spot_img
18 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánCổ phiếu của ông lớn ngành thép rơi về đáy lịch sử,...

Cổ phiếu của ông lớn ngành thép rơi về đáy lịch sử, vốn hóa ‘bay hơi’ 62% sau 1 năm

Trong 3 năm qua, vốn hóa thị trường của Pomina (POM) giảm gần 90% giá trị.

Kết phiên 20/12, cổ phiếu POM của CTCP Thép Pomina giảm 4,4% (có thời điểm giảm tới 13%) xuống 2.200 đồng/cp, thủng đáy lịch sử. Đáng chú ý, mã thép này đã giảm khoảng 62% từ đầu năm đến nay và “bốc hơi” gần 90% kể từ thời điểm đạt đỉnh cuối năm 2021, kéo vốn hóa xuống chỉ còn 584,9 tỷ đồng.

Cổ phiếu của ông lớn ngành thép rơi về đáy lịch sử, vốn hóa ‘bay hơi’ 62% sau 1 năm
Cổ phiếu POM thủng đáy lịch sử

Cổ phiếu POM bắt đầu lao dốc trong bối cảnh Pomina ghi nhận khoản lỗ kỷ lục hơn 1.100 tỷ đồng trong năm 2022, do chi phí tài chính tăng mạnh cùng tác động từ dịch COVID-19, đứt gãy chuỗi cung ứng và thị trường bất động sản ảm đạm.

Năm 2023, tình hình càng trầm trọng hơn khi doanh thu giảm 75%, Pomina tiếp tục lỗ hơn 960 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế lên 1.270 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả vượt 18.800 tỷ đồng, chiếm 85% tổng tài sản, trong đó vay ngắn hạn lên tới 5.466 tỷ đồng.

Tính chung 9 tháng năm 2024, Pomina đạt doanh thu 1.576 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ; lỗ ròng tăng lên mức 791 tỷ đồng. Nếu tình hình kinh doanh không có đột biến trong quý cuối năm, doanh nghiệp thép này đối mặt nguy cơ thua lỗ 3 năm liên tiếp. Trong các năm 2022 và 2023, Pomina đã lỗ tổng cộng 2.000 tỷ đồng.

Cổ phiếu của ông lớn ngành thép rơi về đáy lịch sử, vốn hóa ‘bay hơi’ 62% sau 1 năm
Kết quả kinh doanh của Pomina từ năm 2022 đến nay

Tại ngày 30/9, tổng tài sản của POM đạt 9.353 tỷ đồng, trong đó khoản mục lớn nhất là chi phí xây dựng cơ bản dở dang với 5.723 tỷ đồng, chủ yếu từ dự án lò cao và lò EAF tại Khu công nghiệp Phú Mỹ. Dự án này hiện chưa được kết chuyển thành tài sản.

Tổng dư nợ vay của Pomina ghi nhận 6.220 tỷ đồng, chủ yếu là vay ngắn hạn (5.500 tỷ đồng). Trong 3 quý đầu năm, doanh nghiệp vay thêm 1.582 tỷ đồng nhưng cũng phải trả nợ gốc 1.475 tỷ đồng, với tổng chi phí lãi vay lên đến 491 tỷ đồng.

Đáng lo ngại, vốn lưu động của Pomina âm hơn 6.200 tỷ đồng, và dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm 31 tỷ đồng trong 9 tháng. Tuy nhiên, dòng tiền thuần trong kỳ đã chuyển sang dương 5,7 tỷ đồng so với mức âm 192 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Ông lớn ngành thép một thời và kế hoạch tái cấu trúc để vực dậy

CTCP Thép Pomina tiền thân là Nhà máy Thép Pomina 1, được Công ty TNHH Thép Việt sáng lập vào năm 1999, trong bối cảnh công nghiệp hóa tại Việt Nam diễn ra mạnh mẽ. Để đáp ứng nhu cầu thép xây dựng chất lượng cao, Thép Việt đã đầu tư 525 tỷ đồng xây dựng nhà máy với công suất 300.000 tấn/năm, chính thức đi vào hoạt động năm 2002 với dây chuyền hiện đại từ VAI-Pomini (Ý).

Với khả năng sản xuất thép đạt tiêu chuẩn Nhật Bản, Mỹ, EU và Nga, cùng hệ thống phân phối trải dài cả nước, Pomina nhanh chóng trở thành thương hiệu thép phổ biến, được tin dùng tại nhiều công trình trọng điểm. Đến năm 2013, Pomina tự hào là nhà máy thép lớn nhất Việt Nam với công suất luyện phôi thép 1,5 triệu tấn và công suất cán thép xây dựng 1,1 triệu tấn.

Hiện tại, đối mặt với khó khăn chồng chất, Pomina đã công bố chiến lược tái cấu trúc toàn diện, với điểm nhấn là hợp tác chiến lược cùng Công ty Thép Nansei từ Nhật Bản.

Ngày 10/9/2024, Pomina thông báo chính thức ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư với đối tác chiến lược Nansei Steel. Tại Nhà máy Pomina 2 Phú Mỹ, Nansei cam kết cung cấp đủ nguồn nguyên vật liệu cần thiết để nhà máy vận hành tối đa công suất. Mô hình hợp tác này tập trung vào việc tối ưu hóa chuỗi cung ứng từ nguyên liệu, sản xuất đến thị trường, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Cổ phiếu của ông lớn ngành thép rơi về đáy lịch sử, vốn hóa ‘bay hơi’ 62% sau 1 năm
Pomina hợp tác với Nansei Steel

Đại diện Pomina cho biết, hợp tác với Nansei Steel là bước đi chiến lược nhằm khởi động lại hoạt động sản xuất và tận dụng làn sóng phục hồi bất động sản cùng các dự án đầu tư công giai đoạn nước rút. Ngoài ra, công ty cũng đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) với một nhà đầu tư chuyên nghiệp khác nhằm mục tiêu khởi động lại dự án lò cao vào đầu năm 2025. Tuy nhiên, thông tin chi tiết về đối tác này chưa được công bố.

Trước đó, Pomina từng lên kế hoạch phát hành 70 triệu cổ phiếu để thu về 700 tỷ đồng từ đối tác Nansei, nhưng kế hoạch này đã bị tạm dừng vào cuối tháng 1/2024. Số vốn dự kiến sẽ được sử dụng để khởi động lại lò cao và tái cấu trúc nhằm tăng năng lực tài chính cho công ty.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật