spot_img
25.5 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánCEO ACBS nêu 3 giải pháp giúp TTCK bứt phá, trở thành...

CEO ACBS nêu 3 giải pháp giúp TTCK bứt phá, trở thành bệ đỡ vốn cho nền kinh tế

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ cả về quy mô lẫn số lượng nhà đầu tư. Tuy nhiên, để thực sự trở thành bệ đỡ vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, CEO Chứng khoán ACBS chỉ ra 3 điểm nghẽn cần tháo gỡ.

Vốn hóa đạt 8,2 triệu tỷ đồng, nhưng vẫn ‘khát’ cổ phần hóa

Chia sẻ trong Talk show Phố Tài chính phát sóng trên VTV8, mới đây, ông Nguyễn Đức Hoàn – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS), nhìn nhận hành trình 25 năm của TTCK Việt Nam là một quá trình chuyển mình đầy ấn tượng. Từ con số vốn hóa chưa đến 300.000 tỷ đồng năm 2007, đến cuối tháng 5/2025, tổng vốn hóa ba sàn đã đạt 8,2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 68% GDP.

“TTCK là kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn thị trường bùng nổ. Giai đoạn 2015–2020, quy mô huy động vốn qua sàn chỉ khoảng 2.000 tỷ đồng/năm. Nhưng tới năm 2021–2022, bình quân mỗi năm huy động được 20.000–30.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy tầm quan trọng của thị trường trong việc cung ứng nguồn lực tài chính cho nền kinh tế,” CEO Chứng khoán ACBS phân tích.

Tuy nhiên, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước – vốn được kỳ vọng là nguồn cung chất lượng cho thị trường lại đang chậm đáng lo ngại.

“Giai đoạn 2016–2020 có 180 doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa, quy mô vốn hóa gần 500.000 tỷ đồng. Nhưng sang giai đoạn 2021–2022, chỉ còn 5 doanh nghiệp, với quy mô rất thấp khoảng 600 tỷ đồng”, ông Hoàn dẫn chứng.

Đáng chú ý, đến hết quý II/2025, dù kế hoạch là cổ phần hóa 30 doanh nghiệp, vẫn chưa có thương vụ nào được thực hiện.

CEO ACBS nêu 3 giải pháp giúp TTCK bứt phá, trở thành bệ đỡ vốn cho nền kinh tế
Việt Nam đặt mục tiêu nâng hạng TTCK lên nhóm thị trường mới nổi theo MSCI và FTSE trong 1–2 năm tới.

>>> TS. Cấn Văn Lực: Muốn tăng trưởng 9-10%, đầu tư toàn xã hội không nhất thiết phải bằng 40% GDP

Ba giải pháp trọng tâm để TTCK Việt bứt phá

Để TTCK Việt Nam bứt phá, vững vàng và đóng góp thực chất hơn cho nền kinh tế, ông Nguyễn Đức Hoàn đưa ra 3 nhóm giải pháp trọng tâm:

Thứ nhất, nâng chuẩn minh bạch và hiệu quả vận hành. Đây được xem là nền tảng sống còn để tạo dựng lòng tin. Theo ông Hoàn, cần tăng cường công bố thông tin theo chuẩn quốc tế (như IFRS), thúc đẩy công bố bằng tiếng Anh, rút ngắn thời gian công bố báo cáo tài chính, và đặc biệt là giám sát chặt hành vi thao túng thị trường.

“Minh bạch không chỉ phục vụ nhà đầu tư trong nước mà còn là điều kiện tiên quyết để thu hút dòng vốn tổ chức nước ngoài, đặc biệt trong quá trình nâng hạng thị trường,” ông nhấn mạnh.

Song song đó, ông đề xuất đa dạng hóa sản phẩm tài chính như phát triển trái phiếu doanh nghiệp niêm yết, chứng quyền có bảo đảm, các sản phẩm liên kết chỉ số (index-linked)… nhằm phục vụ nhu cầu quản lý danh mục và phòng ngừa rủi ro.

Thứ hai, mở rộng quy mô và độ sâu của thị trường. “Chất lượng đi cùng với quy mô” – đó là thông điệp xuyên suốt từ CEO Chứng khoán ACBS. Theo ông, cần đẩy mạnh cổ phần hóa và niêm yết thực chất các doanh nghiệp nhà nước, đồng thời thu hút thêm các doanh nghiệp tư nhân lớn, minh bạch và có tiềm lực tài chính lên sàn.

Bên cạnh đó, thị trường cần gia tăng năng lực của các trung gian tài chính, cụ thể là phát triển công ty chứng khoán theo mô hình ngân hàng đầu tư, nâng cao năng lực tư vấn, bảo lãnh phát hành và phân phối sản phẩm. Quan trọng không kém là việc thu hút các dòng vốn dài hạn như quỹ hưu trí, bảo hiểm, quỹ đầu tư tổ chức, giảm bớt sự lệ thuộc vào dòng vốn ngắn hạn và đầu cơ.

Thứ ba, hội nhập sâu với thị trường tài chính quốc tế. Đây là giải pháp mang tính chiến lược trong bối cảnh Việt Nam hướng tới nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi theo MSCI và FTSE trong vòng 1–2 năm tới. Muốn vậy, ông Hoàn nhấn mạnh cần tháo gỡ các rào cản như cơ chế prefunding và giới hạn room ngoại, đồng thời hoàn thiện hạ tầng pháp lý và công nghệ.

Một điểm đáng chú ý khác là thúc đẩy tích hợp công nghệ tài chính (fintech): Đầu tư vào mô hình giao dịch trực tuyến, robo-advisory, tài sản số hóa (tokenized securities)… để tiếp cận nhà đầu tư thế hệ mới.

Bên cạnh đó là khát vọng phát triển các trung tâm tài chính khu vực tại TP.HCM, gắn kết trực tiếp với các sàn lớn trong khu vực như Singapore và Hồng Kông.

Với gần 1.600 mã cổ phiếu đang niêm yết và giao dịch tập trung, hơn 10,2 triệu tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước (tương đương 10% dân số), cùng với sự cải thiện dần của thị trường sau giai đoạn trầm lắng, ông Hoàn tin rằng TTCK Việt Nam còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng quy mô vốn hóa, đa dạng sản phẩm và nâng tầm hội nhập.

Tuy nhiên, để điều đó thành hiện thực, CEO Chứng khoán ACBS nhấn mạnh: “Cần sự phối hợp chặt chẽ từ các cơ quan quản lý, sự quyết liệt trong cải cách thể chế, cũng như tầm nhìn dài hạn từ chính các doanh nghiệp và tổ chức tài chính trung gian”.

>>>Phó Tổng Thư ký VCCI chỉ ra mô hình Quảng Ninh nên được nhân rộng: Cán bộ muốn lên chức, phải ra Trung tâm Hành chính công phục vụ DN trước

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật