spot_img
25 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánChứng sĩ sợ giao dịch, dòng tiền chứng khoán đang rút đi?

Chứng sĩ sợ giao dịch, dòng tiền chứng khoán đang rút đi?

Kết phiên sáng 7/11, VN-Index tăng 1,6 điểm, gần mức 1.263 điểm. Thanh khoản sàn HoSE đạt 6.600 tỷ đồng, tiếp tục duy trì mức thấp trong 3 tháng trở lại đây.

3 tháng suy yếu của dòng tiền chứng khoán

Thị trường chứng khoán trong nước trầm lắng khi thanh khoản khớp lệnh đã có xu hướng sụt giảm trong nhiều tháng qua. Giá trị giao dịch bình quân trong quý III đã giảm 15% so với quý trước, về mức 14.500 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại bán ròng với mức kỷ lục khoảng 80.000 tỷ đồng từ đầu năm tới nay.

Việc thị trường vận động theo trạng thái “cưa chân bàn” khi hồi phục đôi chút, sau đó giảm sâu hơn khiến không ít nhà đầu tư thua lỗ khi tài khoản bị bào mòn từng ngày. Do đó, nhà đầu tư có xu hướng “đóng băng” giao dịch để chờ đợi những diễn biến mới nhất.

Kết phiên sáng 7/11, VN-Index tăng 1,6 điểm, gần mức 1.263 điểm. Thanh khoản sàn HoSE đạt 6.600 tỷ đồng, tiếp tục duy trì mức thấp trong 3 tháng trở lại đây.

Chứng sĩ sợ giao dịch, dòng tiền chứng khoán đang rút đi?
Diễn biến chỉ số VN-Index

Trước đó, kết phiên 6/11, VN-Index tăng nhẹ 1,25% lên 1.260 điểm nhưng thanh khoản vẫn khiêm tốn, chỉ đạt hơn 13.500 tỷ đồng. Mặc dù chứng khoán Mỹ đạt đỉnh mới nhờ tác động tích cực từ chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống, thị trường Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì mức giao dịch thấp, cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư.

Dòng tiền có nhiều sự lựa chọn

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh TP. HCM của Chứng khoán DSC chỉ ra rằng, các nhà đầu tư đang chuyển hướng dòng tiền sang các kênh đầu tư khác hoặc dùng để xử lý các vấn đề tài chính nội bộ. Điều này thể hiện qua sự sụt giảm thanh khoản từ mức trung bình 20.000 tỷ đồng trong quý đầu năm xuống còn khoảng 13.000-14.000 tỷ đồng trong nhiều tháng gần đây.

Theo ông Huy, một yếu tố khiến dòng tiền thận trọng là do Thông tư 02 sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2024. Trước thời điểm này, các ngân hàng phải tập trung vào xử lý sổ sách và điều chỉnh lợi nhuận, khiến một phần vốn bị điều chuyển khỏi thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, cuối năm 2024 sẽ chứng kiến lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp, chủ yếu từ các công ty bất động sản, đến hạn thanh toán. Tuy rủi ro dây chuyền như năm 2022 có thể không xảy ra nhưng các doanh nghiệp vẫn đang phải nỗ lực cân đối nguồn lực, ảnh hưởng không nhỏ đến thanh khoản trên sàn.

Sự hấp dẫn của các kênh đầu tư khác như USD, vàng và bitcoin cũng là yếu tố cạnh tranh với chứng khoán. Chỉ số Dollar Index đã tăng từ khoảng 100 lên mức 105, trong khi giá vàng liên tục lập đỉnh mới do tình hình địa chính trị bất ổn, tạo nên tâm lý phòng ngừa rủi ro của giới đầu tư. Điều này càng đẩy thanh khoản chứng khoán vào thế khó.

Thị trường bất động sản cũng gây áp lực lên chứng khoán khi tiếp tục ghi nhận các đợt sốt đất cục bộ ở nhiều tỉnh phía Bắc. Theo ông Huy, thị trường tài chính như một chiếc bình thông nhau – khi bất động sản tăng nóng, các kênh khác có thể bị ảnh hưởng.

Ông Huy dự đoán, thanh khoản chứng khoán sẽ chỉ cải thiện khi các vấn đề liên quan đến trái phiếu đáo hạn và Thông tư 02 được giải quyết. Ông cũng nhận định rằng, mặc dù thị trường hiện đang chán nản, đây có thể là thời điểm tốt để nhà đầu tư tìm kiếm các cổ phiếu giá trị với mức chiết khấu hấp dẫn.

Thiếu thông tin hỗ trợ, VN-Index khó tăng

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP. HCM, thị trường chứng khoán hiện tại đang khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại. Biến động tích lũy trong biên độ hẹp làm cho việc kiếm lời trở nên khó khăn, thậm chí dễ dẫn đến thua lỗ. Mặc dù có một số yếu tố tích cực, nhưng thị trường vẫn thiếu cú hích cần thiết để bứt phá khỏi vùng tích lũy, trong khi khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng.

Ông Huân cho biết, không chỉ vàng mà lãi suất tiết kiệm cũng đang nhích lên, tạo ra các lựa chọn hấp dẫn cho dòng tiền nhàn rỗi. Điều này khiến nhiều người chọn đứng ngoài thị trường chứng khoán, làm cho thanh khoản tiếp tục giảm sâu. Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tiền gửi của dân cư vào ngân hàng Việt Nam đạt mức cao kỷ lục, gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.

Mức P/E của thị trường hiện đang khoảng 14 lần – chỉ ở mức trung bình của VN-Index trong 10-15 năm qua. Tháng 11 thiếu các thông tin hỗ trợ sau mùa công bố kết quả kinh doanh quý III/2024, trong khi những kỳ vọng nâng hạng thị trường dần chuyển sang năm sau. Hơn nữa, các khoản trái phiếu đáo hạn lớn vào cuối năm và Thông tư 02 sẽ kết thúc vào cuối 2024, buộc các ngân hàng phải hạch toán nợ xấu trong 2025.

“Nếu không có động lực mạnh mẽ hơn hoặc dòng tiền mới, rất khó để thị trường chứng khoán bứt phá”, ông Huân nhận định.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật