spot_img
25 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánChủ tịch LHC: Công ty đã chuẩn bị 5 năm, "mai phục"...

Chủ tịch LHC: Công ty đã chuẩn bị 5 năm, "mai phục" tại các vị trí trọng yếu, dự án đầu tư công bung ra sẽ có cơ hội

Ông Lê Đình Hiển – Chủ tịch HĐQT LHC cho biết, tương lai về hạ tầng giao thông của tỉnh Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt sẽ có nhiều chuyển biến lớn.

Ngày 20/4, CTCP Đầu tư và Xây dựng Thuỷ lợi Lâm Đồng (mã LHC) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, thảo luận nhiều nội dung quan trọng.

Tại Đại hội, cổ đông LHC đã biểu quyết thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 với chỉ tiêu doanh thu thuần 1.190 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế gần 159 tỷ đồng, lần lượt bằng 99% va 108% so với thực hiện năm 2024. Cổ tức 2025 dự kiến tỷ lệ 15-25%.

Chủ tịch LHC: Công ty đã chuẩn bị 5 năm, "mai phục" tại các vị trí trọng yếu, dự án đầu tư công bung ra sẽ có cơ hội- Ảnh 1.

Năm 2024 trước đó, LHC ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.229 tỷ đồng, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 117 tỷ đồng, giảm nhẹ gần 6% so với năm 2023. Với kết quả đạt được, doanh nghiệp đã hoàn thành vượt 12% kế hoạch doanh thu và 42% kế hoạch lợi nhuận cả năm đề ra.

Tại Đại hội, cổ đông LHC đã miễn nhiệm theo nguyện vọng của 2 thành viên HĐQT là ông Lý Chủ Hưng và ông Phan Công Ngôn. Trong đó, ông Lý Chủ Hưng – đại diện cho nhóm cổ đông lớn đến từ Đài Loàn (Trung Quốc), xin từ nhiệm sau khi nhóm cổ đông này thoái vốn. Trong khi đó, ông Phan Công Ngôn – thành viên HĐQT độc lập xin từ nhiệm vì lý do cá nhân.

Đồng thời, cổ đông LHC đã bầu bổ sung bà Lâm Bội Ngọc (đại diện nhóm cổ đông lớn) vào HĐQT nhiệm kỳ 2021-2025. Bà Ngọc tốt nghiệp Thạc sỹ Luật kinh tế và Thương mại quốc tế, có kinh nghiệm nhiều năm tại các doanh nghiệp như Success Dragon Vietnam, FECON South, Bigtree, Legum NTN. Bên cạnh đó, ông Lâm Vương Hùng được bầu làm thành viên HĐQT độc lập.

Chủ tịch LHC: Công ty đã chuẩn bị 5 năm, "mai phục" tại các vị trí trọng yếu, dự án đầu tư công bung ra sẽ có cơ hội- Ảnh 2.

Trong phần thảo luận, ban lãnh đạo LHC đã giải đáp nhiều câu hỏi của cổ đông:

Chia sẻ về dự án trong tương lai và tầm nhìn của công ty trong 3-5 năm tới?

Ông Lê Đình Hiển – Chủ tịch HĐQT LHC cho biết, trong 3-5 năm tới, LHC không trực tiếp đầu tư dự án nào lớn nhưng nâng hạng mức đầu tư cho HĐQT từ 150 tỷ lên 250 tỷ, đầu tư gián tiếp.

Tại ĐHCĐ của CTCP Khoáng sản và Vật liệu xây dựng Lâm Đồng (mã LBM), cổ đông đã thông qua chương trình phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 4:1, tương ứng phát hành 10 triệu cổ phiếu, nâng vốn điều lệ lên 500 tỷ. Giá phát hành 15.000 đồng/cp, tương ứng số tiền thu về khoảng 150 tỷ. LHC nắm hơn 64% LBM, cần 100 tỷ để mua cổ phần phát hành của LBM.

LBM có vốn chủ sở hữu tại ngày cuối năm 2024 là 613 tỷ, sẽ huy động thêm 150 tỷ cộng với lợi nhuận giữ lại sẽ vào khoảng 800 tỷ. Công ty sẽ vay ngân hàng 400-500 tỷ để thực hiện các dự án khai thác vật liệu để cung cấp cho hệ thống sản xuất của công ty và bán ra thị trường.

LBM mới đây đã trúng đấu giá 3 mỏ vật liệu, gồm mỏ đá Cần Treo/Đức Trọng, Ninh Gia/Đức Trọng, Tân Thanh/Lâm Hà. Tuy nhiên, 3 mỏ này là chưa đủ và công ty vẫn đang tiếp tục mở rộng địa bàn để nâng cao năng lực cung cấp vật liệu xây dựng cho các dự án của công ty và thương mại.

Các quy trình đấu giá, cấp phép mỏ rất phức tạp. LHC kỳ vọng trong năm 2025, Quốc hội sẽ sửa luật khoáng sản. LHC và LBM thuộc nhóm vật liệu xây dựng thông thường. Kỳ vọng tháng 7/2025 sẽ được sửa quy trình cấp phép.

Hiện tại, LHC đang triển khai quy trình số hoá toàn hệ thống. Theo kế hoạch, quý 4/2025 sẽ chạy thử. Nếu đạt, đến năm 2026 sẽ triển khai trên toàn hệ thống của LHC và các công ty con trực tiếp và gián tiếp. Công ty cũng đã thành lập phòng số hoá và quản lý tập trung trên môi trường số.

Một cổ đông bày tỏ tiếc nuối vì đã không đầu tư vào LHC sớm hơn. Lý do đưa ra là không tìm kiếm được nhiều thông tin trên website công ty. Cổ đông góp ý công ty nâng cao hạ tầng website để cập nhật thông tin kịp thời, đầy đủ cho cổ đông.

Chủ tịch HĐQT Lê Đình Hiển cho biết, LHC và các công ty thành viên còn 2 lĩnh vực còn yếu là CNTT và pháp chế. Phòng CNTT mới được thành lập nhưng chưa tuyển được người. Ông Hiển lấy làm tiếc khi bây giờ mới biết cổ đông công ty làm trong lĩnh vực CNTT. LHC đang xây dựng toàn bộ hệ thống CNTT bao gồm trang web, truyền thông và công tác bán hàng.

Ông Hiển cho biết, bộ phận pháp chế cũng thành lập rồi nhưng không tuyển được nhân sự. LHC phải đi thuê luật sư cho từng vụ việc. Với công việc phải làm có rất nhiều cái khó về pháp luật. Các dự án liên quan đến đất đai, nhiều quy hoạch. 2 lĩnh vực này công ty đang cố gắng triển khai. Cổ đông có chuyên môn tư vấn giúp thì rất quý.

Sắp tới, Lâm Đồng và Đồng Nai sẽ khởi công 3 dự án cao tốc thành phần nối TP.HCM với Đà Lạt. LHC tham dự như thế nào vào các dự án này, tiềm năng, lợi nhuận ra sao?

Chủ tịch HĐQT LHC cho biết, tương lai về hạ tầng giao thông của tỉnh Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt sẽ có nhiều chuyển biến lớn. Sắp khởi công dự án cao tốc Dầu Dây – Liên Khương, cao tốc Nha Trang – Đà Lạt, nâng cấp sân bay Liên Khương, nâng cấp Quốc lộ 28, rút ngắn khoảng cách Gia Nghĩa – Bảo Lộc… Một số dự án đang trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư, nhưng đây là những dự án lớn không phải tầm của LHC.

Tuy nhiên, LHC có thể làm 2 việc: 1 là nhà cung cấp, 2 là nhà thầu phụ. Các nhà thầu chính chưa có nên chưa bàn đến vấn đề thầu phụ. Để làm nhà cung cấp, LHC đã chuẩn bị 5 năm. Công ty đã đi mua đất để phục vụ nút giao Tân Phú, điều chỉnh quy hoạch, san lấp mặt bằng, làm hồ sơ giấy tờ,… tuy nhiên giấy phép chưa xong.

Nút giao cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc với 721, LJC đang xin chủ trương để tiến hành xây dựng, trạm bê tông, nhà xưởng, đất có sẵn. Tại Bảo Lộc, sẽ có nút giao cao tốc với Quốc lộ 55, LHC đã có mỏ đá Tây Đại Lào nhưng đối thủ có mỏ đá với cự ly vận chuyển gần hơn. LHC đã làm trạm ở Lộc Sơn để dự phòng mỏ Tây Đại Lào, đã đi vào hoạt động từ cuối 2024 tức là trước khi khởi công.

Chủ tịch LHC cho biết, công ty đã chuẩn bị 5 năm, ém nằm tại các vị trí trọng yếu, khi dự án bung ra sẽ có cơ hội để nắm bắt. Cơ hội nhưng cũng có rủi ro. Các nhà đầu tư lớn có tên tuổi nhưng sờ vào túi không thấy nhiều tiền. Quan điểm quản trị là không biến tiền, cốt liệu thành rủi ro, công nợ, rủi ro, bực mình,… Công nợ công ty thường xuyên duy trì quanh 60 tỷ. Rủi ro mất tiền của công ty cũng là của cổ đông. LHC thường xuyên quản trị điều này.

Ngày 19/4, cả nước đồng loạt khởi công khánh thành 80 công trình. LHC có 2 vị trí thuộc lĩnh vực nông nghiệp là Khánh thành Cống Rạch Mọc – Sóc Trăng và Khởi công Cống Rạch Rứa TP.HCM, thành viên của LHC nằm trong liên danh thực hiện.

LHC đã đầu tư vào L40 và thoái vốn xong, sau đó thành lập L40.1 để giữ lại tài sản, con người để tiếp tục làm nghề xây dựng. Công ty còn phải xử lý toàn bộ công nợ phải thu, phải trả, thanh tra kiểm toán đến hết 2024 và hoàn thiện pháp lý để mua lại văn phòng. Sử dụng năng lực đấu thầu của L40 trong vòng 5 năm. Công ty đang xây dựng năng lực cho L40.1, dựa vào năng lực của công ty mẹ và L40 còn quyền sử dụng.

Về tờ trình huỷ bỏ 1 điều trong nghị quyết năm ngoái về việc nâng thành viên từ 5 lên 7 , Chủ tịch LHC cho biết HĐQT đánh giá không cần thiết. ĐHCĐ của LBM trước đó đã thông qua hạ từ 7 xuống 5. LHC hiện có 4 nhóm cổ đông lớn nên có 4 thành viên HĐQT và 1 thành viên HĐQT độc lập là hợp lý.

Việc đầu tư vào LBM và L40 mang lại hiệu quả cao. Phần vốn còn lại cho phần xây dựng thuỷ lợi của LHC có khó khăn sau khi vốn đem đi đầu tư. Giải pháp nào để giải quyết những khó khăn này?

Chủ tịch HĐQT Lê Đình Hiển cho biết, trong công tác thầu xây dựng thuỷ lợi, LHC không khó khăn về tiền và rất thuận lợi. Đang cho công ty con vay hơn 50 tỷ và còn trong tài khoản hơn trăm tỷ. Công ty đang cho mượn trước để đầu tư vào LBM giữ tỷ lệ 64,9% tại LBM. Công ty không có nợ ngân hàng, không quá hạn các đối tác.

Về tên công ty, LHC cổ phần hoá và bắt đầu hoạt động tháng 8/2000, vốn điều lệ 3 tỷ, ngành nghề chính là thuỷ lợi, thuỷ điện. Công ty nhìn thấy thị trường thuỷ lợi, thuỷ điện sẽ hết tiềm năng tự nhiên nên phải chuyển đổi dẫn đến hoạt động đầu tư. Công ty đã chuẩn bị và bắt tay làm gần 20 năm trước.

Từ năm 2002, chủ tịch đã làm việc với LBM và đến năm 2003 LHC tham gia mua cổ phần LBM khi công ty này cổ phần hoá. Chủ tịch LHC cũng làm Chủ tịch LBM khi LHC nắm 5% LBM. Đến năm 2014, LHC hoàn tất mua gom sở hữu 51% cổ phần và trở thành công ty mẹ LBM.

Lợi thế của LHC khi đi vay như thế nào?

Ông Lê Đình Hiển cho biết, tiền của LHC góp sang LBM để giữ tỷ lệ sở hữu. Công ty là khách hàng lớn, tốt của ngân hàng. Từ khi thành lập, LHC chưa bao giờ quá hạn ngân hàng, có quan hệ rất tốt. Nếu đạt kỳ vọng 6 dự án gồm 3 dự án trúng đấu giá và 3 dự án đang đi tìm, vốn cần hơn nghìn tỷ để thực hiện. Mỏ giờ phải hàng trăm tỷ, không rẻ như trước. LHC sẽ vay tầm 400 tỷ đối ứng vốn chủ sở hữu 800 tỷ của LBM. Nếu có thêm 3 mỏ nữa, có thể vay tỷ lệ 1:1 với VCSH, không vấn đề.

Về phân phối lợi nhuận, trích quỹ đầu tư phát triển 15,8 tỷ, cổ đông đề nghị để lại ở lợi nhuận chưa phân phối, không trích quỹ?

Chủ tịch LHC cho biết, tờ trình điều chỉnh giảm tỷ lệ cổ tức 2025 để giành tiền hướng tới 2026 chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 2:1 nâng vốn điều lệ.

Sau khi các thắc mắc của cổ đông được giải đáp, toàn bộ tờ trình đã được cổ đông biểu quyết thông qua với tỷ lệ nhất trí cao.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật