Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 127/NQ-CP ngày 13/5/2025 để triển khai Nghị quyết số 187/2025/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng. Nghị quyết nêu rõ nhiệm vụ, trách nhiệm và thời gian thực hiện của các bộ, ngành, địa phương, làm cơ sở để triển khai dự án bảo đảm đúng quy định, tiến độ, chất lượng, hiệu quả và công khai, minh bạch.
Theo đó, Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương triển khai 3 nhóm nhiệm vụ chính, bao gồm: hoàn thiện pháp lý, thực hiện đầu tư xây dựng và phát triển đô thị theo mô hình TOD tại các ga đường sắt.
Thứ nhất, xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép sẽ được hướng dẫn theo cơ chế áp dụng cho dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam. Riêng khoản 18 Điều 3 của Nghị quyết 187/2025/QH15 sẽ được tích hợp vào Nghị định do Bộ Xây dựng chủ trì.
Thứ hai, tổ chức thực hiện dự án. Bộ Xây dựng là cơ quan chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương lập, trình và tổ chức thực hiện dự án theo tiến độ. Bộ này cũng sẽ được ủy quyền thay mặt Thủ tướng thực hiện một số nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của người quyết định đầu tư, như giao chủ đầu tư, phê duyệt hồ sơ thiết kế, lựa chọn nhà thầu…
UBND các địa phương chịu trách nhiệm thu hồi đất, bồi thường, tái định cư và di dời hạ tầng kỹ thuật. Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thể giao thẩm quyền cho các đơn vị trực thuộc và không cần lập chủ trương đầu tư đối với các tiểu dự án này. Các tỉnh, thành cũng cần chủ động ứng vốn ngân sách để triển khai công tác giải phóng mặt bằng.
Chính phủ yêu cầu hoàn thành thủ tục phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật, lựa chọn tư vấn khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi trong tháng 5/2025. Việc khảo sát, thiết kế kỹ thuật bắt đầu từ tháng 6 và một số gói thầu phải hoàn tất trong tháng 9/2025.
Trong tháng 7, các bên phối hợp với các cơ quan liên quan của Trung Quốc để đàm phán, ký kết Hiệp định xây dựng cầu chung tại biên giới hai nước. Báo cáo nghiên cứu khả thi phải được trình và phê duyệt trong tháng 8. Dự án sẽ dự kiến khởi công xây dựng vào tháng 12/2025.
UBND các tỉnh cũng cần sớm phê duyệt và khởi công đồng loạt các khu tái định cư trong năm 2025. Các địa phương phối hợp EVN hoàn thành di dời đường điện từ tháng 4/2025 đến tháng 9/2026. Mục tiêu là hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2030. Ngoài ra, Bộ Xây dựng sẽ rà soát nhu cầu vốn, Bộ Tài chính chủ trì cân đối, bố trí nguồn lực thực hiện.
Thứ ba, phát triển đô thị theo mô hình TOD tại các ga. Các địa phương được giao chủ trì phối hợp rà soát, điều chỉnh quy hoạch vùng phụ cận ga đường sắt, lập và phê duyệt dự án khai thác quỹ đất theo mô hình TOD. Đồng thời, các đơn vị cần bố trí ngân sách thực hiện bồi thường, tái định cư, đấu giá đất vùng phụ cận để phát triển đô thị theo quy định.
Tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng có chiều dài khoảng 391km, gồm 3 tuyến nhánh dài tổng cộng khoảng 27,9km. Tổng mức đầu tư toàn tuyến là 203.231 tỷ đồng (tương đương 8 tỷ USD).
Dự án dự kiến xây dựng 18 nhà ga (gồm 3 ga lập tàu và 15 ga hỗn hợp), cùng 13 trạm tác nghiệp kỹ thuật. Tuyến đường sắt này sẽ kết nối trực tiếp với khu vực Tây Nam Trung Quốc – nơi có dân số hơn 500 triệu người và đang phát triển mạnh, từ đó mở rộng liên kết với mạng lưới đường sắt Á – Âu.
![]() |
Dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng (Ảnh minh họa) |
Doanh nghiệp Việt sẵn sàng tham gia
Với tổng vốn đầu tư lên tới 203.000 tỷ đồng, dự án đường sắt này được kỳ vọng sẽ tạo cú hích cho các nhà thầu, doanh nghiệp cung cấp vật liệu xây dựng trong nước tham gia, qua đó góp phần đặt nền móng cho việc triển khai đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam có tổng mức đầu tư lên đến 67 tỷ USD.
Tại Hội thảo “Doanh nghiệp Việt với chương trình phát triển công nghiệp đường sắt Việt Nam” diễn ra vào tháng 3 vừa qua, nhiều doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực xây lắp, viễn thông, thép và công nghiệp ô tô như Viettel, Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG), Tập đoàn Trường Hải (THACO), Công ty Trung Chính… đồng loạt khẳng định đã sẵn sàng về nguồn lực để tham gia vào thị trường công nghiệp đường sắt. Tuy nhiên, các đơn vị cũng nhấn mạnh rằng cần có những cơ chế, chính sách cụ thể và thuận lợi từ phía Nhà nước, đặc biệt liên quan đến thuế, ưu đãi tín dụng và hình thức lựa chọn nhà thầu.
Ông Đỗ Mạnh Cường, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FECON (HoSE: FCN), cho biết từ năm 2014, doanh nghiệp này đã cử các chuyên gia, kỹ sư ra nước ngoài học hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực đường sắt đô thị. Từ kinh nghiệm thực tiễn, ông Cường khẳng định doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ và đảm nhiệm thi công các hạng mục hạ tầng hiện đại như nền, móng và toàn bộ kết cấu dưới ray. Để hiện thực hóa điều này, lãnh đạo FECON đề xuất Nhà nước cần ban hành bộ tiêu chí rõ ràng cho việc lựa chọn doanh nghiệp, đồng thời có chính sách hỗ trợ tín dụng nhằm giúp các doanh nghiệp nội địa dễ dàng tiếp cận và làm chủ công nghệ tiên tiến.
Về sản xuất đầu máy và toa xe, ông Phạm Trường Tùng, Giám đốc cao cấp kỹ thuật công nghệ của CTCP Công nghiệp THACO khẳng định doanh nghiệp có đủ năng lực tham gia nếu có sự hỗ trợ từ chính sách. Ông Tùng đề xuất miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện chưa thể sản xuất trong nước, đồng thời áp dụng ưu đãi đầu tư theo các dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao.
Ở lĩnh vực thông tin tín hiệu đường sắt, ông Lê Quang Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Viettel Solutions (thuộc Tập đoàn Viettel) tự tin khẳng định: “Viettel sẵn sàng làm chủ công nghệ này”. Ông Hiếu đề xuất Nhà nước cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho các đơn vị trong nước tiếp cận chuyển giao công nghệ thông qua hợp tác với đối tác quốc tế.
Trong khi đó, Hòa Phát cũng sẽ bắt tay khởi công xây dựng nhà máy sản xuất ray đường sắt và thép đặc biệt ngay trong tháng 5 này với mục tiêu cung cấp sản phẩm phục vụ cho các dự án giao thông trọng điểm quốc gia.