Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa khép lại một tuần rực rỡ, VN-Index tăng hơn 70 điểm (+5,1%), ghi nhận tuần tăng mạnh nhất kể từ cuối tháng 11/2022. Đây là tuần tăng điểm thứ 4 liên tiếp của chỉ số. Đà tăng này đưa VN-Index leo lên vùng đỉnh hơn 3 năm, kể từ tháng 4/2022 và chỉ còn kém khoảng 70 điểm so với đỉnh lịch sử.

Giao dịch cũng rất sôi động với liên tiếp các phiên giao dịch khớp lệnh tỷ USD. Dù chưa thể bùng nổ như giai đoạn “đáy thuế quan” hồi tháng 4 nhưng đây vẫn là một trong những khoảng thời gian sôi động nhất trong nhiều năm trở lại đây. Thanh khoản tăng mạnh đến từ cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Một trong những động lực thúc đẩy thị trường là sự trở lại mạnh mẽ của dòng vốn ngoại, tương tự như giai đoạn cuối tháng 11/2022. Khối ngoại mua ròng cả 5 phiên trong tuần qua với tổng giá trị mua ròng lên đến gần 7.000 tỷ đồng, cao nhất tính từ đầu năm 2025. Dòng vốn ngoại tập trung chủ yếu tại các cổ phiếu vốn hóa lớn tại nhóm ngân hàng, chứng khoán, thép.

Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Phòng Nghiên cứu Phân tích, Khối Khách hàng Cá nhân của Maybank Investment Bank (MSVN), có một số biểu hiện cho thấy P-Notes đóng góp quan trọng vào lực mua của khối ngoại. P‑Notes có đặc tính giao dịch quyết liệt và thường tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa lớn, thanh khoản cao. Đây cũng là dòng tiền từng xuất hiện vào giai đoạn tháng 11/2022.
Ngoài dòng tiền P-Notes, dòng vốn ngoại trở lại vào giai đoạn này còn được kỳ vọng sẽ mang tính dài hạn hơn khi câu chuyện nâng hạng đang ngày càng rõ ràng. Theo nhiều nhận định, dòng vốn ngoại thường đến sớm trước thời điểm nâng hạng khoảng 4-5 tháng. Nếu đúng kỳ vọng, chứng khoán Việt Nam có thể được FTSE nâng hạng vào cuối năm nay và đây là khoảng thời gian hợp lý để đón sóng nâng hạng.
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược Thị trường VPBankS dự báo, khả năng thị trường Việt Nam được nâng hạng ngay trong tháng 9/2025 là khoảng 70%. Tuy nhiên, vẫn tồn tại 30% khả năng phải lùi đến tháng 3/2026 do tổ chức xếp hạng thị trường FTSE cần thêm thời gian đánh giá mức độ ổn định của hệ thống và khả năng xử lý lỗi giao dịch.
Về vấn đề này, báo cáo mới đây của JP Morgan đánh giá việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài không phải ký quỹ 100% trước khi giao dịch vào tháng 11/2024 và nâng cấp hệ thống giao dịch (KRX) đã nâng xác suất Việt Nam được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi (EM) trong kỳ rà soát tháng 9/2025. Việc nâng hạng có thể hút dòng vốn thụ động hơn 500 triệu USD vào thị trường và cải thiện tâm lý nhà đầu tư.
Cũng tại báo cáo này, JP Morgan đã nâng thị trường chứng khoán Việt Nam, cùng với Singapore và Philippines lên trạng thái “tăng tỷ trọng” (OW); giữ quan điểm “trung lập” (Neutral) với Indonesia, Malaysia và “giảm tỷ trọng” (UW) với Thái Lan. Tổ chức này còn dự báo VN-Index lên 1.500 cho kịch bản cơ sở và 1.600 điểm cho kịch bản lạc quan vào cuối năm nay.
Tương tự, báo cáo chiến lược tháng 7 của Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) cho rằng kịch bản xấu nhất đã tạm thời qua đi, mở đường cho triển vọng tăng trưởng trong trung và dài hạn. MASVN kỳ vọng xu hướng tăng sẽ tiếp diễn trong phần còn lại của quý 3/2025 với mục tiêu chinh phục vùng đỉnh lịch sử 1.550 điểm.
Báo cáo phân tich mới đây của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng cho rằng, với kịch bản cơ sở, VN-Index có thể đạt 1.555 điểm, với P/E khoảng 14,6x và EPS thị trường +12%. Với kịch bản khả quan, chỉ số có thể đạt 1.663 điểm với kỳ vọng nâng hạng thị trường, các chính sách mạnh mẽ và quyết liệt đẩy mạnh tăng trưởng và các bước tiến ngoại giao tích cực tiếp theo.