spot_img
20 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánChứng khoán 2025 sẽ ra sao sau năm khối ngoại bán ròng...

Chứng khoán 2025 sẽ ra sao sau năm khối ngoại bán ròng kỷ lục?

Dù thừa nhận bản thân không phải là người lạc quan nhưng chuyên gia chứng khoán Bùi Văn Huy tin tưởng rằng 2025 sẽ là một năm tương đối tích cực với thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nhìn lại 2024: Khối ngoại bán ròng kỷ lục, lỡ hẹn với 1.300 điểm

VN-Index kết thúc năm 2024 với hiệu suất 12,1%, là mức hiệu suất tốt trong 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, đà tăng thị trường lại tập trung vào nhóm có vốn hóa lớn: Nhóm ngân hàng tăng 15%, công nghệ tăng 67%, dịch vụ viễn thông…

Trong khi đó, các nhóm vốn hóa nhỏ và vừa cơ bản có hiệu suất khá kém: Nhóm thép chỉ tăng 4,5%, nhóm phân bón tăng 10%, khu công nghiệp tăng 11%. Thậm chí, hiệu suất của nhóm chứng khoán âm 6,3%, bất động sản dân cư âm 8,4%…

Nhìn chung, theo đánh giá của tôi, 2024 là một năm vui cho các nhà đầu tư dài hạn và các quỹ lớn khi doanh mục tập trung nhiều vào nhóm vốn hóa lớn, và có thể là một năm kém vui với các nhà đầu tư ngắn hạn, thiên hướng trading ở các nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Niềm vui không dành cho số đông, cùng với đó thị trường gần như đi ngang từ nửa cuối năm gây khó chịu cho đại bộ phận tham gia thị trường.

Nguồn: Tác giả cung cấp.

Trong năm 2024, VN-Index có 9 lần tiệm cận mức 1.300 điểm và trở thành một ngưỡng cản tâm lý mới cho thị trường. Nguyên nhân, theo tôi, xuất phát từ nhiều phía: Áp lực tỷ giá, tăng trưởng lợi nhuận của thị trường dưới kỳ vọng…. Nhưng có lẽ nguyên nhân chính đến từ việc khối ngoại liên tục bán ròng.

Có lẽ chưa bao giờ khối ngoại lại bán ròng quyết liệt như vậy. Nếu như năm 2021, khi thị trường quá “nóng”, chúng ta lý giải việc chốt lời là bình thường thì trong năm 2024, hành động của khối ngoại mang tính bán tháo.

Tính từ đầu năm 2024 đến nay, khối ngoại đã bán ròng gần 90.000 tỷ đồng, trong đó gần 73.000 tỷ đồng là bán trực tiếp trên sàn, con số quá khủng khiếp! Đến những giai đoạn quyết định thì dòng tiền trên thị trường luôn bị hụt hơi trước xu hướng bán ròng quá mạnh từ khối ngoại.

Chủ đề bán ròng của khối ngoại là chủ đề mà tôi đã nêu lên từ lâu. Trái ngược với kỳ vọng nâng hạng, hay tự tin về môi trường kinh doanh tích cực, vĩ mô ổn định… thì đà bán ròng của khối ngoại khiến chúng ta cần phải nhìn lại.

Nếu ai giao dịch mới thấy khối ngoại bán ròng như vậy mà thị trường không rơi thì dòng tiền cá nhân cũng đã khỏe lắm rồi. Dẫu thế, dòng tiền cá nhân có khỏe thì cũng hao tổn lực lượng. Kết quả là, thanh khoản ngày càng một ít đi. Có mã tiền khỏe thì “cân Tây” vẫn ổn, nhưng mã tiền yếu “cân Tây” cũng mỏi lắm.

Tư duy đầu tư vẫn còn chuộng dòng tiền

“Bất cứ khi nào bạn suy nghĩ về mối liên hệ giữa nền kinh tế và giá cổ phiếu, hãy ghi nhớ 3 nguyên tắc. Đầu tiên, thị trường chứng khoán không phải là nền kinh tế. Thứ hai, thị trường chứng khoán không phải là nền kinh tế. Và thứ ba, thị trường chứng khoán không phải là nền kinh tế!”.

Paul Krugman, một nhà kinh tế học người Mỹ, đã viết như vậy trên tờ New York Time, thể hiện sự bất ngờ khi chứng khoán Mỹ liên tục tăng khi nền kinh tế đối mặt với rất nhiều vấn đề do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Thế rồi câu nói “chứng khoán không phải nền kinh tế” được trích dẫn phổ biến. Việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương trên thế giới nới lỏng tiền tệ “vô tiền khoáng hậu” đã tạo ra một lớp nhà đầu tư mới chạy theo dòng tiền mãnh liệt và đôi khi bỏ qua, phớt lờ những yếu tố cơ bản, trong đó ở Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Để rồi cho đến gần đây, khi các số liệu vĩ mô liên tục cho thấy nền kinh tế phục hồi vững chắc thì lại có một lớp nhà đầu tư muốn rời bỏ thị trường vì “sợ” các chính sách nới lỏng sẽ không còn được duy trì mạnh như trước.

Xin nhớ rằng, theo lẽ thường với bối cảnh vĩ mô sáng dần, những vấn đề lớn của nền kinh tế dần được giải quyết, mức lãi suất ở vùng thấp lịch sử… thì trong điều kiện đó, đúng ra mới luôn có những cơ hội đầu tư tốt!   

Chúng ta cũng không quên khi Fed thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất thì chứng khoán Mỹ vẫn vượt đỉnh, bởi, nền kinh tế của họ vẫn trụ vững, nhờ nội lực và những câu chuyện mới. Do đó với tôi, chính sách tiền tệ dù rất quan trọng với thị trường chứng khoán nhưng không phải là tất cả như khi đặt trong thời kỳ Covid – sự kiện mà có lẽ chỉ xảy đến một lần!

Chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn trong năm 2025

Tôi đánh giá trong năm 2025, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn, đặc biệt là khi so sánh với các kênh đầu tư khác. Chẳng hạn như, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tuy có xu hướng tăng nhưng vẫn ở mức thấp dưới 6% ở các ngân hàng lớn. Bất động sản cơ bản cũng ở vùng giá khá cao sau giai đoạn tăng nóng 2024 ở một số địa phương.

Nhưng cũng phải nhấn mạnh, trong năm nay thị trường chứng khoán sẽ không quá dễ dàng và tôi cho rằng, sẽ là một năm “tiền hung – hậu cát”, thị trường sẽ tích cực dần về cuối năm.

Theo tôi, giai đoạn nửa đầu năm 2025, sau giai đoạn tích cực nhất định, thị trường sẽ gặp nhiều khó khăn bởi nhiều yếu tố.

Thứ nhất, dòng tiền giai đoạn tới vẫn chưa được cải thiện. Lãi suất tiết kiệm đã bắt đầu có xu hướng tăng. Áp lực tỷ giá đang hiện hữu khi các phát biểu của Trump, được thể hiện qua đà tăng của chỉ số đồng đôla Mỹ (DXY) và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ. Tuy vậy, dòng tiền có thể sẽ được hỗ trợ một phần từ việc khối ngoại giảm bớt tốc độ bán ròng khi đã trải qua một năm 2024 bán ròng kỷ lục.

Thứ hai, tăng trưởng EPS sẽ chậm lại rõ khi mức nền thấp 2023 đi qua. Xuất khẩu đang chậm lại từ tháng 10/2024, chỉ số PMI sản xuất dưới ngưỡng 50 ở tháng 12/2024. Tiêu dùng nội địa chưa thật sự phục hồi cho thấy nền kinh tế vẫn chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Từ đó, gián tiếp ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp trong giai đoạn đầu năm nay.

Mặc dù vậy, tôi vẫn tin thị trường sẽ dần khả quan trong giai đoạn nửa cuối năm. Điều này được hỗ trợ bởi đầu tư công giải ngân mạnh hơn và có hiệu quả – ngấm dần vào nền kinh tế, các chính sách cải cách pháp lý, hành chính mới bắt đầu truyền dẫn vào nền kinh tế giúp kinh tế cải thiện hơn.

Hơn nữa, việc nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi vào tháng 9 năm nay nếu đạt được đúng như dự kiến thì sẽ giúp chứng khoán Việt Nam bước vào một chu kỳ mới.

Tóm lại, các chủ đề đầu tư chính tôi thấy có triển vọng tốt cho năm 2025 bao gồm: Nâng hạng thị trường, đầu tư công, làn sóng đầu tư công nghệ, dòng vốn FDI. Tôi nghĩ câu chuyện thị trường vượt 1.300 điểm hay không ngoài các yếu tố nội tại thì câu chuyện nâng hạng thị trường và dòng vốn ngoại sẽ đóng vai trò rất quan trọng.

Tôi không phải là người lạc quan nhưng tôi tin tưởng rằng, năm 2025 sẽ là một năm tương đối tích cực với thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tác giả: Ông Bùi Văn Huy là Giám đốc chi nhánh TPHCM của Công ty Chứng khoán DSC; Giám đốc Nghiên cứu đầu tư tại FIDT và là Chủ tịch 1IB – một công ty về Invesment Banking. Trước đó, ông từng là Giám đốc chiến lược thị trường, Giám đốc môi giới tại công ty chứng khoán TPHCM (HSC).

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật