spot_img
10 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánCổ phiếu dược dậy sóng với “game” M&A

Cổ phiếu dược dậy sóng với “game” M&A

Sự xuất hiện của cổ đông chiến lược nước ngoài với tiềm lực tài chính và sức mạnh công nghệ đã giúp các doanh nghiệp dược Việt Nam gia tăng đáng kể lợi thế canh tranh, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán lặng sóng trong phần lớn thời gian của năm 2024, cổ phiếu DBD của CTCP Dược – Trang thiết bị Y tế Bình Định lại bất ngờ bứt phá mạnh mẽ, đặc biệt là vào những tháng cuối năm. Cổ phiếu này kết thúc năm 2024 với mức tăng hơn 32%, vượt trội so với VN-Index và hiện vẫn đang neo giá quanh vùng đỉnh lịch sử.

Khối ngoại miệt mài gom hàng

Cổ phiếu DBD nổi sóng cùng động thái “gom hàng” của nhà đầu tư nước ngoài. Vào giữa tháng 12/2024, quỹ ngoại KWE Beteilgungen AG đến từ Thụy Sĩ thông báo mua thêm 79.500 cổ phiếu DBD, nâng sở hữu từ 9,93% lên 10,01%. KWE là cổ đông lớn thứ 2 tại DBD sau cổ đông Nhà nước (nắm 13,34% vốn).

Cổ phiếu dược dậy sóng với “game” M&A- Ảnh 1.

KWE “khách quen” tại các công ty dược phẩm, y tế tại Việt Nam. Quỹ ngoại này từng là cổ đông lớn của IMP trước khi bán toàn bộ 10 triệu cổ phiếu cho SK Investment Vina III Pte. Ltd vào tháng 2/2022. Hiện KWE cũng đang là cổ đông lớn tại TNH với tỷ lệ sở hữu 10,5%. Không loại trừ khả năng, “kịch bản cũ” tại IMP sẽ lặp lại tại DBD nếu công ty tìm được nhà đầu tư chiến lược.

Ban lãnh đạo DBD cho biết, tiêu chí tìm kiếm đối tác chiến lược là phải mang lại giá trị mới cho công ty. Đây được kỳ vọng là chất xúc tác mạnh mẽ khiến cổ phiếu phòng thủ như DBD thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư. Từ năm 2019, DBD đã nới room 100% tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia.

Bên cạnh đó, việc nằm trong danh sách thoái vốn Nhà nước trong giai đoạn 2024-2025 cũng là một điểm hấp dẫn khối ngoại của DBD. Không chỉ nhà đầu tư nước ngoài, DBD còn đón thêm nhiều cổ đông là các tổ chức trong nước. Cụ thể, CTCK Bảo Minh sở hữu 2,8 triệu cổ phiếu DBD, tương ứng hơn 3% vốn điều lệ vào hồi tháng 10 năm ngoái. Trước đó, trong quý 3, quỹ SGI Capital cũng gom mua cổ phiếu DBD.

Ngoài ra, theo kế hoạch được ĐHĐCĐ thường niên 2024 thông qua, DBD dự kiến sẽ phát hành 23,3 triệu, giá bán thấp nhất là 50.000 đồng/cp cho tối đa 5 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Số tiền huy động dự kiến lên đến gần 1.200 tỷ đồng. Cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm từ ngày hoàn thành đợt chào bán.

Kỳ vọng vào sóng M&A

Câu chuyện khối ngoại âm thầm thâu tóm các doanh nghiệp dược Việt Nam thực tế đã diễn ra nhiều năm qua. Hiện nay, đa phần các doanh sản xuất dược hàng đầu như DHG, DMC, TRA, IMP, DHT, PME… đều đang có cổ đông chiến lược nước ngoài. Một số đã tiến đến nắm quyền chi phối trên 51%, thậm chí thâu tóm toàn bộ.

Taisho Pharmaceutical (Nhật Bản) hiện đang là công ty mẹ nắm quyền chi phối 51% cổ phần tại Dược Hậu Giang. “Gã khổng lồ” Abbott cũng đã thâu tóm thành công 52% cổ phần tại Domesco thông qua công ty con là CFR International Spa. Tập đoàn STADA Arzneimittel AG (Đức) thậm chí đã mua lại toàn bộ cổ phần Pymepharco và huỷ niêm yết cổ phiếu PME vào năm 2021.

SK Investment Vina III – thành viên của SK Group (Hàn Quốc) hiện là cổ đông lớn nhất nắm giữ gần 48% cổ phần tại Imexpharm. Tính cả công ty liên quan, tỷ lệ sở hữu của cả nhóm cổ đông này đã lên đến trên 55%. Daewoong Pharmaceutical (Hàn Quốc) và ASKA Pharmaceutical (Nhật Bản) đang là cổ đông chiến lược tại Traphaco và Dược Hà Tây với tỷ lệ sở hữu lần lượt 15% và 25%.

Cổ phiếu dược dậy sóng với “game” M&A- Ảnh 2.

Việc thâu tóm lượng lớn cổ phần tại các doanh nghiệp dược thực tế không hề đơn giản. Một số thương vụ kéo dài đến hàng năm với số tiền mà các “đại gia” nước ngoài phải chi ra có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, tiềm năng lớn của ngành dược phẩm, y tế tại Việt Nam vẫn thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Sự xuất hiện của cổ đông chiến lược nước ngoài với tiềm lực tài chính và sức mạnh công nghệ đã giúp các doanh nghiệp dược Việt Nam gia tăng đáng kể lợi thế canh tranh, mở rộng thị trường xuất khẩu. Kết quả kinh doanh tăng trưởng ổn định góp phần tạo động lực cho cổ phiếu dược đi lên dài hạn hậu M&A.

Lợi thế của DBD

DBD là một trong những công ty có nhiều thành tựu trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển dược phẩm, đồng thời là công ty đầu tiên tại Việt Nam nghiên cứu và sản xuất thành công thuốc kháng sinh dạng tiêm (1992), phương pháp đông khô thuốc (2003), thuốc điều trị ung thư dạng tiêm (2008). Công ty là một trong số các nhà thầu lớn nhất trong kênh bệnh viện và mở rộng thị phần nhanh chóng sang kênh cửa hàng thuốc.

Hiện nay, DBD vẫn là doanh nghiệp dược phẩm niêm yết duy nhất sản xuất thuốc ung thư, hiện đang sản xuất gần 400 sản phẩm phân thành 19 nhóm thuốc điều trị, được phân phối rộng rãi trên khắp Việt Nam với sự có mặt tại 99% bệnh viện và hơn 20.000 nhà thuốc trong nước. Thuốc kháng sinh, thuốc điều trị ung thư và dung dịch thẩm phân là 3 nhóm thuốc điều trị đóng góp chính vào doanh thu của DBD.

DBD đang vận hành 2 nhà máy với 6 phân xưởng sản xuất thuốc gồm 15 dây chuyền sản xuất hiện đại, khép kín, đạt chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế WHO-GMP. DBD là doanh nghiệp đầu ngành về R&D với nhiều dự án ứng dụng công nghệ mới. Công ty đang trong quá trình làm hồ sơ đánh giá nâng cấp lên tiêu chuẩn EU-GMP cho dây chuyền thuốc tiêm và thuốc viên chống ung thư, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2026.

Trong báo cáo mới đây, SSI Research đánh giá triển vọng năm 2025 của ngành y tế sẽ tươi sáng hơn, với kỳ vọng các kênh chính đều tăng trưởng. Trong đó, kênh bệnh viện/thuốc kê đơn dự kiến sẽ duy trì đà tăng nhờ các chính sách thuận lợi. Kênh bán lẻ dự kiến đã chạm đáy và sẽ phục hồi một phần nhờ kinh tế tăng trưởng.

Tăng trưởng doanh thu của các công ty SSI Reseach nghiên cứu dự kiến đạt 12%, vượt mức trung bình của ngành trong 2 năm qua. Tăng trưởng lợi nhuận dự kiến đạt 22%, phục hồi sau năm 2024 đầy thách thức. Mặt khác, SSI Reseach lưu ý rủi ro về tỷ giá có thể làm tăng giá nhập khẩu nguyên liệu trong năm 2025.

Bên cạnh đó, tác động của các khoản đầu tư theo xu hướng của Chính sách có thể mất từ 1-2 năm để giúp tăng doanh thu và lợi nhuận của các công ty. SSI Research cho rằng, trong ngắn hạn, Thông tư 07 vẫn là động lực chính đối với tăng trưởng doanh thu (DBD, DHG, IMP), do các công ty thuốc nhập khẩu sẽ bị bất lợi so với các công ty sản xuất thuốc trong nước.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật