Sau phiên ATO vài phút, VND lập tức được kéo lên mức giá trần 12.250 đồng một đơn vị. Sắc tím được giữ xuyên suốt buổi sáng nhưng sau đó gặp rung lắc nhẹ ở phiên chiều, trước khi trở lại mức tăng kịch biên độ trong những phút cuối phiên. VND đứng thứ 4 trong top cổ phiếu ảnh hưởng tích cực tới VN-Index.
Thanh khoản mã này đạt gần 239 tỷ đồng, xếp thứ 7 toàn thị trường. Tuy nhiên, khoảng hai phần ba lượng khớp lệnh do bên bán chủ động thực hiện. Tổng khối lượng giao dịch cũng không chênh đáng kể so với mức trung bình 52 tuần qua.
Diễn biến trên phần nào giúp giải tỏa tâm lý cho nhà đầu tư VNDirect khi cổ phiếu này lùi dần về mệnh giá.
Từ cuối tháng 3 đến nay, thị giá mã này thường xuyên giảm. So với mức đỉnh 24.300 đồng vào thời điểm kể trên, VND “bốc hơi” gần 50%. Những phiên gần đây, cổ phiếu VNDirect còn lùi về sát 11.000 đồng, khoảng cách rất gần so với mệnh giá.
VND khoác sắc tím sau thông tin Công ty cổ phần Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 (thuộc Trung Nam Group) mua lại một phần trước hạn 6 lô trái phiếu. Trong khi đó, VNDirect là đơn vị tư vấn, bảo lãnh phát hành, đăng ký lưu ký cho các lô trái phiếu của Trung Nam Đắk Lắk 1.
Vừa qua, VNDirect lên kế hoạch phát hành hơn 300 triệu cổ phiếu và 2.000 tỷ đồng trái phiếu trong giai đoạn 2025-2026. Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Vietcap nhận định các kế hoạch này sẽ hỗ trợ VND khai thác hiệu quả mảng cho vay ký quỹ và tận dụng tốt các cơ hội đầu tư trong bối cảnh thị trường tài chính đang trên đà phát triển.
VND là một trong 4 cổ phiếu kịch trần, bên cạnh VTP, TYA và TMT. Hôm nay chứng khoán gần như đi trên tham chiếu cả ngày, VN-Index đóng cửa trên 1.242 điểm, tích lũy thêm hơn 6 điểm so với hôm qua. Thanh khoản tiếp tục cải thiện khi tăng hơn 2.900 tỷ lên mức trên 13.300 tỷ đồng.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng ở phiên thứ 8 với giá trị gần 3.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến hơn 2.040 tỷ đồng đến từ giao dịch thỏa thuận của VIC. Còn lại, nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu bán FPT, STB, SSI và CTG.
Tất Đạt