spot_img
30 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánChiến lược bơm tiền gom bất động sản của Chanel

Chiến lược bơm tiền gom bất động sản của Chanel

Đối diện doanh thu giảm 4,3% vào 2024, Chanel kiên trì chiến lược thâu tóm bất động sản và định mở thêm 48 cửa hàng mới năm nay.

Trung tuần tháng 5, Chanel công bố kết quả kinh doanh năm 2024 giảm 4,3% so với 2023, còn 17,9 tỷ euro. Diễn biến này trái ngược kết quả tăng trưởng lần lượt 17% và 16% vào 2022 và 2023. “Sau thời kỳ tăng trưởng theo cấp số nhân, chúng tôi đã chứng kiến các điều kiện kinh tế vĩ mô đầy thách thức vào năm 2024”, Tổng giám đốc điều hành Chanel Leena Nair nói với Le Monde.

Thuộc sở hữu của anh em tỷ phú Pháp Alain Wertheimer và Gerard Wertheimer, Chanel chứng kiến bước đi lùi lớn hơn so với các thương hiệu thời trang và đồ da của LVMH, với doanh số trung bình giảm 1% năm ngoái. Phong độ của họ cũng kém xa Hermès, thương hiệu tăng trưởng 15% năm 2024, doanh số 15,1 tỷ euro.

Là thương hiệu xa xỉ lớn thứ hai thế giới sau Louis Vuitton – doanh số ước tính gần 24 tỷ euro năm 2024 – Chanel bị ảnh hưởng bởi sự chậm lại ở hai động lực chính của thị trường xa xỉ toàn cầu là Trung Quốc – nơi chi tiêu của người tiêu dùng đã chững lại kể từ đầu năm 2024 và Mỹ. Doanh số của Chanel giảm 7,1% ở châu Á – Thái Bình Dương và giảm 4,2% ở châu Mỹ, trong khi tăng 0,6% tại châu Âu.

  • Cửa hàng thời trang xa xỉ Chanel trên Đại lộ số 5 ở Thành phố New York, Mỹ ngày 23/5. Ảnh: Reuters

Thoạt nhìn, nguyên nhân khiến tình hình kinh doanh của Chanel kém sáng sủa là do chiến lược giá quá “hung hăng”, theo cách gọi của Le Monde. Giá túi xách của hãng tăng vọt vào năm 2022 và 2023, với lý do chi phí nguyên liệu thô tăng cao.

Sau khi giá túi tăng 7% hồi 2023 và 3% năm ngoái, Chanel tuyên bố sẽ còn tăng giá năm nay để theo kịp lạm phát. Đến nay, mẫu chiếc túi da cừu chần bông cổ điển 11.12 được bán giá 10.300 euro so với mức 4.800 euro hồi 2019.

Giám đốc tài chính Blondiaux nói thêm rằng giá vàng leo thang cũng có thể dẫn đến giá đồ trang sức của hãng tăng lên. Vì vậy, giá leo thang liên tục có khả năng khiến Chanel mất một phần doanh số bán đồ da, đặc biệt là đối với những khách hàng có sức mua thấp hơn so với nhóm khách hàng lâu năm.

Thực tế, sức mua giảm đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của Chanel. Biên lợi nhuận hoạt động năm ngoái là 24% so với 32,49% của 2023. Lợi nhuận hoạt động giảm 30%, xuống còn 4,3 tỷ euro vào cuối năm 2024.

Tuy nhiên, nhà mốt xa xỉ và nước hoa này cho rằng sự sụt giảm chủ yếu là do tăng cường đầu tư.”Năm ngoái là giai đoạn đầu tư kỷ lục khi chúng tôi ưu tiên mua bất động sản và nâng cao tay nghề”, Giám đốc tài chính Philippe Blondiaux giải thích. Tổng cộng, các khoản đầu tư này tăng 43% so với năm 2023, đạt 1,7 tỷ euro.

Trong đó, Chanel dành khoảng 600 triệu USD để gom các mặt bằng đẹp, bên cạnh việc mua cổ phần của các nhà cung cấp và đối tác gia công. Hai thương vụ đáng chú ý năm ngoái là mua lại hai địa điểm.

Thương vụ lớn nhất năm ngoái được cho là tòa nhà tại số 42 Đại lộ Montaigne ở Paris với giá trị không được tiết lộ và chi 133 triệu USD mua tòa nhà 23 phố Cambon nằm gần Vườn Tuileries, Quảng trường Concorde, không xa Cung điện Elysee, nơi ở chính thức của tổng thống Pháp. Một đại diện của Chanel cho biết, thương vụ này diễn ra vào tháng 9, “là một phần của mức đầu tư kỷ lục được thực hiện trong năm, bao gồm cả bất động sản”.

Đến nay, mạng lưới của Chanel có 644 điểm bán, trong đó 284 cửa hàng thời trang. Giống như các thương hiệu xa xỉ khác, Chanel tập trung mua bất động sản để giành quyền kiểm soát các vị trí đắc địa cho các cửa hàng của họ và đảm bảo sự ổn định lâu dài. Theo các chuyên gia, sở hữu bất động sản cho phép họ tự bảo vệ mình khỏi giá thuê biến động và tránh chi phí trang bị cao. Ngoài ra, sở hữu bất động sản giúp duy trì hình ảnh thương hiệu và kiểm soát môi trường bán lẻ, điều rất quan trọng đối với trải nghiệm xa xỉ mà họ hướng tới.

Sang 2025, công ty tư vấn Bain & Company cho rằng thị trường hàng xa xỉ toàn cầu sẽ tiếp tục gặp khó, dự báo suy giảm từ 2% đến 5%. “Biến động kinh tế vĩ mô và địa chính trị chắc chắn là thách thức đối với doanh nghiệp và chúng tôi đã thấy những điều kiện này tác động đến doanh số bán hàng ở một số thị trường”, Tổng giám đốc điều hành Leena Nair nhận định.

Tuy nhiên, Chanel vẫn kiên định chiến lược bơm tiền đầu tư cho mặt bằng và sản xuất. Tổng giám đốc Leena Nair tuyên bố mở rộng đầu tư lên 1,8 tỷ USD, bất chấp thời điểm không chắc chắn. Trọng tâm vẫn là tiếp cận thêm các mặt bằng đẹp.

Theo đó, tập đoàn dự kiến khai trương 48 cửa hàng mới, với gần một nửa ở Mỹ và Trung Quốc, cũng như ở Mexico, Ấn Độ và Canada. Trong đó, 25 cửa hàng chuyên về mỹ phẩm và nước hoa, 7 cửa hàng trang sức và đồng hồ, cùng 6 cửa hàng thời trang. Riêng Trung Quốc, nơi đối thủ Kering đang tái cơ cấu mạng lưới cửa hàng Gucci, sẽ là điểm đến quan trọng trong chiến lược mở rộng này với 15 cửa hàng Chanel mới.

Đồng thời, 600 triệu euro sẽ được dành để mua cổ phần từ các nhà cung cấp và đối tác gia công nhằm đảm bảo sản xuất các bộ sưu tập. Dù có thuế quan tại Mỹ, tập đoàn loại trừ khả năng chuyển sản xuất ra khỏi Pháp, Italy và Thụy Sĩ, nơi họ sản xuất trang phục, nước hoa, trang sức và đồng hồ.

Dù không ngại tiếp tục bơm tiền đầu tư, Chanel cũng tiến hành đồng thời các biện pháp tiết kiệm để bảo vệ tỷ suất lợi nhuận. Sau khi cắt giảm 70 vị trí hành chính tại chi nhánh Mỹ năm ngoái, Giám đốc tài chính Blondiaux cho biết nhân sự năm 2025 sẽ giữ nguyên. Hiện tập đoàn đang có 38.400 nhân viên.

Đây là những chuẩn bị cần thiết khi tình hình thương mại toàn cầu bất ổn và khó đoán. “Chúng tôi vẫn đang hoạt động trong bối cảnh hết sức không chắc chắn,” ông Philippe Blondiaux nói với Reuters.

Ông nhận thấy “những dấu hiệu tích cực về ổn định” tại Trung Quốc và Hong Kong, nhưng cho rằng vẫn còn “quá sớm để khẳng định” khu vực này đã vượt qua giai đoạn khó khăn, trong khi các cuộc đàm phán về thuế quan đang gây ra “rất nhiều bất ổn.”

Ngoài ra, Chanel sẽ phải đối mặt với những đối thủ đáng gờm sẵn sàng tranh giành thị phần, điển hình là Dior. Hoạt động mạnh trong các thị trường nước hoa, mỹ phẩm và đồng hồ, Dior được cho là sắp công bố bổ nhiệm giám đốc sáng tạo mới thay thế Maria Grazia Chiuri. Hay như LVMH, sau khi đối mặt với mức sụt giảm doanh số ước tính từ 8% đến 10% trong năm 2024, xuống còn khoảng 14 tỷ euro theo các nhà phân tích tài chính, tập đoàn đang chuẩn bị lấy lại phong độ.

Phiên An (theo Reuters, Le Monde)

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật