Đến thời điểm này, nền kinh tế Việt Nam đã trải qua gần một năm với nhiều cung bậc. Dù còn phải đối mặt với những khó khăn nhưng kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng tích cực, là điểm sáng trong khu vực và được tổ chức xếp hạng FTSE Russell đánh giá là có nhiều triển vọng được nâng hạng vào năm 2025.
Thực tế, hoạt động đầu tư tư nhân (private equity) trong những năm qua đã đóng một vai trò quan trong trong việc đồng hành, thúc đẩy và tạo ra các doanh nghiệp chất lượng cho nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trao đổi trong Talk show Phố Tài Chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8, bà Nguyễn Thị Diệu Phương, Phó Giám đốc Điều hành, Tập đoàn VinaCapital , hiện đang phụ trách mảng đầu tư tư nhân và đầu tư thương lượng cho biết hoạt động đầu tư tư nhân tại Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển nhất là trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, qua đó tạo ra các doanh nghiệp chất lượng và có quy mô lớn.
VinaCapital là tập đoàn đầu tư đa lĩnh vực hàng đầu tại Việt Nam hiện nay, với tổng tài sản quản lý lên đến 4 tỷ USD và cũng đang là tập đoàn có nhiều đóng góp trong hoạt động đầu tư tư nhân của Việt Nam trong những năm qua.
BTV Mùi Khánh Ly: Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu trong năm 2024 đã có những cải thiện và phục hồi nhất định, lạm phát giảm nhiệt, Fed cũng đã bắt đầu giảm lãi suất… bà đánh giá như thế nào về hoạt động đầu tư tư nhân trong năm 2024 với bối cảnh kể trên?
Bà Nguyễn Thị Diệu Phương: Theo đánh giá của chúng tôi, về dài hạn, kinh tế Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trên nền tảng dân số trẻ và năng suất lao động đang ngày một cải thiện.
Dân số Việt Nam hiện có gần 100 triệu người, trong đó dân số ở độ tuổi lao động trong là 52,5 triệu người. Trong 6 tháng đầu năm 2024, GDP bình quân đầu người đạt hơn 4.300 USD và tăng trưởng GDP cả năm 2024 ước đạt 6,5%-7%…
Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy, hoạt động đầu tư tư nhân trong gần một năm vừa qua chưa thật sự sôi động, việc này thể hiện qua số lượng giao dịch M&A trong 9 tháng vừa qua là rất ít. Có nhiều nguyên nhân, trong đó trước hết phải kể đến tâm lý người tiêu dùng vẫn còn hạn chế và sự bất ổn về khía cạnh địa chính trị trên toàn thế giới, dẫn đến tâm lý chung của các nhà đầu tư nước ngoài và trong khu vực vẫn còn rất thận trọng.
Bên cạnh đó, theo ước tính của bộ phận nghiên cứu của VinaCapital, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính của các doanh nghiệp năm 2024 so với năm 2023 là khá khiêm tốn, đạt quanh mức 8%. Đây là một lý do làm giảm sự hấp dẫn của giao dịch trong mắt cả nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp. Điều này không chỉ thể hiện ở các giao dịch trong hoạt động đầu tư tư nhân mà còn thể hiện đúng với các doanh nghiệp niêm yết đang có kế hoạch chào bán cổ phần.
Yếu tố thứ ba là số lượng doanh nghiệp tư nhân thực sự chất lượng và có quy mô vừa và lớn chưa nhiều. Trong 9 tháng vừa qua, đội ngũ đầu tư của VinaCapital đã xem xét và phân tích rất nhiều cơ hội chào bán doanh nghiệp, bao gồm việc doanh nghiệp tư nhân chào bán cổ phần chi phối, huy động vốn bằng việc chào bán cổ phần thiểu số, các khoản vay chuyển đổi thành cổ phần…trong rất nhiều lĩnh vực. Song, đa số các doanh nghiệp này ở quy mô rất rất nhỏ, hoặc là doanh nghiệp start up, hoặc hoạt động trong mảng công nghệ.
Tuy nhiên, đây chỉ là bước chững lại mang tính ngắn hạn, nhìn chung các nhà đầu tư quốc tế và khu vực vẫn rất quan tâm đến các cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam.
Chúng tôi cũng đã tiếp xúc và gặp gỡ rất nhiều nhà đầu tư, gồm các quỹ và cả nhà đầu tư chiến lược đến từ Singapore, Thái Lan, Châu Âu, Mỹ, Nhật… đang tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam. Và trong năm 2024, thông qua quỹ VOF, VinaCapital đã đầu tư vào Công ty Thọ Phát – một công ty dẫn đầu thị trường Việt Nam về bánh bao hấp, bánh giò, dim sum…với mạng lưới phân phối rộng khắp.
Thực tế vẫn còn những khó khăn hay thách thức như thế nào khiến cho hoạt động đầu tư tư nhân chưa thực sự bùng nổ?
Bà Nguyễn Thị Diệu Phương: Hoạt động đầu tư tư nhân tại Việt Nam có nhiều tiềm năng nhiều cơ hội nhưng cũng đi kèm với một số thách thức đáng lưu ý.
Phải kể đến đầu tiên là tính minh bạch trong môi trường kinh doanh còn hạn chế, khiến các nhà đầu tư lo ngại về việc ra quyết định dựa trên thông tin chưa đầy đủ hoặc thiếu chính xác.
Các báo cáo tài chính và hoạt động kinh doanh của nhiều công ty, đặc biệt là các công ty tư nhân chưa niêm yết còn chưa được kiểm toán, hoặc chưa được kiểm toán bởi các tổ chức kiểm toán uy tín theo chuẩn quốc tế, dẫn đến rủi ro cho các nhà đầu tư khi đánh giá doanh nghiệp.
Ví dụ như các khoản nợ tiềm tàng không được phản ánh vào báo cáo tài chính, hoặc trong lợi nhuận của doanh nghiệp không phải tất cả đến từ hoạt động kinh doanh chính mà còn bao gồm lợi nhuận từ việc bán tài sản… Những điều này dẫn đến nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư khi định giá công ty.
Thứ hai, liên quan đến việc vận hành, theo dõi và đánh giá hiệu quả sử dụng vốn sau giải ngân, hầu hết các công ty tư nhân là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và vẫn đang trong quá trình chuẩn hóa các quy trình, hệ thống, điều này dẫn đến khả năng kéo dài thời gian thực hiện dự án và làm giảm hiệu quả sử dụng vốn. Do đó, việc đầu tư vào các công ty tư nhân đòi hỏi một lực lượng chuyên viên có kỹ năng, kinh nghiệm và năng lực để thực hiện các chiến lược và đáp ứng kì vọng của nhà đầu tư.
Một thực trạng nữa là việc định giá doanh nghiệp, theo quan điểm của các nhà đầu tư chúng tôi là chưa hợp lý so với mức tăng trưởng kì vọng của doanh nghiệp đó trong 3-5 năm tới. Đa số các chủ doanh nghiệp đặt mức định giá kì vọng khá cao, dẫn đến việc khó chốt được deal. Để hạn chế việc này, các doanh nghiệp nên đi tìm các nhà tư vấn chuyên nghiệp để giúp họ có được cái nhìn rõ nét và chuẩn xác hơn về định giá doanh nghiệp, cũng góp phần cho việc chốt deal được nhanh chóng và thuận lợi.
Cuối cùng, việc đảm bảo các kế hoạch thoái vốn phù hợp với mục tiêu của người sáng lập và thời hạn phù hợp của nhà đầu tư có thể là một thách thức, do đó đòi hỏi phải duy trì giao tiếp hiệu quả giữa nhà đầu tư với người sáng lập.
Nhìn chung, mặc dù có nhiều tiềm năng, nhưng môi trường đầu tư tư nhân tại Việt Nam vẫn cần tiếp tục cải thiện về minh bạch thông tin, thủ tục pháp lý, cơ sở hạ tầng, và nguồn nhân lực để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự bùng nổ đầu tư trong tương lai.
Tại Việt Nam, mặc dù còn những thách thức nhưng nền kinh tế cũng đã có sự tăng trưởng tích cực, vậy triển vọng của hoạt động đầu tư tư nhân năm 2025 sẽ như thế nào thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Diệu Phương: Theo tôi, nền tảng dài hạn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn còn rất lớn. Cụ thể, trong năm 2025, yếu tố được kỳ vọng nhất chính là lợi nhuận doanh nghiệp được cải thiện, cùng xu hướng với phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Kinh tế Việt Nam năm 2025 được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt ở mức 6,5% đến 7% và lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp cũng sẽ tăng trưởng xung quanh mức 20%.
Trong bối cảnh đó, VinaCapital cũng đang xem xét một danh mục khoảng 100-150 triệu USD các khoản đầu tư tiềm năng vào các lĩnh vực, ngành nghề được hưởng lợi từ việc tăng trưởng nền kinh tế nội địa, như dược phẩm, y tế, giáo dục, hàng tiêu dùng, bất động sản…
Với tốc độ tăng trưởng và cải thiện như hiện nay, dự báo thị trường Việt Nam có thể được nâng hạng trong năm 2025. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần thêm các doanh nghiệp chất lượng và quy mô lớn để có thể thu hút dòng vốn thực sự. Theo bà, hoạt động đầu tư tư nhân có vai trò như thế nào trong sự thúc đẩy các doanh nghiệp chất lượng và quy mô lớn tại Việt Nam, đặc biệt là trong thời gian tới khi triển vọng nâng hạng đang đến gần?
Bà Nguyễn Thị Diệu Phương: Để thị trường Việt Nam sau khi được nâng hạng có khả năng thu hút thêm dòng vốn lớn, vai trò của đầu tư tư nhân là hết sức quan trọng trong việc phát triển các doanh nghiệp chất lượng và có quy mô lớn.
Trước hết, đầu tư tư nhân giúp các doanh nghiệp địa phương cải thiện năng lực quản lý và hiệu quả hoạt động. Không chỉ cung cấp vốn, nhà đầu tư còn đồng hành với doanh nghiệp trong việc thiết lập hệ thống quản trị minh bạch, kiểm soát tài chính chặt chẽ, và tối ưu hóa quy trình.
Đây là những yếu tố rất cần thiết để nâng cao chất lượng doanh nghiệp, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường vốn quốc tế và thu hút các nhà đầu tư lớn.
Bên cạnh đó, đầu tư tư nhân có khả năng thúc đẩy sự hợp nhất và mở rộng quy mô doanh nghiệp, đặc biệt là trong các lĩnh vực quan trọng như công nghệ, y tế, tài chính, và sản xuất. Thông qua các hoạt động mua bán, sáp nhập hoặc mở rộng quy mô, các nhà đầu tư tư nhân giúp hình thành các doanh nghiệp lớn hơn, cạnh tranh hơn.
Những doanh nghiệp này sẽ có vị thế tốt hơn để tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, thu hút thêm vốn đầu tư và đạt được vị trí dẫn đầu trong ngành, và khi các doanh nghiệp này được niêm yết trên thị trường chứng khoán, sẽ tạo ra cho thị trường chứng khoán một lượng hàng hóa có chất lượng, góp phần tăng quy mô cho thị trường.
Ngoài ra, với triển vọng nâng hạng thị trường, đầu tư tư nhân có thể đóng vai trò như một cầu nối giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận mạng lưới nhà đầu tư quốc tế nhiều hơn, mở rộng tầm nhìn và thực hiện các tiêu chuẩn bền vững về môi trường, xã hội, và quản trị (ESG). Điều này không chỉ tạo sức hút cho dòng vốn đầu tư nước ngoài mà còn giúp doanh nghiệp Việt Nam xây dựng thương hiệu uy tín, đảm bảo sức cạnh tranh trong dài hạn.
Trong năm 2025, bà dự định sẽ có những chiến lược khác biệt như thế nào để thúc đẩy hoạt động đầu tư tư nhân tại Việt Nam? Và các doanh nghiệp cần làm những gì để có thể đón dòng vốn này?
Bà Nguyễn Thị Diệu Phương: Cũng giống như các quỹ đầu tư tư nhân khác tại Việt Nam, VinaCapital luôn hướng đến tìm kiếm các doanh nghiệp tư nhân có tiềm năng tăng trưởng bền vững, được lãnh đạo bởi người sáng lập và đội ngũ vận hành đáng tin cậy và có tầm nhìn phát triển doanh nghiệp trong dài hạn.
Và để đón đầu dòng vốn này, các doanh nghiệp cần chuẩn bị kế hoạch phát triển rõ ràng, minh bạch về chiến lược kinh doanh và xác định vai trò của nhà đầu tư trong mô hình kinh doanh của mình. Doanh nghiệp cần thể hiện sự sẵn sàng và khả năng hợp tác lâu dài, cũng như khả năng tiếp nhận các thay đổi để tăng tính cạnh tranh.