Ngày 31/3/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của một số mặt hàng tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế, ban hành kèm theo Nghị định số 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/3/2025.
Cụ thể, Nghị định sửa đổi, bổ sung mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng quy định tại Phụ lục II – Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế quy định tại Điều 3 Nghị định số 26/2023/NĐ-CP, theo các mức thuế suất mới.
Trong đó, đối với mặt hàng ethanol, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi được giảm từ 10% xuống 5%. Thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) giảm từ 5% xuống 2%. Đối với mặt hàng ethane, bổ sung mã HS 2711.19.00 vào Chương 98 với mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi là 0%.
![]() |
Biểu thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi một số mặt hàng (Ảnh: VnExpress) |
Ngày 25/3 vừa qua, ông Nguyễn Quốc Hưng – Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát Chính sách Thuế, Phí và Lệ phí (Bộ Tài chính) cho biết, tại dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 26/2023 về điều chỉnh thuế suất, cơ quan này đã đề xuất giảm thuế suất nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với một số nhóm mặt hàng.
MFN là mức thuế suất áp dụng cho các quốc gia thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Việc điều chỉnh này được xem là một trong những giải pháp nhằm ứng phó với bối cảnh cạnh tranh thương mại toàn cầu. Theo đó, nhiều mặt hàng có xuất xứ từ các quốc gia như Mỹ sẽ được hưởng lợi.
Được biết, Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký Hiệp định Thương mại song phương từ năm 2001, nhưng đến nay vẫn chưa có Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) nhằm cắt giảm thuế quan. Do đó, Mỹ vẫn là đối tác chịu mức thuế MFN chung áp dụng cho các nước thành viên WTO.
Theo đại diện Bộ Tài chính, việc giảm thuế suất nhập khẩu MFN đối với một số mặt hàng là cần thiết nhằm bảo đảm đối xử công bằng giữa các Đối tác Chiến lược Toàn diện của Việt Nam. Việc điều chỉnh cũng tuân thủ nguyên tắc chỉ giảm thuế đối với các mặt hàng trong nước chưa sản xuất được hoặc chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Trước đó, ngày 13/3/2025, trong khuôn khổ chuyến công tác của đoàn Việt Nam do ông Nguyễn Hồng Diên – Bộ trưởng Bộ Công Thương, đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ – dẫn đầu tại Hoa Kỳ, nhiều thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực kinh tế – thương mại giữa doanh nghiệp 2 nước đã được ký kết, với tổng giá trị khoảng 4,15 tỷ USD.
Cụ thể, Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đã ký các Biên bản ghi nhớ (MoU) với Tập đoàn ConocoPhillips và Excelerate liên quan đến các thỏa thuận mua bán LNG dài hạn.
Các cuộc thảo luận tập trung vào việc mở rộng nguồn cung LNG dài hạn, hỗ trợ triển khai Quy hoạch điện VIII. Các bên đã thống nhất nguyên tắc hợp tác nhằm bảo đảm nguồn LNG ổn định, phục vụ nhu cầu sản xuất điện ngày càng tăng trong bối cảnh nguồn khí nội địa đang suy giảm.
![]() |
Lãnh đạo PV GAS trao đổi văn kiện với đại diện Excelerate Energy (Ảnh: Báo Chính phủ) |
Đối với PV GAS, các thỏa thuận nhập khẩu LNG từ Hoa Kỳ sẽ giúp doanh nghiệp thực hiện kế hoạch nhập khẩu LNG quốc gia, dự kiến đạt 9 triệu tấn/năm vào năm 2030 và tăng lên 15 triệu tấn/năm vào năm 2035, với tổng giá trị khoảng 7,2 tỷ USD/năm, theo Quy hoạch điện VIII.
Bên cạnh đó, CTCP Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) và GE Vernova đã ký một Biên bản ghi nhớ hợp tác về mua sắm thiết bị và dịch vụ cho các nhà máy điện khí mà PV Power đang phát triển.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng đã ký biên bản ghi nhớ với 3 hiệp hội cung cấp ethanol hàng đầu của Mỹ, gồm U.S. Grains Council (USGC), Renewable Fuels Association (RFA) và Growth Energy (GROWTH), nhằm mở rộng thương mại song phương trong lĩnh vực nhiên liệu sinh học.
Đồng thời, Petrolimex cũng ký thỏa thuận với Marquis Energy nhằm tạo thuận lợi cho giao dịch và nhập khẩu nhiên liệu sinh học. Đây là những hợp tác quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy nhanh lộ trình tăng tỷ lệ sử dụng nhiên liệu sinh học.
![]() |
Petrolimex ký thỏa thuận với 3 Hiệp hội cung cấp ethanol hàng đầu của Mỹ (Ảnh: Báo Chính phủ) |
Ngoài ra, CTCP Lọc hóa Dầu Bình Sơn (BSR) đã ký hợp đồng tư vấn nghiên cứu tiền khả thi về nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) với Tập đoàn KBR (Kellogg Brown & Root).
Như vậy, có thể thấy PV GAS và Petrolimex là 2 doanh nghiệp hưởng lợi trực tiếp nếu đề xuất giảm thuế MFN đối với khí LNG và ethanol được thông qua.
Mặt khác, PV Power cũng có thể hưởng lợi gián tiếp do chi phí đầu vào giảm. Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 (công suất 1.624 MW) của PV Power sẽ sử dụng LNG nhập khẩu từ cảng Thị Vải (thuộc PV GAS). Cụ thể, LNG được nhập từ các thị trường như Qatar, Mỹ, Úc và phân phối thông qua hệ thống kho – cảng LNG Thị Vải.