spot_img
27 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánChứng khoán kỳ vọng tăng trở lại

Chứng khoán kỳ vọng tăng trở lại

Việc đưa vào vận hành hệ thống mới cùng nỗ lực từ phía doanh nghiệp niêm yết mang lại kỳ vọng cho nhà đầu tư

Nhiều cổ đông vừa trải qua mùa đại hội buồn khi giá cổ phiếu đồng loạt lao dốc. Tuy nhiên, từ ngày 5-5, hệ thống công nghệ thông tin mới (KRX) chính thức đưa vào vận hành được kỳ vọng sẽ là cú hích lớn, thổi luồng gió mới vào thị trường.

Mục tiêu nâng hạng rõ ràng hơn

Trong những ngày nghỉ lễ, nhiều công ty chứng khoán cấp tập nâng cấp và chuyển đổi sang hệ thống KRX. Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc khối nghiên cứu và phát triển khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho biết nhiều nhân sự đang làm việc xuyên lễ, nhất là ở mảng công nghệ thông tin, để sẵn sàng cho hệ thống mới. Ông nhìn nhận việc KRX chính thức vận hành trong ít ngày tới mang nhiều kỳ vọng cho thị trường, mở ra dư địa để phát triển các sản phẩm mới.

Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán VNDIRECT, vận hành KRX là một trong những bước hướng tới mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi, theo đánh giá của 2 tổ chức đánh giá – phân loại thị trường FTSE Russell và MSCI.

Chứng khoán kỳ vọng tăng trở lại- Ảnh 1.

Nhà đầu tư tham dự đại hội cổ đông của một ngân hàng. Ảnh: LAM GIANG

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Maybank nhận định Việt Nam đang tiến gần hơn đến việc nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp trong kỳ đánh giá tháng 9-2025 của FTSE Russell. Mặc dù còn một số yêu cầu về thanh toán cần đáp ứng, việc giới thiệu mô hình giao dịch không yêu cầu ký quỹ trước là một bước tiến quan trọng. Các cơ quan quản lý Việt Nam vẫn cam kết thực hiện các cải cách cần thiết, bao gồm nâng cấp nền tảng giao dịch, cho thấy khả năng cao Việt Nam sẽ đáp ứng tiêu chí và được nâng hạng thành công.

Về phía các nhà đầu tư, nhiều người tin tưởng hệ thống KRX được đưa vào vận hành là một trong những luồng gió mới, mở ra kỳ vọng VN-Index tiếp tục phục hồi. Trước đó, nhà đầu tư chứng khoán đã nản lòng, gần như không còn kiên nhẫn sau cú sụt giảm rất mạnh của thị trường vào đầu tháng 4-2025. Thời điểm đó, VN-Index có phiên giảm mạnh nhất trong lịch sử với mức giảm gần 7% và mất khoảng 250 điểm (20%) chỉ trong vài ngày.

Những động thái bất ngờ

So với mức đỉnh 1.340 điểm năm nay, VN-Index đang giảm hơn 100 điểm. Đợt sụt giảm xảy ra trong bối cảnh các doanh nghiệp (DN) vào mùa đại hội cổ đông, khiến thông tin liên quan chia cổ tức “khủng” lên đến 20%-30% bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu cũng không đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư.

Ngành ngân hàng (NH) là một trong những lĩnh vực có số lượng cổ đông lớn nhất. Tại nhiều phiên đại hội cổ đông, cổ tức không còn là vấn đề “nóng”, thay vào đó, sự quan tâm hướng tới việc khi nào giá cổ phiếu tăng trở lại, vì sao định giá cổ phiếu rẻ và hấp dẫn nhưng giá vẫn giảm tiếp… Các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu NH như VIB, VPB, OCB… đều chịu cảnh giảm giá khá mạnh trong đợt điều chỉnh chung của thị trường. Không ít cổ phiếu NH khác như VCB, MSB, NAB, BVB… trở lại vùng tích lũy cả năm nay, dù kết quả kinh doanh quý I/2025 khả quan.

Trước diễn biến của thị trường, nhiều NH, DN đã có những động thái mạnh mẽ. Tại đại hội cổ đông thường niên mới đây của NH Quân đội (MB), một trong những vấn đề quan trọng được cổ đông thông qua là phương án mua lại 100 triệu cổ phiếu (tương đương khoảng 1,6% vốn điều lệ). Chủ tịch HĐQT Lưu Trung Thái cho hay động thái này nhằm bảo vệ lợi ích của cổ đông và giá trị DN trước những biến động của thị trường. Giá cổ phiếu của MB hiện ở mức 23.550 đồng.

HĐQT của Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng đã trình cổ đông kế hoạch mua lại 8 triệu cổ phiếu PNJ, chiếm khoảng 2,5% tổng số cổ phiếu đang lưu hành. Theo đại diện PNJ, việc mua lại cổ phiếu nhằm dự phòng để bảo vệ lợi ích của cổ đông trong bối cảnh thị trường diễn biến phức tạp do tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ. Giá cổ phiếu PNJ hiện ở mức 71.100 đồng, giảm mạnh so với vùng tích lũy 95.000 đồng/cổ phiếu cả năm qua.

Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT NH Phương Đông (OCB), nói rằng 2024 là một năm khá khó khăn trong hoạt động kinh doanh của NH và năm 2025 dự báo vẫn còn nhiều thách thức. Tuy nhiên, NH luôn ưu tiên quyền lợi của cổ đông. Năm nay, OCB đã trình đại hội cổ đông phê duyệt chính sách trả cổ tức bằng tiền mặt với tỉ lệ 7% và bằng hình thức phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỉ lệ 8%. Tổng lợi ích cổ đông nhận được là 15%.

Theo ông Tuấn, cổ phiếu của OCB đang bị định giá thấp so với các cổ phiếu khác cùng ngành – P/B (giá trị sổ sách) của OCB chỉ ở mức 0,82 trong khi trung bình các NH tư nhân là 1,25. Cổ phiếu OCB đang bị chiết khấu tới 35%. “Phải thẳng thắn thừa nhận rằng khi kết quả kinh doanh chưa đạt như kỳ vọng thì giá cổ phiếu cũng sẽ bị tác động. Tuy nhiên, OCB đã và đang đưa ra một số giải pháp nhằm cải thiện sức khỏe tài chính, tình hình kinh doanh, qua đó tạo niềm tin với cổ đông hiện hữu lẫn nhà đầu tư tiềm năng” – ông Tuấn khẳng định. 

Ngân hàng muốn mua công ty chứng khoán

Thông tin đáng chú ý ở mùa đại hội cổ đông ngành NH năm nay là nhiều NH trình kế hoạch mua lại công ty chứng khoán. Tại đại hội của NH Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), HĐQT đã trình chủ trương góp vốn/mua cổ phần công ty chứng khoán để trở thành công ty con của ngân hàng. Hiện tại, Sacombank là cổ đông lớn nhất tại Công ty Chứng khoán SBS với tỉ lệ sở hữu gần 13,8% nhưng chủ trương lần này của NH là sẽ chọn một công ty có dịch vụ phù hợp để phát triển các lĩnh vực đầu tư.

Tương tự, MSB, SeABank trình đại hội cổ đông thông qua kế hoạch mua công ty chứng khoán khi đây là thị trường tiềm năng, giữ vai trò kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế. Nhiều NH khác như VPBank, ACB, Techcombank, Vietcombank, MB… cũng thành lập, mua lại hoặc sở hữu công ty chứng khoán.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật