Thị trường chứng khoán đang chứng kiến một con sóng thần trên nhóm cổ phiếu khoáng sản. Chỉ trong một thời gian ngắn, một loạt cổ phiếu tăng bằng lần, có thể kể đến như Khoáng sản TKV (Vimico – mã KSV), Khoáng sản Hoàng Mai (mã HGM), Khoáng sản Bắc Kạn (mã BKC). Khiêm tốn hơn, Khoáng sản Bình Định (Bimico – mã BMC), Masan High-Tech Materials (mã MSR),… cũng đã tăng hàng chục % từ đầu năm.
Bộ 3 cổ phiếu KSV, HGM và BKC đều đang ở đỉnh lịch sử cùng giá trị vốn hóa cao kỷ lục. Trong đó, KSV là cái tên đáng chú ý nhất khi giá trị công ty này đã lên đến hơn 51.000 tỷ đồng (2 tỷ USD), vượt qua nhiều tên tuổi như Đức Giang, Vincom Retail, Kinh Bắc,… cùng hoàng loạt ngân hàng.
![Cổ phiếu khoáng sản nổi sóng: Một loạt cái tên tăng bằng lần từ đầu năm, xuất hiện doanh nghiệp tỷ USD vốn hóa, điều gì đang xảy ra?- Ảnh 1. Cổ phiếu khoáng sản nổi sóng: Một loạt cái tên tăng bằng lần từ đầu năm, xuất hiện doanh nghiệp tỷ USD vốn hóa, điều gì đang xảy ra?- Ảnh 1.](https://cafefcdn.com/203337114487263232/2025/2/13/screenshot-2025-02-13-at-170407-1739460931496-1739460931688496787391.png)
Vimico (KSV) là công ty con của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin). Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, kim loại màu; khoáng sản quý hiếm; kim loại đen,… Vimico được biết đến là đơn vị dẫn đầu cả nước về khai thác và chế biến đồng, với quyền khai thác tại mỏ đồng lớn nhất Việt Nam – mỏ Sin Quyền.
Doanh nghiệp này hiện cũng đang sở hữu mỏ đất hiếm Đông Pao có trữ lượng lớn nhất cả nước. Đông Pao có diện tích gần 133 ha, thuộc địa bàn xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, với tổng trữ lượng địa chất quy khô trên 11,3 triệu tấn, chiếm hơn một nửa trữ lượng đất hiếm của cả nước.
Tương tự, Khoáng sản Bắc Kạn (BKC) thành lập vào tháng 4/2000 và được chuyển đổi từ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần có vốn Nhà nước 51% hồi tháng 4/2006. Không lâu sau khi lên sàn năm 2009, SCIC đã thoái toàn bộ phần vốn Nhà nước tại công ty. BKC hiện đang tập trung chính vào khai thác chế biến khoáng sản (quặng chì, kẽm) tại tỉnh Bắc Kạn và các tỉnh lân cận.
Trong khi đó, Khoáng sản Hoàng mai (HGM) hiện là đơn vị duy nhất tại Việt Nam có thể sản xuất Antimon thành phẩm ở quy mô công nghiệp. Chính sách hạn chế xuất khẩu Antimon của Trung Quốc được kỳ vọng đem lại lợi thế tăng giá bán cho doanh nghiệp.
Công ty hiện có quyền khai thác mỏ Antimon Mậu Duệ ở tỉnh Hà Giang gồm ba thân quặng và đang khai thác thân quặng II với trữ lượng khoảng 372.000 tấn quặng với hàm lượng Antimon đạt gần 10%. Ngoài ra, với trữ lượng của thân quặng I và III được ước tính xấp xỉ thân quặng II, công ty cho biết sẽ có nguồn quặng dồi dào, đủ sức đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất trong tương lai.
Bimico (BMC) tiền thân là Công ty Khoáng sản Bình Định được thành lập năm 1985, ngành nghề kinh doanh chính là khai thác, chế biến khoáng sản từ quặng sa khoáng titan và các loại quặng, khoáng sản khác; các hoạt động hỗ trợ khai thác khoáng sản; kiểm tra, phân tích kỹ thuật các loại quặng khoáng sản; mua bán các loại vật tư, máy móc, thiết bị phục vụ khai thác và chế biến các loại quặng khoáng sản.
Masan High-Tech Materials (MSR) là thành viên thuộc Masan Group của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang. Công ty đang quản lý và vận hành mỏ Núi Pháo có trữ lượng vonfram lớn nhất thế giới, ngoài Trung Quốc. Ngoài các sản phẩm tinh quặng vonfram, MSR còn sản xuất và kinh doanh tinh quặng đồng, tinh quặng florit và tinh quặng bismuth…
Chất xúc tác đằng sau con sóng khoáng sản
Cổ phiếu nhóm khoáng sản trên sàn tăng bốc đầu sau khi Trung Quốc thông báo hạn chế xuất khẩu các khoáng sản then chốt sang Mỹ, động thái được xem như sự “trả đũa” sau các biện pháp hạn chế của Mỹ trong lĩnh vực chất bán dẫn.
Bộ Thương mại Trung Quốc chính thức cấm xuất khẩu các mặt hàng “ứng dụng kép” cho bất kỳ khách hàng quân sự Mỹ nào. Quyết định này có hiệu lực ngay lập tức, nghiêm cấm xuất khẩu các khoáng sản như gali, germani, antimon và vật liệu siêu cứng – những nguyên tố then chốt trong sản xuất quân sự và công nghệ cao.
Đối với than chì – nguyên liệu quan trọng trong sản xuất pin và lĩnh vực quốc phòng, Trung Quốc sẽ áp dụng quy trình kiểm tra xuất khẩu chặt chẽ hơn. Hiện nước này là nhà cung cấp chiếm 77% sản lượng toàn cầu năm 2023. Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định biện pháp này nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, tuân thủ luật kiểm soát xuất khẩu và các nghĩa vụ quốc tế về không phổ biến vũ khí.
Thực tế, khai thác khoáng sản và kim loại là lĩnh vực đang được Nhà nước chú trọng. Hồi cuối năm 2024, Luật Địa chất và khoáng sản đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 8 với nhiều điểm mới. Trong đó, Luật quy định trên cơ sở công dụng và mục tiêu quản lý, khoáng sản được phân chia thành các nhóm I, II, III và IV. Trên cơ sở này, quy định phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương, cải cách thủ tục hành chính phù hợp với từng nhóm khoáng sản.
Tại cuộc tiếp ông Benjamin Gallezot, Đại diện Liên bộ về cung ứng khoáng sản và kim loại chiến lược Pháp ngày 21/1, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam mới điều tra một số khu vực cho khoáng sản và kim loại chiến lược, cần tiếp tục đánh giá sâu về trữ lượng, cũng như tính toán lộ trình khai thác, chế biến sâu khi lựa chọn và tiếp nhận được công nghệ hiện đại, bảo vệ môi trường, cũng như dự báo nhu cầu, làm chủ thị trường…
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Liên bộ về cung ứng khoáng sản và kim loại chiến lược Pháp cần làm việc cụ thể với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các đối tác của Việt Nam để kết nối, triển khai thí điểm một dự án hợp tác giữa doanh nghiệp Pháp và doanh nghiệp Việt Nam để tiếp nhận, chuyển giao công nghiệp của chuỗi giá trị khai thác, chế biến sâu, cung ứng các sản phẩm khoáng sản và kim loại chiến lược, trước hết cho thị trường Việt Nam và Pháp.
Nhìn chung, đối với các công ty khoáng sản trên sàn chứng khoán, tác động từ các luồng thông tin trên vẫn cần thêm thời gian để đánh giá. Tuy nhiên, không thể phủ nhận kết quả kinh doanh của đa phần các công ty khoáng sản trên sàn đều khởi sắc thời gian gần đây, ngoại trừ trường hợp MSR vẫn lỗ.
![Cổ phiếu khoáng sản nổi sóng: Một loạt cái tên tăng bằng lần từ đầu năm, xuất hiện doanh nghiệp tỷ USD vốn hóa, điều gì đang xảy ra?- Ảnh 2. Cổ phiếu khoáng sản nổi sóng: Một loạt cái tên tăng bằng lần từ đầu năm, xuất hiện doanh nghiệp tỷ USD vốn hóa, điều gì đang xảy ra?- Ảnh 2.](https://cafefcdn.com/203337114487263232/2025/2/6/screenshot-2025-02-06-104703-1738814158491-173881415855949507383.png)