Từ 0 đến 1 tỷ doanh thu tại thị trường nước ngoài
Chiều 15/1, Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam (VFTE) được tổ chức với chủ đề “Làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số Việt Nam bằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam”.
Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch Tập đoàn FPT – Trương Gia Bình kể về hành trình 25 năm ra nước ngoài. “ Sau 10 năm thành lập, chúng tôi quyết định đi ra nước ngoài để mở mang bờ cõi trí tuệ Việt Nam. Chúng tôi mở văn phòng tại Bangalore, Ấn Độ nhưng không có hợp đồng nào cả. Đến Silicon Valley, Mỹ chúng tôi cũng không có hợp đồng nào cả ”, ông Bình kể.
Tuy nhiên, nhờ có sự hỗ trợ của ông Nishida, cố vấn của Tập đoàn, FPT có cơ hội được kết nối và làm việc Tập đoàn hàng đầu ở Nhật Bản. Những cuộc gặp này giúp doanh nghiệp hiểu về khách hàng, văn hoá, kinh doanh trên đất Nhật Bản, đồng thời, tạo ra các tiền đề phát triển sau này.
Chủ tịch FPT cho biết, qua những thất bại buổi ban đầu tại Ấn Độ, Mỹ, FPT từng bước có được thành công, đạt 1 tỷ USD doanh thu từ thị trường nước ngoài. Đó là minh chứng cho khát vọng mở mang bờ cõi trí tuệ Việt Nam, từ những bước đi đầu tiên đầy thách thức đến việc ghi dấu ấn trên bản đồ công nghệ toàn cầu.
Cam kết của FPT
Không chỉ kể câu chuyện về hành trình của doanh nghiệp, ông Bình còn cho rằng, thành công của FPT cũng góp phần tạo nên sức mạnh của ngành Công nghệ thông tin tại Việt Nam. Do đó, tại sự kiện, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT nhận nhiệm vụ làm chủ công nghệ AI, mô hình ngôn ngữ lớn với Tổng bí thư Tô Lâm và Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
“Nhận nhiệm vụ này, FPT cam kết sẽ tích cực thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, nghiên cứu, làm chủ công nghệ số giúp đẩy nhanh quá trình thực hiện cuộc cách mạng chuyển đổi số và đưa Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên mới”, ông Bình nói.
Theo đó, FPT cam kết sẽ đầu tư vào Công nghệ trụ cột: Trí tuệ nhân tạo, Bán dẫn, Công nghệ ô tô, Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. FPT sẽ nỗ lực làm chip AI, tập trung phát triển phần mềm ô tô, vì ô tô đang chuyển từ cơ khí sang phần mềm. FPT đang làm việc với các tập đoàn ô tô ở Mỹ, châu Âu…
Ngoài ra, về nhân lực, FPT có 12.000 kỹ sư về AI, được cấp gần 1 vạn chứng chỉ NVIDIA trong thời gian ngắn. FPT cam kết đến 2030 sẽ đào tạo 1 vạn kỹ sư bán dẫn, 5 vạn kỹ sư AI, tham gia đào tạo kiến thức về AI cho nửa triệu nhân lực.
Cuối cùng, là FPT cam kết đầu tư vào hạ tầng. “Tập đoàn xây dựng 2 nhà máy ở Việt Nam và Nhật Bản. 5 năm nữa, 2030 sẽ xây dựng 5 nhà máy Trí tuệ nhân tạo trên toàn cầu, góp phần đưa Việt Nam là một trong các quốc gia cung cấp hạ tầng tính toán về trí tuệ nhân tạo hàng đầu khu vực”, ông Bình nhấn mạnh.
Thời gian vừa qua, FPT liên tục thông báo đầu tư và AI. Hồi tháng 12, FPT dự kiến đầu tư 200 triệu USD để thành lập nhà máy AI Factory với hệ thống siêu máy tính sử dụng GPU H100 dành cho nghiên cứu và phát triển. Sau đó, Tập đoàn này cũng tuyên bố tiếp tục mở một “nhà máy” AI tại Nhật Bản, sử dụng hàng nghìn GPU Nvidia.
FPT cho biết đây là một trong những bước đi của công ty trong việc mở rộng ứng dụng AI trên quy mô toàn cầu, đồng thời “hiện thực hóa tầm nhìn chung của Nhật Bản và Việt Nam trong việc trở thành các quốc gia AI”.