Những ngày gần đây, thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục thoái lui, áp sát ngưỡng 1.200 điểm – mốc hỗ trợ tâm lý quan trọng. Sự giảm điểm này đặt ra câu hỏi lớn về nguyên nhân thực sự. Như mọi lần, không có lý do duy nhất nhưng một loạt yếu tố đang đồng thời tác động khiến thị trường chịu áp lực.
Ông Nguyễn Đức Nhân – Giám đốc Trung tâm kinh doanh, Công ty Chứng khoán Mirae Asset (Chi nhánh Hoàn Kiếm), người đồng hành với thị trường chứng khoán Việt Nam từ những ngày đầu thành lập cung cấp thêm những góc nhìn khác bên cạnh tỷ giá, đang tác động đến sự chuyển động của thị trường chứng khoán thời gian gần đây.
Khối ngoại rút vốn kỷ lục
Năm 2024 đang chứng kiến đợt rút vốn mạnh nhất trong lịch sử từ khối ngoại, dù thị trường đang hướng đến mục tiêu nâng hạng lên nhóm “thị trường mới nổi”. Theo thống kê, tính đến ngày 19/11, khối ngoại đã rút ròng 92.000 tỷ đồng, chỉ riêng tháng 11 đã lên tới 9.200 tỷ đồng. Nếu tốc độ này tiếp tục, cả năm có thể ghi nhận 110.000 tỷ đồng bị rút ròng, tương đương khoảng 4 tỷ USD.
Đây là con số đáng lo ngại, đặc biệt khi dòng tiền nội đang suy yếu. Khối ngoại thoái vốn không chỉ tạo áp lực bán lên thị trường mà còn ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trong nước, khiến lực cầu bắt đáy không đủ mạnh để giữ ổn định chỉ số.
Căng thẳng tỷ giá và tác động kinh tế
Chỉ số US Dollar Index (DXY), thước đo sức mạnh đồng USD so với các đồng tiền lớn khác, đã tăng mạnh, áp sát mức 106,5 điểm. Điều này khiến áp lực lên tỷ giá VND/USD gia tăng.
Với doanh nghiệp, tỷ giá tăng tác động đến hai vấn đề chính, cụ thể:
– Doanh nghiệp vay nợ nước ngoài gặp khó khăn: Cuối năm là thời điểm nhiều doanh nghiệp cần thanh toán các khoản vay ngoại tệ. Tỷ giá tăng khiến chi phí thanh toán nợ tăng cao, đặc biệt với những doanh nghiệp đã vay ngoại tệ trước đó.
– Tăng chi phí sản xuất: Tỷ giá cao khiến giá nhập khẩu nguyên liệu tăng, làm biên lợi nhuận doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu bị thu hẹp. Mặc dù doanh nghiệp xuất khẩu có thể hưởng lợi ngắn hạn nhưng về lâu dài vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực do phải nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất.
Lãi suất khó điều chỉnh linh hoạt
Áp lực từ tỷ giá cũng khiến việc giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp không được thực hiện dễ dàng. Việc giảm lãi suất có thể làm gia tăng căng thẳng tỷ giá, ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là bài toán khó với Ngân hàng Nhà nước trong việc cân bằng giữa tỷ giá và lãi suất.
Dòng vốn ngoại chảy ngược về Mỹ
Đồng USD mạnh lên, cùng với kỳ vọng kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump, đang hút dòng vốn trở lại Mỹ. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã rút vốn từ các thị trường cận biên, bao gồm Việt Nam, để chuyển hướng đầu tư vào chứng khoán Mỹ, nơi có triển vọng tăng trưởng tốt hơn.
Lo ngại từ Thông tư 06/2024
Thông tư 06/2024, sửa đổi từ Thông tư 02/2023, cho phép giãn/hoãn nợ và giữ nguyên nhóm nợ của các doanh nghiệp đến ngày 31/12/2024. Tuy nhiên, nếu thông tư này không được gia hạn thêm 6 tháng, 1 năm hoặc hơn, rủi ro gia tăng nợ xấu tại các ngân hàng và doanh nghiệp sẽ là một thách thức lớn cho hệ thống tài chính.
Các ngân hàng sẽ phải đối mặt với áp lực ghi nhận nợ xấu tăng cao, ảnh hưởng đến dòng vốn cho vay mới, trong khi các doanh nghiệp khó tiếp cận tín dụng để duy trì hoạt động.
Chất lượng margin và thanh khoản thấp
Đến cuối quý III/2024, dù giá trị các khoản cho vay ký quỹ (margin) toàn thị trường đạt khoảng 250.000 tỷ đồng, chất lượng margin lại là vấn đề đáng lo. Thanh khoản thị trường thấp cho thấy dòng vốn vay từ các công ty chứng khoán không được đưa vào thị trường như mong đợi, mà có thể được rút ra để phục vụ mục đích khác của doanh nghiệp. Điều này đặt ra hai vấn đề:
– Doanh nghiệp không tiếp cận được tín dụng ngân hàng do chất lượng tài sản thế chấp không đủ.
– Nhiều doanh nghiệp chỉ có thể dùng cổ phiếu để thế chấp vay vốn từ công ty chứng khoán, dẫn đến rủi ro nếu giá cổ phiếu giảm mạnh. Nếu giá cổ phiếu thế chấp giảm xuống dưới ngưỡng an toàn, thị trường có nguy cơ tái diễn sự sụp đổ tương tự năm 2022, khi trái phiếu doanh nghiệp và tài sản đảm bảo bị mất giá trị.
“Khi giá cổ phiếu rớt mạnh, hệ quả mà nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán phải đón nhận là rất lớn. Điều này có vẻ hơi lo xa nhưng cũng cần để mắt tới”
Ông Nguyễn Đức Nhân – Giám đốc Trung tâm kinh doanh, Công ty Chứng khoán Mirae Asset
Thiếu lực cầu bắt đáy và tâm lý thị trường yếu
Những tuần đã qua, VN-Index liên tục giảm mà không xuất hiện lực cầu bắt đáy đủ mạnh. Khối ngoại bán ròng càng ngày càng lớn, trong khi nhiều cổ phiếu nhóm vốn hóa vừa và lớn bị bán tháo. Điều này khiến thị trường khó thiết lập xu hướng tăng giá trở lại trong ngắn hạn.
VN-Index đóng cửa phiên 19/11 ở mức 1.205 điểm, gần ngưỡng 1.200 điểm. Đây là vùng hỗ trợ mạnh trong nhiều năm qua (khoảng 1.190 ± 10 điểm). Tuy nhiên, nếu không có dòng tiền mới, khả năng giữ vững vùng này là rất khó khăn.
Dự báo và kỳ vọng cuối năm
Lịch sử cho thấy, thị trường thường tạo đáy vào tháng 11 hoặc đầu tháng 12, trước khi phục hồi vào cuối năm. Tuy nhiên, năm nay, đáy có thể hình thành muộn hơn vào tuần cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán (sau ngày 20/1/2025).
Để có thể phục hồi, thị trường cần những động thái tích cực, bao gồm: (1) Ngân hàng Nhà nước can thiệp ổn định tỷ giá; (2) Khối ngoại giảm bán ròng hoặc quay lại mua ròng; (3) Chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước, gia hạn Thông tư 06/2024.
Nhìn chung, năm 2024 là một năm khó khăn, nhưng với mức định giá hấp dẫn và kỳ vọng cải thiện chính sách, thị trường có tiềm năng phục hồi sau giai đoạn này. Nhà đầu tư cần thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố tác động để tối ưu hóa chiến lược đầu tư trong bối cảnh nhiều biến động.