Chính sách thuế mới từ Mỹ bắt đầu gây áp lực lên ngành sản xuất Việt
Ngày 5/5, S&P Global vừa công bố báo cáo tháng 4 về Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng – Manufacturing Purchasing Managers Index™ (PMI®) ngành sản xuất Việt Nam, cho thấy những tác động mạnh từ chính sách thuế quan mới của Mỹ.
Theo đó, chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 4 đã giảm xuống dưới ngưỡng 50 điểm. Cụ thể, chỉ số mới nhất đạt 45,6 điểm so với 50,5 điểm của kỳ trước, cho thấy “sức khỏe” ngành sản xuất suy giảm rõ rệt.
![]() |
Nguồn: S&P Global |
Báo cáo cũng đánh giá rằng, những thông báo về thuế quan của Mỹ đã khiến ngành sản xuất Việt Nam suy giảm trở lại trong tháng 4. Sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, việc làm và hoạt động mua hàng đều giảm mạnh. Niềm tin kinh doanh cũng giảm xuống mức thấp khi có những lo ngại về ảnh hưởng tiếp theo của thuế quan lên sản lượng trong tương lai. Nhu cầu yếu khiến các công ty tiếp tục giảm giá bán hàng, trong khi chi phí đầu vào tăng nhẹ.
Số lượng đơn đặt hàng mới trong ngành sản xuất đã giảm đáng kể trong tháng 4, đảo ngược xu hướng tăng của tháng 3. Người trả lời khảo sát cho biết tình trạng giảm số lượng đơn đặt hàng mới phản ánh tác động từ việc áp dụng thuế quan của Mỹ và sự biến động của tình hình thị trường quốc tế.
Theo báo cáo, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới thậm chí còn giảm nhanh hơn tổng số lượng đơn đặt hàng mới trước những tuyên bố về thuế quan. Đây là lần thứ 6 liên tiếp số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài giảm và cũng là lần giảm đáng kể nhất kể từ tháng 6/2023. Thuế quan và sự sụt giảm đơn hàng mới đã khiến sản lượng giảm trở lại, sau khi đã tăng trong tháng 3.
Hoạt động mua hàng hóa đầu vào đã giảm tháng thứ 2 liên tiếp và đạt mức giảm lớn nhất kể từ tháng 5/2023. Điều này kéo theo tồn kho hàng mua cũng giảm, mức độ giảm lớn nhất kể từ tháng 9 năm ngoái.
Tình trạng nhu cầu suy yếu cũng ảnh hưởng đến giá cả trong tháng 4. Chi phí đầu vào tiếp tục tăng trong bối cảnh giá một số nguyên vật liệu tăng, tuy nhiên tốc độ tăng nhẹ và yếu nhất kể từ tháng 8/2023. Một số công ty đề cập đến việc giá dầu và chi phí vận tải đã giảm.
Ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence nhận định: “Việc áp thuế của Mỹ đã đẩy ngành sản xuất Việt Nam vào tình trạng suy giảm trong tháng 4, khi các công ty chứng kiến sự sụt giảm đáng kể của số lượng đơn đặt hàng mới, xuất khẩu và sản lượng.
Hơn nữa, khả năng tiếp tục xảy ra gián đoạn cho ngành sản xuất do thuế quan bổ sung khiến niềm tin kinh doanh giảm và trở thành một trong những mức thấp nhất từng được ghi nhận. Trong một tình hình không ổn định, điều quan trọng là cần theo dõi dữ liệu chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global trong những tháng tới để xem các điều kiện kinh doanh diễn biến như thế nào”.
Chính phủ Việt Nam tăng tốc ứng phó
Sáng ngày 5/5, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đầu năm nay, việc Mỹ bất ngờ công bố chính sách thuế đối ứng ở mức cao trên diện rộng đã tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Chính phủ vẫn tập trung thúc đẩy tăng trưởng với mục tiêu 8% trở lên. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên được Mỹ đồng ý đàm phán.
Ngay sau khi Mỹ công bố mức thuế đối ứng mới, Tổng Bí thư Tô Lâm đã điện đàm và có thư gửi Tổng thống Mỹ Donald Trump; đồng thời cử Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc làm đặc phái viên của Tổng Bí thư sang làm việc với Mỹ.
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV |
Đảng ủy Chính phủ đã báo cáo ngay Bộ Chính trị, Ban Bí thư tình hình và đề xuất giải pháp. Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức 10 phiên họp về phương án đàm phán, ban hành nhiều văn bản và quyết liệt chỉ đạo các giải pháp ứng phó, hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng.
Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác về tăng cường hợp tác, chủ động thích ứng với điều chỉnh chính sách kinh tế – thương mại của Mỹ do Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng; làm việc với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các hiệp hội và doanh nghiệp lớn xuất khẩu sang Mỹ.
Sau khi Mỹ công bố lùi thời gian áp thuế đối ứng và thống nhất khởi động đàm phán với Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Đoàn đàm phán Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Trưởng đoàn và chỉ đạo xây dựng phương án đàm phán.
Việt Nam đã bắt đầu đàm phán và thuộc nhóm 6 nước được Mỹ ưu tiên đàm phán (gồm Vương quốc Anh, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Indonesia) trong số hơn 100 nền kinh tế.
“Ngày 7/5 sẽ tiến hành phiên đàm phán đầu tiên với Mỹ”, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết.
Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh rằng, Chính phủ đã và đang chỉ đạo sát sao Đoàn đàm phán và các bộ, cơ quan theo dõi tình hình, khẩn trương hoàn thiện phương án và sẵn sàng đàm phán với Mỹ với tinh thần “lợi ích hài hòa – rủi ro chia sẻ”.
Trước đó, ngày 29/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành để rà soát các công việc chuẩn bị đàm phán thương mại với phía Hoa Kỳ. Thủ tướng yêu cầu khẩn trương đàm phán ký kết trong tháng 5/2025 các hợp đồng mua bán, nhập khẩu các mặt hàng từ Hoa Kỳ như khí LNG, máy bay, thuốc, vật tư y tế, nông sản… nhằm bảo đảm cân bằng thương mại bền vững.
4 mặt hàng tỷ USD của Việt Nam có cơ hội miễn trừ thuế
Theo Mirae Asset, Việt Nam có thể đạt được một thỏa thuận giảm thuế quan với Mỹ ở mức 10–20%. Báo cáo của công ty chứng khoán chỉ rõ 4 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đang có cơ hội cao được miễn trừ thuế gồm: Linh kiện điện tử, điện thoại, may mặc và giày dép.
![]() |
Nguồn: Mirae Asset |
Theo số liệu từ Cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ năm 2024 đạt 119,5 tỷ USD. Trong đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện dẫn đầu với 23,2 tỷ USD (chiếm 19,4%), theo sau là máy móc, thiết bị và dụng cụ phụ tùng với 22 tỷ USD (18,5%). Dệt may đạt 16,2 tỷ USD, điện thoại và linh kiện là 9,8 tỷ USD, giày dép đạt 8,3 tỷ USD. Đây đều là những nhóm hàng đang được kỳ vọng sẽ được miễn trừ thuế trong các cuộc đàm phán sắp tới.
Nếu thành công, thỏa thuận sẽ là cú hích lớn cho xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn và xu hướng bảo hộ thương mại đang gia tăng.