Ngành thủy sản 2024 – Tiêu điểm xuất khẩu nửa cuối năm
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã dần trở lại quỹ đạo tăng trưởng bình thường và có những sự tăng tốc vào nửa cuối năm 2024. Cụ thể, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 10 và tháng 11/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản ghi nhận lần lượt 1 tỷ đô (+28% yoy) và 924 triệu đô (+17% yoy). Tính lũy kế 11T2024, tổng khi ngạch xuất khẩu thủy sản đạt mức khoảng 9.2 tỷ đô (tăng +11.5% yoy).
Cá tra thương mại được nuôi tại đồng bằng sông Cửu Long
Trong đó, hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực là cá tra và tôm đều ghi nhận sự tăng trưởng tích cực trong 11T2024. Cụ thể, sản phẩm cá tra đạt 1,84 tỷ đô (tăng +9.5% yoy) và tôm ghi nhận 3.6 tỷ đô (+13.6% yoy). Theo quan sát của Chứng khoán KIS, sự tăng trưởng tích cực này được thúc đẩy bởi sản lượng xuất khẩu phục hồi nhanh, song tốc độ cải thiện của giá bán vẫn chậm tại các thị trường trọng điểm.
Bước sang năm 2025, KIS cho rằng triển vọng xuất khẩu tôm và xuất khẩu cá tracó sự phân hóa giữa các quốc gia tiêu thụ chính. Đặc biệt, thị trường Mỹ sẽ có nhiều thay đổi do tác động từ chính sách thương mại mới dưới thời tổng thống Trump.
Triển vọng xuất khẩu cá tra 2025
Thị trường Mỹ – Dự báo tích cực mặc dù đối mặt với sự bất định từ chính sách thuế nhập khẩu
Trong năm 2024, thị trường Mỹ có sự phục hồi ấn tượng về sản lượng, song giá bán cũng đã tạo đáy và trên đà cải thiện nhưng mức độ chưa cao. Nhưng nhìn chung đây là thị trường có sức bật tốt nhất trong các thị trường xuất khẩu trọng điểm nhờ vào nhu cầu tiêu dùng phục hồi và lấy thêm thị phần từ các loại cá phi-lê khác tại thị trường Mỹ.
Sang năm 2025, trước những sự bất định trong chính sách thuế nhập khẩu mới của chính quyền Tổng thống Trump (áp thuế 10~20% lên mọi hàng hóa, và 60% lên hàng hóa từ Trung Quốc) đang khiến cho triển vọng ngành trở nên khó lường. Chúng tôi đưa ra ba kịch bản với ba mức thuế cụ thể và những tác động lên cấu trúc ngành như sau:
Ba kịch bản thuế nhập khẩu vào thị trường Mỹ dưới thời Tổng thống Trump và mức độ ảnh hưởng
Tuy nhiên, Chứng khoán KIS đưa ra quan điểm lạc quan trong trung và dài hạn, mặc dù những diễn biến ngắn hạn đang trở nên thách thức đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Mỹ. Hưởng lợi từ việc áp thuế cao hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cao hơn, cụ thể là cá rô phi Trung Quốc), mở ra cơ hội lấy thêm được thị phần xuất khẩu nhờ vào mức giá bán cá tra thấp hơn.
Song song đó, theo chúng tôi quan sát thường xảy ra hiện tượng ‘chạy đua’ nhập khẩu hàng hóa trước khi sắc lệnh áp thuế nhập khẩu ban hành. Do vậy, triển vọng xuất khẩu cá tra dự báo tích cực trong nửa đầu năm 2025 về cả giá bán và sản lượng, sau đó giảm dần về mức bình thường trong nửa sau của năm.
Thị trường Trung Quốc và EU – Sức nóng cạnh tranh còn hiện hữu
Với thị trường Trung Quốc và EU, xuất khẩu cá tra vẫn là bức tranh có gam màu tối do (1) Nhu cầu tiêu dùng chưa phục hồi hoàn toàn,, và (2) Áp lực cạnh tranh với nguồn cung cá minh thái Nga dồi dào tiếp diễn trong 2025. Do đó, chúng tôi không đánh giá cao triển vọng xuất khẩu cá tra sang hai thị trường này ít nhất trong nửa đầu 2025. Chỉ khi nhu cầu vực dậy mạnh hơn và nguồn cung cá cạnh tranh hạ nhiệt xuất khẩu cá tra sang hai thị trường này mới có động lực quay lại đà tăng trưởng.
Triển vọng xuất khẩu tôm 2025
Nhìn lại toàn ngành trong 2024, Chứng khoán KIS nhận thấy cung cầu tôm toàn cầu chưa ủng hộ cho sự tăng tốc xuất khẩu. Nguồn cung tôm toàn cầu vẫn tăng nhờ mùa vụ thu hoạch hiệu quả tại hai cường quốc nuôi tôm là Ấn Độ và Ecuador. Ở phía nhu cầu, các thị trường tiêu thụ tôm chính của Việt Nam như Mỹ, EU hay Nhật Bản chỉ mới chớm cải thiện. Do đó, áp lực lên giá tôm vẫn khá cao, bất chấp cho sản lượng xuất khẩu tôm của Việt Nam đã có bước đầu bứt phá tốt.
Tổng nguồn cung tôm toàn cầu có thể tiếp tục tăng nhẹ trong năm 2025 (theo Rabobank)
Sang 2025, chúng tôi có những kỳ vọng như sau:Nguồn cung tôm toàn cầu: Theo tổ chức Rabobank dự phóng, tổng nguồn cung tôm toàn cầu có thể tiếp tục tăng nhẹ trong năm 2025, khoảng +3% so với 2024.
Nhu cầu tiêu thụ tôm: Chúng tôi kỳ vọng 3 thị trường tiêu thụ chính sẽ duy trì đà phục hồi. Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng sẽ có sự phân hóa giữa các quốc gia kể trên. Trong đó:
Thị trường Mỹ: xu hướng người tiêu dùng hiện tại vẫn đang ưu tiên những sản phẩm thủy sản giá rẻ và trước tình hình khó khăn trên các nhà bán lẻ cũng đang phải tăng các đợt khuyến mãi để kích cầu. Do đó, KIS cho rằng sự phục hồi rõ ràng chỉ đến ở nửa sau 2025. Đối với tác động thuế nhập khẩu, xác suất đánh thuế lên mặt hàng tôm là rất thấp do Mỹ phục thuộc khá lớn vào nguồn cung tôm nhập khẩu mà không tự sản xuất trong nội địa và đây cũng là mặt hàng thiết yếu. Song song đó, Mỹ cũng đã áp nhiều loại thuế như thuế chống bán phá giá (AD) và thuế chống trợ cấp (CVD) lên mặt hàng tôm. Vì vậy, xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ không chịu ảnh hưởng tiêu cực.
Thị trường EU: Mặc dù đã xuất hiện những tín hiệu tích cực trong xu hướng tiêu dùng và tình hình nhập khẩu tôm vào EU đang có sự khả quan. Nhưng chúng tôi nhận thấy áp lực cạnh tranh với nguồn cung tôm từ Ecuador và Ấn Độ vẫn còn hiện hữu. Áp lực này cản trở sự phục hồi của giá tôm xuất khẩu của Việt Nam sang EU trong năm 2025.
Thị trường Nhật Bản: Ở thị trường Nhật, chúng tôi kỳ vọng xuất khẩu tôm sẽ khả quan hơn so với Mỹ và EU nhờ vào hai động lực chính (1) Sự phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản sau những chính sách kích thích kinh tế dần hiệu quả, từ đó hỗ trợ cho chi tiêu, tiêu dùng ở kênh bán lẻ và kênh nhà hàng, (2) Đồng Yên mạnh lên là động lực cho sức cầu tiêu dùng phục hồi và giá hàng hoá nhập khẩu không còn bị áp lực giảm giá.