Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã trải qua chặng đường 1/4 thế kỷ phát triển. Từ phiên giao dịch đầu tiên với hai doanh nghiệp niêm yết, đến nay, vốn hoá thị trường đã đạt khoảng 8,2 triệu tỷ đồng. Với hơn 10 triệu tài khoản đầu tư, những phiên giao dịch bùng nổ thanh khoản trên 1 tỷ USD, thị trường chứng khoán Việt Nam đã vươn mình, trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế.
Phiên giao dịch đầu tiên của thị trường chứng khoán Việt Nam ngày 28/7/2000, chỉ có hai mã cổ phiếu niêm yết là REE và SAM. Phiếu lệnh viết tay, chỉ khớp một lần vào cuối phiên, giá trị giao dịch phiên đầu tiên đạt 70,4 triệu đồng trong sự hào hứng của giới đầu tư.
REE, một trong hai cổ phiếu đầu tiên, giá trị vốn hoá đã tăng 2.250 lần sau 25 năm. Câu chuyện thành công ấy phản ánh xu hướng chung của nhiều doanh nghiệp tư nhân, lựa chọn thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn hiệu quả, bền vững.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh REE cho biết: “Kỳ vọng, niềm tin của mình là thông qua thị trường này để mình huy động vốn. Và huy động vốn ở TTCK là một cách thức rất minh bạch và tạo được niềm tin cho nhà đầu tư”.
Có thể nói, từ quy mô vô cùng khiêm tốn được thành lập năm 2000, đến nay tổng giá trị vốn hoá toàn thị trường đã đạt hơn 8,2 triệu tỷ đồng, tương đường 65% GDP của nền kinh tế, cho thấy chứng khoán đã phát huy vai trò là một kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế.
Trong 25 năm, riêng tại Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh HOSE đã có hơn 1.000 đợt phát hành, tổng giá trị vốn huy động qua phát hành thêm cổ phiếu đã vượt 520.000 tỷ đồng. HOSE trở thành nơi quy tụ các doanh nghiệp tư nhân hàng đầu Việt Nam, với 40 doanh nghiệp giá trị vốn hoá trên 1 tỷ USD.
Bà Nguyễn Hoàng Yến – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần chứng khoán Mirae Asset chia sẻ: “Sự tham gia rất tích cực của khối các nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là lớp các nhà đầu tư trẻ cùng với sự tham gia sâu rộng của các nhà đầu tư nước ngoài cũng tạo nên một cộng đồng đầu tư năng động”.
Từ mốc 100 điểm trong phiên đầu tiên, chỉ số VN-Index đã lập đỉnh 1.531,13 điểm. Nhưng bước phát triển của thị trường không chỉ ở chỉ số hay quy mô giao dịch. Việc chính thức đưa công nghệ thông tin mới KRX vào hoạt động từ tháng 5 vừa qua là bước tiến quan trọng, đưa thị trường đến gần hơn với chuẩn mực của các thị trường mới nổi.
Bà Ngô Thu Hà – Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn – Hà Nội SHB nêu ý kiến: “Các doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp tư nhân sẽ có càng nhiều cơ hội hơn nữa để tiếp cận với các nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư và đặc biệt tiếp cận thêm, thực hiện các chuẩn mực quốc tế, để phát triển, mở rộng và hội nhập hoạt động kinh doanh của mình ra quốc tế”.
Các cơ quan quản lý cũng ưu tiên phát triển sản phẩm mới cho thị trường như chứng quyền, lệnh dừng, lệnh thị trường. Đồng thời tăng cường số hoá, nâng cao giám sát và công bố thông tin, hướng đến một thị trường chuẩn mực, bền vững.
Bà Trần Anh Đào – Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh nhận định: “Với Nghị quyết 68 vừa qua về phát triển doanh nghiệp tư nhân, chúng tôi cũng đặt mục tiêu thu hút các doanh nghiệp tư nhân lớn có chất lượng tốt lên sàn để tạo nguồn hàng hoá chất lượng cao cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, hiện nay, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng đang phối hợp với Sở Giao dịch Chứng khoán để xây dựng quy trình gắn IPO niêm yết với mục tiêu giảm thời gian đưa cổ phiếu ra công chúng”.
Từ một thị trường sơ khai, đến nay, quy mô vốn hoá đã tương đương 65% GDP. Hành trình 25 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam là minh chứng cho vai trò của một kênh dẫn vốn hiệu quả, minh bạch, đang từng bước vươn tầm khu vực.