Thách thức từ chính sách thuế quan
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động, việc ông Donald Trump tái đắc cử trở thành Tổng thống Hoa Kỳ nhiệm kỳ 2025-2028 sẽ tạo ra những ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Chiến lược thương mại và chính sách kinh tế của ông Trump sẽ mang đến cả thách thức lẫn cơ hội cho nền kinh tế trong nước.
Cụ thể, trong nhiệm kỳ tới, Tổng thống Trump dự kiến áp dụng mức thuế từ 10% đến 20% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ mọi quốc gia, đặc biệt là mức thuế lên đến 60% đối với hàng hóa từ Trung Quốc. Chính sách này là một phần của chiến lược “America First”, với mục tiêu khuyến khích sản xuất trong nước và tạo việc làm, đồng thời giảm thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ. Chính sách thuế quan này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng với thương mại toàn cầu. Các quốc gia có thương mại nhiều với Mỹ có thể chịu ảnh hưởng, trong đó có Việt Nam.
Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam của Mỹ. Nguồn: Dataweb, KIS Research
Chứng khoán KIS nhận định rằng chính sách này đang đặt ra những thách thức lớn cho Việt Nam – một đối tác thương mại quan trọng của Hoa Kỳ. Ngành xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng điện tử, dệt may, thủy sản,… sẽ phải đối mặt với áp lực lớn trong việc duy trì giá cả cạnh tranh và chất lượng sản phẩm để có thể tiếp tục tiếp cận thị trường Mỹ hiệu quả khi chịu mức thuế xuất 10%.
Trong ngắn hạn, KIS cho rằng giá trị xuất khẩu vào thị trường Mỹ có thể suy giảm. Tuy nhiên, trong dài hạn, giá trị xuất khẩu có thể tăng trở lại nhờ sự dịch chuyển của dòng vốn FDI vào Việt Nam.
Sự dịch chuyển dòng vốn FDI
Chứng khoán KIS dự báo Trung Quốc sẽ đối mặt với những khó khăn do đề xuất áp thuế mới của Tổng thống Trump, với kế hoạch đánh thuế cao lên tới 60% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều này làm tăng đáng kể giá bán, qua đó giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa Trung Quốc ở thị trường Mỹ.
Để tránh mức thuế này, nhiều doanh nghiệp sẽ có xu hướng chuyển nhà máy sang các quốc gia khác có mức thuế thấp hơn hoặc có thể chuyển dịch nhà máy về Mỹ. Điều này sẽ tác động đến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên toàn cầu. Việc chuyển dịch nhà máy không những giúp giảm giá bán ở thị trường Mỹ mà còn đảm bảo tuân thủ các quy định thương mại mới của Mỹ.
KIS nhận định các ngành công nghệ cao thâm dụng vốn có thể được chuyển dịch về Mỹ. Tuy nhiên, các ngành thâm dụng lao động có thể chuyển dịch sang các nước khác. Nguyên nhân là do chi phí lao động cao ở Mỹ khiến việc chuyển nhà máy về Mỹ không mang lại lợi ích như khi chuyển sang các quốc gia khác.
Vốn FDI đăng ký của Việt Nam theo tháng. Nguồn: MPI, KIS Research
Dòng vốn FDI hàng năm của Việt Nam. Nguồn: MPI, KIS Research
Việc dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc cũng đòi hỏi sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng (vốn đã hoàn thiện và hiệu quả ở Trung Quốc) sang các quốc gia khác. Điều này sẽ tạo ra thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp. Do đó, lựa chọn các quốc gia gần Trung Quốc có thể giúp giảm chi phí và tránh được nhiều vấn đề. Vì vậy, Việt Nam có thể trở thành một điểm đến hấp dẫn. Điều này đã được chứng kiến trong giai đoạn 2017-2020 khi ông Trump làm Tổng thống Mỹ.
Sự dịch chuyển của dòng FDI sẽ tạo ra nhiều việc làm và gia tăng các mặt hàng xuất khẩu trong dài hạn, điều này có thể ảnh hưởng tới Việt Nam.