spot_img
25.7 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánChuyên gia Dragon Capital: Với Nghị quyết 68, khu vực tư nhân...

Chuyên gia Dragon Capital: Với Nghị quyết 68, khu vực tư nhân trở thành động lực tăng trưởng dài hạn giữa bất định toàn cầu

Chuyên gia cho biết thêm, hiệu quả của Nghị quyết sẽ phụ thuộc vào quá trình tổ chức thực thi của bộ máy hành chính và mức độ hấp thụ chính sách từ khu vực tư nhân.

Trong 30 ngày đầu sau khi Hoa Kỳ công bố thuế quan đối ứng, các chỉ số kinh tế vĩ mô Việt Nam chưa ghi nhận dấu hiệu biến động rõ rệt, đà tăng trưởng nền tảng vẫn duy trì ổn định.

Số liệu tháng 4/2025 cho thấy Chỉ số Sản xuất Công nghiệp (IIP) tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước và đạt 8,4% lũy kế 4 tháng đầu năm, dẫn dắt bởi mức tăng mạnh 10,1% của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 11,1% và 9,9% so với cùng kỳ trong 4 tháng đầu năm, vượt đáng kể mức tăng 8,6% cùng kỳ năm ngoái, cho thấy nhu cầu nội địa tiếp tục duy trì tích cực trước những biến động từ bên ngoài.

Trong báo cáo mới đây, ông Nguyễn Quang Hưng, CFA Chuyên gia Kinh tế cấp cao Dragon Capital chỉ ra một số tín hiệu áp lực đã bắt đầu xuất hiện.

Chỉ số Quản lý Thu mua (PMI) tháng 4 giảm mạnh xuống 45,6, từ mức 50,5 trong tháng 3, cho thấy sự thu hẹp hoạt động sản xuất do đơn hàng mới và sản lượng giảm. Các doanh nghiệp xuất khẩu đã nhanh chóng đẩy mạnh giao hàng sớm để tránh nguy cơ gián đoạn, khiến hoạt động thương mại gia tăng tạm thời.

Trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu tăng 12,8%, ghi nhận thặng dư thương mại 5,0 tỷ USD. Mức tăng trưởng xuất khẩu này cho thấy độ mở của nền kinh tế Việt Nam và việc tăng mua hàng của các doanh nghiệp Hoa Kỳ từ các thị trường khác Trung Quốc khi mức thuế 145% được áp dụng. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm, đạt 43,3 tỷ USD, chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Chuyên gia Dragon Capital cho biết Việt Nam đang trong quá trình đối thoại thương mại với Hoa Kỳ, vòng đàm phán đầu tiên đã kết thúc. Các vòng đàm phán tiếp theo dự kiến trong tháng 5 và tháng 6, tập trung vào các vấn đề như trung chuyển qua nước thứ ba và cam kết tăng nhập khẩu hàng hóa từ Hoa Kỳ.

Chuyên gia Dragon Capital: Với Nghị quyết 68, khu vực tư nhân trở thành động lực tăng trưởng dài hạn giữa bất định toàn cầu- Ảnh 1.

Chuyên gia Dragon Capital: Với Nghị quyết 68, khu vực tư nhân trở thành động lực tăng trưởng dài hạn giữa bất định toàn cầu- Ảnh 2.

Nghị quyết 68 đưa ra một chương trình chính sách toàn diện để hiện thực hóa các mục tiêu

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu có nhiều biến động, Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng nội địa, đặc biệt thông qua khu vực kinh tế tư nhân. Nghị quyết 68 đã được ban hành nhằm nâng tầm vai trò của khu vực này, hiện bao gồm hơn 940.000 doanh nghiệp đăng ký và khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Khu vực tư nhân đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% thu ngân sách và sử dụng khoảng 82% lực lượng lao động.

Đến năm 2030, Chính phủ đặt mục tiêu có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp hoạt động. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm dự kiến đạt 10–12%, nâng tỷ trọng đóng góp vào GDP lên 55–58%, thu ngân sách lên 35–40% và tỷ trọng việc làm lên 84–85%.

Nghị quyết 68 đưa ra một chương trình chính sách toàn diện để hiện thực hóa các mục tiêu nêu trên. Đáng chú ý, Nghị quyết bao gồm cam kết về việc phi hình sự hóa các vi phạm dân sự và kinh tế, đồng thời tăng cường quyền sở hữu tài sản, đây là các yếu tố then chốt nhằm củng cố niềm tin doanh nghiệp và thúc đẩy đầu tư.

Chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo cũng được chú trọng, với quy định cho phép doanh nghiệp được khấu trừ 200% chi phí thực tế dành cho hoạt động khoa học, công nghệ và R&D khỏi thu nhập chịu thuế. Các hỗ trợ bổ sung khác bao gồm cắt giảm thuế, phí, tiền thuê đất và mở rộng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp tư nhân.

Thêm nữa, các cải cách này được thiết kế nhằm tăng cường nội lực kinh tế của Việt Nam và giảm thiểu tác động của các cú sốc bên ngoài, đưa khu vực tư nhân trở thành động lực tăng trưởng dài hạn, ổn định hơn trong bối cảnh bất định toàn cầu gia tăng. Hiệu quả của Nghị quyết sẽ phụ thuộc vào quá trình tổ chức thực thi của bộ máy hành chính và mức độ hấp thụ chính sách từ khu vực tư nhân.

Về tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp, dữ liệu thị trường cổ phiếu quý 1/2025 từ nhóm 80 cổ phiếu vốn hóa lớn cho thấy bức tranh tăng trưởng ổn định nhưng có sự phân hóa. Lợi nhuận sau thuế điều chỉnh theo tỷ trọng cổ phiếu tự do lưu hành (float-adjusted) tăng 10,2% YoY.

Cụ thể, ngành ngân hàng tiếp tục đóng góp chính vào lợi nhuận, với tăng trưởng tín dụng được ghi nhận song song với sự thu hẹp của biên lãi thuần và sự khác biệt về lợi nhuận giữa các ngân hàng. Bất động sản dân cư và bán lẻ ghi nhận kết quả nổi bật, phản ánh nhu cầu nội địa tích cực và tín hiệu phục hồi sớm ở thị trường nhà ở. Trong khi đó, nhóm sản xuất và hàng tiêu dùng thiết yếu tiếp tục chậm lại do ảnh hưởng từ xuất khẩu và áp lực biên lợi nhuận.

Nhìn chung, số liệu cho thấy, các ngành gắn với nhu cầu nội địa đang lấy lại động lực, trong khi các ngành phụ thuộc xuất khẩu và nhạy cảm với chi phí vẫn chịu sức ép“, vị chuyên gia nêu rõ.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật