung ứng thậm chí còn tệ hơn. Spirit AeroSystems – công ty Boeing đang trong quá trình mua lại – đã cảnh báo nhà đầu tư rằng họ đang “nghi ngờ” về khả năng tiếp tục hoạt động.

Dù vậy, Ortberg tin rằng họ có thể xoay xở được với chi phí thuế phát sinh từ linh kiện nhập khẩu, một phần là nhờ cơ chế hoàn thuế nếu máy bay được xuất khẩu. Ông ước tính chi phí ròng từ thuế với linh kiện nhập khẩu sẽ dưới 500 triệu USD mỗi năm – mức mà Giám đốc tài chính Brian West đánh giá là “có thể kiểm soát được”.

Hà Thu (theo Reuters, CNN)

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật