spot_img
19 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánChứng khoán nâng hạng: Trang bị hành trang giúp doanh nghiệp thu...

Chứng khoán nâng hạng: Trang bị hành trang giúp doanh nghiệp thu hút dòng vốn ngoại

Nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi được kỳ vọng là cú hích lớn cho chứng khoán Việt Nam, mở ra cơ hội thu hút hàng chục tỷ USD vốn ngoại. Tuy nhiên, dòng vốn quốc tế sẽ chỉ đổ mạnh vào những doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe về minh bạch, quản trị và hiệu quả hoạt động. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức lớn với thị trường và doanh nghiệp trong nước.

Nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi được xem là “tấm vé thông hành” giúp Việt Nam tiếp cận dòng vốn quốc tế quy mô lớn. Theo ước tính của HSBC, việc lọt vào rổ chỉ số FTSE Emerging Markets có thể giúp Việt Nam thu hút thêm khoảng 4 – 5 tỷ USD từ các quỹ đầu tư thụ động (ETF) trong giai đoạn đầu, và con số này có thể tăng lên khoảng 10 tỷ USD nếu Việt Nam tiếp tục được MSCI nâng hạng trong trung hạn. Còn theo Ngân hàng Thế giới, sau khi được FTSE Russell và MSCI công nhận nâng hạng, Việt Nam có thể thu hút tới 25 tỷ USD đầu tư quốc tế vào thị trường chứng khoán (TTCK).

Thu hút vốn ngoại là một chuyện, nhưng làm sao để doanh nghiệp Việt Nam thực sự trở nên hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư quốc tế lại là bài toán khác. Câu hỏi này được dành cho Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB), với sự tham gia của ông Nguyễn Thanh Kỳ – Chủ tịch Hiệp hội và ông Trần Thăng Long – Giám đốc Phân tích BSC, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phân tích Chứng khoán VASB.

title-1.jpg

Hiệp hội đánh giá thế nào về việc nhà đầu tư nước ngoài liên tục rút vốn khỏi TTCK Việt Nam trước thềm nâng hạng, có phải TTCK Việt Nam đang có mức định giá kém hấp dẫn?

Ông Nguyễn Thanh Kỳ – Chủ tịch VASB: Nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi TTCK Việt Nam trong thời gian gần đây không hoàn toàn phản ánh mức định giá kém hấp dẫn. Trên thực tế, chỉ số VN-Index hiện đang giao dịch với hệ số P/E trung bình khoảng 14 – 15 lần, thấp hơn so với nhiều thị trường mới nổi khác trong khu vực.

Theo VASB, nhiều khả năng xuất phát từ các yếu tố mang tính toàn cầu hơn là vấn đề nội tại của thị trường Việt Nam. Thứ nhất, lãi suất tại các thị trường phát triển như Mỹ đang ở mức cao, khiến dòng vốn có xu hướng quay lại các tài sản an toàn như trái phiếu chính phủ Mỹ. Thứ hai, những bất ổn địa chính trị và kinh tế toàn cầu, chẳng hạn như xung đột Nga – Ukraine hay căng thẳng tại Trung Đông cũng khiến các quỹ đầu tư quốc tế trở nên thận trọng hơn, từ đó giảm phân bổ vào các thị trường cận biên như Việt Nam.

Ngoài ra, một số rào cản kỹ thuật như yêu cầu ký quỹ trước khi giao dịch (pre-funding) hay giới hạn sở hữu nước ngoài (room ngoại) vẫn chưa được tháo gỡ triệt để, làm giảm tính thanh khoản và mức độ thuận tiện đối với nhà đầu tư quốc tế.

Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Thăng Long – Giám đốc Phân tích BSC, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phân tích Chứng khoán VASB dẫn chứng rằng các thị trường trong khu vực và nhóm thị trường mới nổi đều ghi nhận dòng vốn rút ròng trong năm 2024 và cả 3 tháng đầu năm 2025. Cụ thể, Ấn Độ ghi nhận mức rút vốn lên tới 15,8 tỷ USD, Hàn Quốc 5,5 tỷ USD, Đài Loan 13,4 tỷ USD, Malaysia 1,6 tỷ USD, Thái Lan 0,9 tỷ USD và Việt Nam 0,7 tỷ USD. Nguyên nhân chủ yếu đến từ mặt bằng lãi suất cao tại Hoa Kỳ và áp lực tỷ giá, khiến dòng vốn có xu hướng quay trở lại các thị trường phát triển.

q1.jpg

Khi thị trường được nâng hạng, dòng vốn ngoại sẽ thay đổi ra sao? Các quỹ đầu tư nước ngoài quan tâm đến những yếu tố nào của thị trường chung và doanh nghiệp niêm yết?

Ông Trần Thăng Long: Khối ngoại thường có xu hướng mua ròng trước thời điểm thị trường chính thức được nâng hạng. Với FTSE Russell, nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu mua ròng từ 2 – 4 tháng trước khi tổ chức này công bố quyết định nâng hạng và tiếp tục gia tăng mua trong giai đoạn chuyển đổi. Đối với MSCI, khối ngoại thường mua ròng từ 4 – 5 tháng trước thời điểm thông báo nâng hạng. Giai đoạn giải ngân mạnh nhất thường diễn ra sau khi có thông báo chính thức, kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm.

Dòng vốn ngoại chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp có vốn hóa lớn, thanh khoản cao và còn room cho nhà đầu tư nước ngoài. Một số cổ phiếu dự kiến sẽ thu hút mạnh dòng vốn bao gồm: HPG, VNM, MSN, VCB, SSI, VIC, VHM, VRE… Theo dự báo của chúng tôi, khối ngoại có thể đầu tư hơn 1,5 tỷ USD khi FTSE nâng hạng. Ngoài các quỹ chỉ số, thị trường còn ghi nhận sự tham gia của nhiều quỹ đầu tư khác như ETF, quỹ mở, quỹ chủ động. Do đó, tổng quy mô dòng vốn ngoại thực tế đổ vào thị trường Việt Nam sau khi được nâng hạng có thể lớn hơn nhiều.

Các quỹ đầu tư nước ngoài thường quan tâm đến một số yếu tố sau:

Kinh tế vĩ mô ổn định: Tăng trưởng GDP bền vững, lạm phát, lãi suất và tỷ giá được kiểm soát, không biến động mạnh.

Khung pháp lý minh bạch: Quy định rõ ràng về thuế, mở tài khoản, giao dịch ký quỹ (margin), và các quy định liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài.

Hệ thống giao dịch hiện đại và thuận tiện: Tốc độ khớp lệnh nhanh, thanh khoản cao, room ngoại còn dư, tỷ lệ free float hợp lý và hoạt động ra/vào vốn linh hoạt.

Doanh nghiệp niêm yết minh bạch: Công bố thông tin tài chính đầy đủ, quản trị doanh nghiệp tốt và có triển vọng tăng trưởng rõ ràng.

Tiến trình nâng hạng rõ ràng: Có lộ trình cải thiện thị trường minh bạch, đầy đủ hướng dẫn và cam kết thực thi từ cơ quan quản lý.

title-2.jpg

Theo Hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị gì để đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài?

Ông Nguyễn Thanh Kỳ – Chủ tịch VASB: Thứ nhất, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng quản trị bằng cách tuân thủ các nguyên tắc quản trị tốt, chẳng hạn như Bộ nguyên tắc quản trị doanh nghiệp của OECD hoặc các chuẩn mực quốc tế như IFRS (Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế). Điều này giúp tăng cường tính minh bạch và độ tin cậy, tạo niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài. Báo cáo tài chính cần được lập một cách rõ ràng, đầy đủ và tuân thủ các chuẩn mực quốc tế.

Thứ hai, thông tin minh bạch, công bố đầy đủ và bằng cả tiếng Anh để tiếp cận nhà đầu tư quốc tế. Đội ngũ quan hệ nhà đầu tư (IR) cần có khả năng giao tiếp tốt, am hiểu về doanh nghiệp và thị trường, có thể cung cấp thông tin một cách nhanh chóng và chính xác cho nhà đầu tư.

Thứ ba, hiệu quả hoạt động cần cải thiện, cần có chiến lược phát triển dài hạn, tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng cao; đồng thời kiểm soát chi phí hiệu quả và nâng cao tỷ suất lợi nhuận trên vốn để tăng khả năng cạnh tranh.

Thứ tư, doanh nghiệp cần xem xét nới lỏng giới hạn sở hữu nước ngoài, đặc biệt trong các ngành không thuộc danh mục hạn chế, nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia sâu hơn.

Thứ năm, doanh nghiệp cần tăng cường hiện diện tại các hội nghị đầu tư quốc tế thông qua các roadshow ở các trung tâm tài chính lớn để quảng bá hình ảnh và kết nối với các quỹ đầu tư; đồng thời, chủ động tìm kiếm và xây dựng mối quan hệ với các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng.

Bằng cách thực hiện những bước chuẩn bị này, doanh nghiệp Việt Nam có thể nâng cao sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài và tận dụng tối đa cơ hội từ việc nâng hạng thị trường.

q-2.jpg

Điều này sẽ hạn chế sự lan tỏa của dòng vốn ngoại đến toàn bộ thị trường, làm giảm hiệu quả của việc nâng hạng.

Ví dụ, những sự kiện tiêu cực như vụ việc của Tân Hoàng Minh hay FLC đã làm giảm lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, ở khu vực ASEAN, các thị trường như Thái Lan hay Malaysia đã thu hút được lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài nhờ chất lượng quản trị doanh nghiệp vượt trội.

So với các nước đã được nâng hạng trước đây, doanh nghiệp Việt Nam cần rút ra bài học gì để tăng khả năng hấp thụ vốn ngoại? Bản thân Hiệp hội có đề xuất gì đối với doanh nghiệp?

Ông Nguyễn Thanh Kỳ – Chủ tịch VASB: Để tăng khả năng hấp thụ vốn ngoại, doanh nghiệp Việt Nam có thể rút ra những bài học kinh nghiệm từ các quốc gia đã thành công trong việc nâng hạng TTCK. Như Thái Lan và Malaysia đã chú trọng cải thiện tính minh bạch thông tin, áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS) và nới lỏng giới hạn sở hữu nước ngoài. Họ cũng đầu tư vào nâng cấp hạ tầng công nghệ giao dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư quốc tế. Hay Hàn Quốc, đã thành công trong việc thu hút vốn ngoại nhờ cải thiện quản trị doanh nghiệp và công bố thông tin bằng tiếng Anh, giúp nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng tiếp cận.

Ông Trần Thăng Long: Qatar và UAE trước khi được nâng hạng bởi MSCI và FTSE, cả hai quốc gia đều chủ động mở room ngoại từ 29% – 49% (trừ lĩnh vực nhạy cảm), tạo hành lang pháp lý và vận hành CCP. Hai quốc gia đã thực hiện các biện pháp để đơn giản hóa thủ tục đăng ký cho nhà đầu tư nước ngoài và yêu cầu doanh nghiệp công bố thông tin đầy đủ bằng tiếng Anh, áp dụng chuẩn mực kế toán IFRS. Saudi Arabia áp dụng IFRS bắt buộc từ 2017, trước khi MSCI công bố nâng hạng vào 2019. Đồng thời, Saudi cũng dần nới lỏng giới hạn sở hữu nước ngoài, cho phép các nhà đầu tư quốc tế tham gia sâu rộng hơn vào các lĩnh vực khác nhau.

Bản thân các doanh nghiệp cũng lên tự làm mới mình để có thể thu hút nhà đầu tư nước ngoài khi Việt Nam được nâng hạng: áp dụng IFRS; nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp; tăng cường quan hệ nhà đầu tư (IR); công bố thông tin bằng tiếng Anh; nới room ngoại.

VASB tin rằng, việc chủ động thực hiện những giải pháp trên sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam không chỉ gia tăng khả năng hấp thụ vốn ngoại mà còn nâng cao vị thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

title-3.jpg

Nếu TTCK Việt Nam được nâng hạng, điều này sẽ tác động ra sao đến mặt bằng định giá cổ phiếu và thanh khoản?

Ông Trần Thăng Long: Theo số liệu thống kê về phân hạng thị trường trong quá khứ của MSCI và FTSE Russell đối với các quốc gia từng được nâng hạng như UAE, Qatar, Trung Quốc, phần lớn thanh khoản đều có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, yếu tố căn bản vẫn phải phụ thuộc vào nội tại nền kinh tế.

Về thanh khoản, TTCK UAE và Qatar ghi nhận sự cải thiện tích cực trong giai đoạn 4 – 6 tháng trước thời điểm được FTSE công bố nâng hạng. Tuy nhiên, sau khi thông báo chính thức được đưa ra, thanh khoản có xu hướng giảm dần. Đối với các thị trường được MSCI nâng hạng, thanh khoản thường tăng dần trước thời điểm công bố khoảng 6 tháng và tiếp tục duy trì đà tăng trong 6 tháng sau đó. Diễn biến thanh khoản cũng được cải thiện đáng kể trong và sau quá trình tái cơ cấu danh mục đầu tư của FTSE và MSCI.

Riêng trường hợp Trung Quốc, do chịu tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, thanh khoản có xu hướng tăng giảm đan xen trước thời điểm công bố. Tuy nhiên, sau 6 tháng kể từ khi MSCI công bố nâng hạng, thanh khoản bắt đầu tăng dần, dù không ghi nhận nhiều đột biến trong suốt quá trình chuyển đổi danh mục.

Về diễn biến và định giá thị trường, theo số liệu của CFA Institute, trung bình các thị trường được MSCI nâng hạng từ cận biên lên mới nổi tăng khoảng 23,2% trong khoảng thời gian từ lúc thông báo đến khi quyết định chính thức có hiệu lực. Các chỉ số định giá như P/E và P/B cũng có xu hướng tăng trong ngắn hạn do kỳ vọng về cải thiện thanh khoản và dòng tiền mới. Tuy nhiên, sau khi hoàn tất quá trình chuyển đổi, P/E và P/B tại nhiều thị trường có thể điều chỉnh về mức hợp lý hơn khi “hiệu ứng nâng hạng” dần qua đi. Điều này phù hợp với các nghiên cứu cho thấy hiệu suất của chỉ số thị trường có xu hướng “phẳng” trước và sau thời điểm phân loại nâng hạng.

q3(1).jpg

BSC Research dự báo VN-Index có thể chạm mốc 1.436 điểm trong năm 2025, với hệ số P/E dự phóng trong khoảng 13.x – 14.5x, cùng với lợi nhuận sau thuế toàn thị trường tăng trưởng 16% – 18% so với cùng kỳ.

Về trung và dài hạn, việc thu hút vốn ngoại sẽ đóng góp thế nào vào sự phát triển bền vững của TTCK Việt Nam?

Ông Trần Thăng Long: Theo các nghiên cứu trên thế giới về tác động của sự kiện phân hạng thị trường do MSCI thực hiện, có 5 lợi ích rõ rệt, bao gồm: (1) Gia tăng dòng vốn FDI (điển hình là trường hợp của Ai Cập, Ấn Độ); (2) Thu hút lượng lớn các quỹ đầu tư chỉ số; (3) Tạo cơ sở thuận lợi để các nhà đầu tư tổ chức/định chế tài chính nước ngoài gia nhập thị trường; (4) Cải thiện quản trị nội bộ doanh nghiệp trong nước; (5) Tác động tích cực đến việc thực thi các cam kết về chính sách từ phía cơ quan quản lý.

Việc TTCK được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi, trước mắt là đạt chuẩn của FTSE và xa hơn là đáp ứng được các tiêu chuẩn của MSCI sẽ mở ra một giai đoạn phát triển mới cho thị trường vốn Việt Nam.

Cơ quan quản lý và các doanh nghiệp trong nước cũng cần đánh giá lại cơ hội và tiềm năng khi TTCK được nâng hạng, để sớm đẩy nhanh các quá trình như IPO, chuyển niêm yết từ UPCoM lên HoSE/HNX, cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước, nhằm tận dụng dòng vốn lớn từ nhà đầu tư nước ngoài, qua đó tăng quy mô hàng hóa và chiều sâu của thị trường.

Dòng vốn ngoại có thể giúp thị trường Việt Nam phát triển bền vững, nhưng liệu có nguy cơ bị rút mạnh khi có biến động toàn cầu? Doanh nghiệp và cơ quan quản lý cần làm gì để hạn chế rủi ro này?

Ông Trần Thăng Long: Trong quá khứ, từ năm 2000 – 2024, không ít quốc gia từng được nâng hạng thị trường nhưng cũng nhanh chóng bị hạ bậc, điển hình là Argentina, Hy Lạp và Pakistan. Nguyên nhân chủ yếu đến từ các yếu tố nội tại của nền kinh tế như: khủng hoảng tài chính, nợ công và bất ổn chính trị tại Argentina; xung đột địa chính trị tại Nga; khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp; bất ổn chính trị, ảnh hưởng từ thiên tai tại Pakistan.

Việc thị trường bị hạ bậc thường kéo theo làn sóng rút vốn mạnh từ nhà đầu tư nước ngoài, gây ra những bất ổn cho thị trường vốn quốc gia. Khối ngoại có xu hướng bán ròng trước thời điểm có thông báo chính thức về việc hạ bậc. Đây được xem là một tín hiệu cảnh báo sớm cần đặc biệt lưu ý.

Để tránh những thiệt hại do việc bị hạ bậc TTCK, Việt Nam cần xây dựng chiến lược phát triển dài hạn, hướng đến đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn trong hệ thống đánh giá của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới. Một số biện pháp trọng yếu cần được triển khai bao gồm:

– Đảm bảo nền kinh tế tăng trưởng bền vững, với sự phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ.

– Cập nhật khung pháp lý nhằm phù hợp với diễn biến thị trường và yêu cầu của các tổ chức xếp hạng, theo thông lệ quốc tế.

– Nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm hệ thống giao dịch mới, áp dụng mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP).

– Gia tăng chất lượng hàng hóa trên thị trường, mở ra thêm cơ hội đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài khi thị trường được nâng hạng.

– Doanh nghiệp niêm yết cần nâng cao năng lực quản trị, áp dụng các chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS); đồng thời các thành viên thị trường như công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, ngân hàng lưu ký cần tiếp tục cải thiện năng lực tài chính, chất lượng nhân sự và ứng dụng công nghệ.

Với vai trò là tổ chức tự nguyện phi Chính phủ, hướng đến một TTCK phát triển trong môi trường cạnh tranh minh bạch và bình đẳng, Hiệp hội có kiến nghị gì để thúc đẩy quá trình này?

Ông Nguyễn Thanh Kỳ – Chủ tịch VASB: Thứ nhất, nâng cao tính minh bạch, VASB đề xuất UBCKNN và các sở giao dịch chứng khoán áp dụng các chuẩn mực quốc tế về công bố thông tin. Theo đó, yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết công bố báo cáo tài chính theo IFRS và bằng tiếng Anh, nhằm tăng cường tính minh bạch và khả năng tiếp cận của nhà đầu tư quốc tế. Việc công khai thông tin tài chính một cách minh bạch là yếu tố then chốt giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định đúng đắn.

Thứ hai, cải thiện hạ tầng thị trường, VASB kêu gọi đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống giao dịch KRX (dự kiến vận hành vào giữa năm 2025). Hệ thống này sẽ hỗ trợ giao dịch trong ngày (T+0) và cải thiện cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm (CCP), qua đó đáp ứng các tiêu chuẩn của các tổ chức xếp hạng quốc tế. Việc này được kỳ vọng sẽ giúp tăng tính thanh khoản và nâng cao hiệu quả vận hành thị trường.

Thứ ba, về room ngoại, VASB đề xuất Chính phủ xem xét nới lỏng hoặc dỡ bỏ giới hạn sở hữu nước ngoài trong các ngành không thuộc danh mục hạn chế, đặc biệt là các lĩnh vực tiềm năng như công nghệ, fintech và logistics, nhằm thu hút thêm vốn đầu tư.

Thứ tư, phát triển sản phẩm tài chính mới, VASB khuyến nghị cơ quan quản lý hỗ trợ mạnh mẽ việc phát triển các sản phẩm tài chính hiện đại, giúp TTCK Việt Nam bắt kịp xu hướng quốc tế và đa dạng hóa kênh đầu tư cho nhà đầu tư.

VASB cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý, doanh nghiệp niêm yết và các bên liên quan, với mục tiêu hiện thực hóa các kiến nghị này, góp phần xây dựng TTCK Việt Nam minh bạch, cạnh tranh và phát triển bền vững.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật