Ảnh minh họa |
Cụ thể, Địa ốc Sài Gòn (Saigonres – SGR) ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất gần 152 tỷ đồng, tăng 53% so với năm 2023. Tuy nhiên, doanh thu tài chính giảm tới 88%, còn 12 tỷ đồng do giảm lãi hợp tác đầu tư, cho vay và lãi chậm thanh toán.
Áp lực chi phí hoạt động tăng tiếp tục đè nặng dẫn đến việc công ty lỗ thuần 4,1 tỷ đồng hoạt động kinh doanh, riêng quý IV lỗ 13,4 tỷ.
Tuy nhiên, nhờ khoản lợi nhuận khác đột biến gần 112 tỷ đồng, gấp 2,4 lần YoY (bao gồm 97 tỷ đồng phát sinh trong quý IV), Saigonres đã thoát lỗ ngoạn mục, kết thúc năm với khoản lãi sau thuế 108 tỷ đồng; lãi ròng gần 83 tỷ. Dù vậy, kết quả này cũng cách khá xa mục tiêu đã đề ra.
Tại thời điểm 31/12/2024, tổng tài sản của Saigonres đạt gần 2.300 tỷ đồng trong đó, lượng tiền nắm giữ ngắn hạn cải thiện lên mức 59 tỷ; gần 1.900 tỷ khác được ghi nhận trong danh mục các khoản phải thu và hàng tồn kho (chiếm tỷ trọng 81,7%).
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả tăng 14% so với đầu năm lên gần 1.300 tỷ đồng. Dòng tiền tiếp tục âm dù đã giảm mạnh còn mức âm 16 tỷ đồng
Trong năm, SGR đã phát sinh khoản vay với BIDV – Chi nhánh Trường Sơn, với mục đích bổ sung vốn lưu động, số dư cuối năm đạt 97 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo bao gồm các hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai thuộc sở hữu của CTCP Đầu tư và Phát triển Nhơn Trạch (công ty con của SGR), cùng với tài sản cá nhân của ông Phạm Đình Thành – thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc.
Dù vẫn duy trì lợi nhuận trong năm 2024, nhưng việc phụ thuộc vào lợi nhuận khác thay vì hoạt động kinh doanh chính đặt ra dấu hỏi lớn về triển vọng của Saigonres. Khi doanh thu tài chính lao dốc và áp lực chi phí ngày càng gia tăng, công ty sẽ cần có chiến lược bứt phá thực sự để duy trì tăng trưởng trong năm 2025.