spot_img
21 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánChuyên gia: Việt Nam đang đứng trước thời khắc quyết định

Chuyên gia: Việt Nam đang đứng trước thời khắc quyết định

Chuyên gia Phạm Thế Anh cho rằng Chính phủ Việt Nam đang đi từ cải cách thể chế, sau đó đi vào chính sách kinh tế lớn. Nếu thành công, Việt Nam thoát khỏi tình trạng bẫy thu nhập trung bình.

Cải cách thể thế, quyết tâm thực hiện các chính sách kinh tế lớn

Tại sự kiện do Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) tổ chức, ông Phạm Thế Anh – Trưởng Khoa kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU), Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) – cho rằng Việt Nam đang đứng trước rất nhiều câu chuyện lớn.

Theo ông, những năm trước đây, Việt Nam chỉ nói đến chuyện cải cách kinh tế, bó hẹp trong phạm vi lĩnh vực kinh tế từ chính sách thuế, trợ cấp hay hạ lãi suất… để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hiện nay, Việt Nam làm rộng hơn đi về thể chế, môi trường kinh doanh, thể hiện qua việc sắp xếp lại, tinh gọn bộ máy Nhà nước. Chính phủ Việt Nam đang đi từ cải cách thể chế, sau đó đi vào chính sách kinh tế lớn.

Chính phủ đang quyết tâm thực hiện các chương trình, chính sách lớn từ sân bay Long Thành, điện hạt nhân, thu hút đại bàng trong lĩnh vực công nghệ, đường sắt cao tốc Bắc Nam. Các chương trình này đều lớn, ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế, nếu thành công thì Việt Nam thoát khỏi tình trạng bẫy thu nhập trung bình. “Đây là thời khắc quyết định”, ông Thế Anh nhấn mạnh.

Chuyên gia đánh giá tăng trưởng kinh tế ngắn hạn trong năm 2025 vẫn xuất phát từ động lực chính là đầu tư công với khởi động loạt dự án mới. Động lực tiếp theo là xuất khẩu, song, xuất khẩu có thể tăng chậm lại trên nền cao của năm nay, cộng với bất ổn chính sách thuế của ông Trump.

Tiếp nữa là tăng trưởng kinh tế thế giới theo dự báo của các tổ chức trên thế giới sẽ chậm lại kéo theo nhu cầu yếu. Xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư vào Việt Nam vẫn tiếp tục, không chỉ do cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc mà còn từ lợi thế vị trí địa lý, giá lao động ở Việt Nam vẫn rẻ.

Hiện nay, ở thị trường Mỹ, lạm phát chủ yếu xuất phát từ thị trường lao động do giá nhân công cao. Các nước châu Âu hay các nước phát triển đều gặp vấn đề này.

Việt Nam vẫn có lợi thế về giá nhân công rẻ, hấp dẫn đầu tư nước ngoài và hướng sang xuất khẩu ra bên ngoài để đáp ứng về nhu cầu lao động. Việt Nam cũng tham gia sâu hơn chuỗi giá trị toàn cầu, động lực vẫn đến từ sản xuất hàng hóa tiêu dùng hướng ra xuất khẩu.

Chuyên gia Phạm Thế Anh cho rằng Việt Nam đang đứng trước thời khắc quyết định (Ảnh: VPBankS).

Không kỳ vọng giảm lãi suất

Nói về chính sách điều hành lãi suất, ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS – cho rằng mặt bằng lãi suất trong năm 2025 được giữ nguyên đã là điều tốt.

Trong năm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã rất linh hoạt để điều tiết lãi suất liên ngân hàng cũng như hút bớt tiền qua phát hành tín phiếu để giúp tỷ giá có sự ổn định nhất định so với các đồng tiền khác trong khu vực. Tuy nhiên, giữa và cuối năm sau, nếu sức ép từ tỷ giá và lạm phát có biến động thì lãi suất có thể nhích nhẹ.

Ông Phạm Thế Anh nói năm sau, tăng trưởng GDP khả quan là 6,5%, kịch bản 8% rất lạc quan. Mặt bằng lãi suất hiện nay khó hạ, thậm chí còn phải tăng nhẹ.

Theo ông, lãi suất phụ thuộc nhiều thứ như lạm phát trong nước. Việt Nam tận dụng nhiều từ hàng hóa giá rẻ, nguyên vật liệu giá rẻ từ Trung Quốc. Khi mà kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại thì giá hàng hóa giảm nhanh, duy trì mức thấp. Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại cũng khiến giá hàng hoáthấp.

Sắp tới, chính sách thuế của ông Trump có thể duy trì mặt bằng giá nguyên liệu ở mức thấp từ việc khuyến khích khai thác trở lại dầu đá phiến, năng lượng điện thay thế dần năng lượng hóa thạch. Chuyên gia cho rằng mặt bằng giá nguyên, nhiên liệu duy trì giá thấp giúp chi phí sản xuất của Việt Nam dễ chịu.

Tỷ giá cũng giúp giá nhập khẩu nguyên vật liệu duy trì mức thấp vì đồng VND có mất giá song so với các đồng tiền khác, đặc biệt Nhân dân tệ thì còn lên giá. Do vậy, giá nhập khẩu nguyên, nhiêu liệu sẽ dễ chịu hơn nhiều.

Tuy nhiên, lạm phát Việt Nam không thể xuống thấp mà phải duy trì quanh mức 3- 4% là mức bình thường. Lạm phát Việt Nam không thể xuống thấp như các nước phát triển. Sức ép tăng lương, giá bất động sản, giá nhà tăng sẽ chuyển dần vào giá tiêu dùng.

Việt Nam cũng đang vướng ở 2 mục tiêu. Nếu muốn hạ lãi suất thì phải từ bỏ bớt mục tiêu về tỷ giá. Song, Việt Nam đang muốn cân bằng cả 2, lãi suất đang quanh 6% và lạm phát 4%, để duy trì mức lãi suất thực dương thì lãi suất khó giảm thêm. Với mức lãi suất hiện nay, ông Việt Anh cho rằng duy trì được là tốt, không kỳ vọng sẽ giảm trong thời gian tới.

Nhận định về thị trường chứng khoán, ông Hoàng Sơn dự báo hết năm 2024 – nửa đầu năm 2025, với bối cảnh áp lực bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài, tỷ giá cao, có thể đón nhận chính sách thuế mới của Trump, VN-Index dao động quanh vùng 1.200-1.300 điểm.

Vùng trũng thị trường rơi vào tháng 4-5-6, trũng thanh khoản, có thể tạo điều kiện cho nhà đầu tư trung hạn xem xét giải ngân để chốt lời cuối năm. Kịch bản nâng hạng dự báo được kích hoạt vào tháng 9, thanh khoản thị trường tăng bật trở lại, khối ngoại sẽ mua ròng tháng 8-9.

Do đó, năm 2025, thị trường chứng khoán Việt Nam có bước ngoặt rất quan trọng, hút được vốn lớn và kích hoạt vốn trong nước. Có thể nửa đầu năm nhiễu động nhưng cuối năm thăng hoa, VN-Index lên cao nhất năm, đạt 1.400 điểm. Cơ hội tích lũy cổ phiếu giá rẻ nằm ở nửa đầu năm.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật